Như nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, thành công của Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã để lại nhiều bài học lớn, luôn có giá trị thời sự, trong đó lớn nhất là bài học đại đoàn kết toàn dân.
Theo GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), để đi đến Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng suốt 15 năm: “Chúng ta đã chuẩn bị rất kỳ công, chuẩn bị cả đường lối, sự ra đời của Đảng năm 1930, của cả tổng diễn tập 1930 - 1931, cao trào cách mạng Xô viết - Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931 - 1935, chuẩn bị cả cao trào 1936 - 1939 và đặc biệt 1939 - 1945. Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế. Đó là sự chuẩn bị rất kỳ công”.
Qua các nghiên cứu lịch sử có thể nói rằng, thắng lợi của khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội có tác dụng quyết định đối với phong trào Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, góp phần thúc đẩy, cổ vũ và đóng góp những kinh nghiệm quý để Nhân dân các tỉnh, thành từ Bắc đến Nam liên tiếp đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) khẳng định, trong những bài học lịch sử từ Cách mạng Tháng Tám, bài học lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, rồi đổi mới, chính là bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân. Thực tế lúc bấy giờ, số lượng đảng viên ít ỏi, về vũ khí cũng đơn sơ; kinh tế đất nước đang lâm vào cảnh đói kém. Trong bối cảnh ấy, biết phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tập hợp được người dân đồng lòng dưới cờ Đảng thì khó khăn, thử thách đến đâu cũng sẽ giành được thắng lợi.
"Thế trận lòng dân" trong chống dịch
Trải qua 76 năm, tầm vóc vĩ đại và thành quả của Cách mạng Tháng Tám đã hòa vào dòng chảy lịch sử của dân tộc Việt Nam. Hiện tại, sức mạnh đại đoàn kết ấy cũng đang được phát huy khi chúng ta "chống giặc" vô hình là Covid-19. Theo PGS.TS Bùi Đình Phong (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là bài học lớn của cách mạng Việt Nam.
Từ "Kính cáo đồng bào" của Nguyễn Ái Quốc 80 năm trước (6/1941) đến Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài của Tổng Bí thư về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, cho thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được giữ gìn và phát huy. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành năng động, sáng tạo của Chính phủ, cả hệ thống chính trị đang vào cuộc, chung sức đồng lòng cùng toàn dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" nhất định sẽ thắng lợi.
Thực tế trong cuộc chiến với đại dịch thời gian qua cho thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên tuyến đầu và cả ở hậu phương, đến từng người trong chiến dịch đã làm nên sức mạnh to lớn. Tinh thần "mình vì mọi người" của các y, bác sĩ - những người "chắn sóng" Covid-19 - cho đến lực lượng quân đội, công an, các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng, thành viên các tổ dân phố, tổ tự quản... đã khiến mỗi người dân đều thấy mình thêm trách nhiệm cùng cả nước giữ vững sự an toàn chung.
Sự đoàn kết còn được thể hiện ở tinh thần tình nguyện, nơi không có dịch tăng cường lực lượng hỗ trợ nơi có dịch tham gia các công tác phòng, chống cứu chữa cho các bệnh nhân; những hoàn cảnh khó khăn luôn nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân…
Rất nhiều phong trào, tấm gương của tập thể, cộng đồng và cá nhân đáng quý đã xuất hiện như chung sức, đồng lòng, giúp nhau vượt qua khó khăn; những đội xung kích tình nguyện "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nắm bắt tình hình và hỗ trợ kịp thời cho người dân yếu thế… Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, DN, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng Covid-19.
Những tấm lòng, sự đoàn kết, sự sẻ chia của người dân có thể thấy ở khắp các địa phương, người góp tiền, người góp công, người góp nhu yếu phẩm ủng hộ… để hỗ trợ nhau cùng vượt qua khó khăn. Đặc biệt các "vùng xanh" không có dịch mà trong đó lực lượng nòng cốt đi đầu nghiêm túc thực hiện chính là mỗi người dân, đã tạo nên "thế trận lòng dân" quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Hơn lúc nào hết, tinh thần chiến đấu kiên cường với "giặc Covid-19" đang được đẩy cao hơn bao giờ hết chính bởi sự đoàn kết, đồng lòng.
Từ thực tế ấy có thể thấy, những bài học từ thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vẫn mãi là tài sản vô giá về cả lý luận và thực tiễn. Trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau là kế thừa, phát huy sáng tạo giá trị tinh thần và bài học kinh nghiệm giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám gắn liền với sự chuyển biến của thời cuộc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.