Kỷ niệm ngày Gia đình Việt Nam 28.6: Khi con cái tách khỏi cha mẹ

Diệu Linh - Trần Phượng Thứ sáu, ngày 27/06/2014 07:13 AM (GMT+7)
Con đàn cháu đống nhưng cha mẹ sống một mình, một mảnh đất lớn của gia đình chia tách thành nhiều nhà nhỏ… là mô hình hết sức đa dạng của gia đình nông thôn hiện nay. Không ít người già đã thay đổi quan niệm “già cậy con” mà cố gắng sống độc lập, tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho các con.
Bình luận 0

Già không cậy con

Cổng nhà ông Chử Văn Bảy (81 tuổi, trú tại xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội) uy nghi và bề thế. Nhà ngang, nhà dọc rộng rãi, khang trang nhưng vắng lặng. Gọi mãi, ông bà mới từ trong chái buồng đi ra. Bà Nguyễn Thị Hà (83 tuổi) – vợ ông, cho biết, ông bà sống một mình, tự chăm sóc lẫn nhau và lo lắng rào giậu gia đình. 5 giờ sáng bà thức dậy đi tập dưỡng sinh rồi về lo bữa sáng, chén trà cho ông. Buổi chiều, 3 giờ ông đi tập thể dục, rồi lại về giúp bà chăm sóc cây cối. Đôi vợ chồng già tự túc ăn uống, vui vầy bên nhau. Người chưa biết, nhìn vào tưởng ông bà neo con cháu.

Nhưng ông bà Bảy có tới 9 người con (8 trai, 1 gái) đều đã yên bề gia thất và “nở” thêm hơn 20 cháu, gần chục chắt nội – ngoại. Nếu theo “mô hình cũ”, hẳn là nhà ông bà đã đủ tứ đại đồng đường. Tất cả các con ông bà đều tách ra ở riêng, mua nhà đất ở nội thành, chỉ cách ông bà chừng chục km. Ai cũng muốn đón ông bà về sống cùng để ngày ngày phụng dưỡng nhưng ông bà không thích. “Ở quê, nhìn quen mắt, nghe quen tiếng, vui bạn già, nói chuyện cũ, tự do tự tại. Chúng tôi thích nhà mái ngói, có cột, có kèo, có tiếng thạch sùng, tiếng dế kêu”- ông Bảy chia sẻ.

Bà Hà cho biết thêm, xung quanh còn họ hàng, chòm xóm nên ông bà chẳng lo có việc ốm đau đột xuất mà thiếu người nương tựa. Ông bà cũng đề ra quy định, mỗi tháng, các con cháu tụ tập về một ngày, cùng nhau ăn bữa cơm, hàn huyên tâm sự để anh em thêm gần, cháu con thêm gắn kết. Ông Bảy ngâm nga bài thơ mà ông thích – như lẽ sống của vợ chồng ông: “... 4 thích ăn ở riêng-chung. Ăn riêng nhưng vẫn vui cùng cháu con”.

Tại xã Vạn Phúc cũng có một con ngõ độc đáo- ngõ 2 nhà. Đó là 2 ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Ấm. Trong 2 căn nhà này có tới 13 người thuộc 4 thế hệ ở. Ông Ấm sinh được 10 người con, 3 trai, 7 gái. Vậy là 2 căn nhà của ông được chia ra làm 4 căn hộ cho các gia đình.

Vợ ông mất nên hiện ông sống cùng gia đình con dâu cả trong một căn, còn lại dành cho vợ chồng con trai thứ 3, hai cặp vợ chồng của 2 cháu trai và các chắt. Sống cùng con nhưng khác nhà, ông Ấm vừa đóng vai trò người cha nghiêm khắc vừa giữ vai người mẹ dịu dàng. Khi con cháu sai thì ông phải nói sẵng, dọa đánh hoặc thủ thỉ phân định điều hay lẽ phải để cho chúng hiểu ra.

Ngày càng ít gia đình tam đại, tứ đại đồng đường

Ông Chử Văn Đào – Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, cả xã có hơn 3.600 hộ, chủ yếu làm nông nghiệp. Cuộc sống hiện đại nên mô hình gia đình tam - tứ đại đồng đường cũng đã thay đổi rất nhiều. Rất nhiều đại gia đình tách hộ nhỏ tạo thành những con ngõ toàn anh chị em ruột. Nếu ít người thì ăn chung, nhiều người thì ăn riêng. “Mô hình đó được khá nhiều người thích vì bố mẹ và các con, anh em vẫn quây quần, tối lửa tắt đèn có nhau nhưng vẫn có khoảng riêng cho tự do cá nhân” – ông Đào cho biết.

Xã Đông Hưng (huyện Tiên Lãng, TP.Hải Phòng), thì hầu như không còn gia đình nào sống trong cảnh tam-tứ đại đồng đường như xưa. Thay vào đó là những gia đình sống tách biệt. Nhiều nàng dâu trẻ nhận xét, về cơ bản quá trình “tách hộ” này làm giảm đi sự va chạm, bố mẹ và con cái đều có sự tự do và cũng qua đó, con cái tăng thêm phần trách nhiệm hơn với bố mẹ. Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Nguyễn Thị Sinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Hưng cho biết: “Phong tục trước đây của người dân vùng nông thôn khi lập gia đình vẫn sống chung cùng với cụ, ông bà, bố mẹ… Nhưng giờ xã hội thay đổi, các cặp vợ chồng trẻ không duy trì lối sống đó. Các bậc cha mẹ cũng thay đổi, họ nhận thấy khi ở chung nhiều thế hệ, con cái, cháu chắt thường hay đùn đẩy trách nhiệm. Nhưng khi sống riêng, con cái có trách nhiệm hơn…”.

  “Khi đông con nhiều cháu sống quây quần thì bố mẹ phải công bằng với các con, yêu thương nhưng cũng phải nghiêm khắc và gìn giữ nếp nhà. Nếu không, gia đình luôn xung khắc, mất tình anh em” - ông Chử Văn Đào.
Ông Nguyễn Đình Sức- Trưởng thôn 5, xã Du Lễ (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) có 4 người con thì cả 4 đều ở riêng. Ông bảo, trước kia nghèo khó, nên các cụ chấp nhận ở nhiều thế hệ trong một gia đình. Còn ngày nay, kinh tế phát triển, nhiều cặp vợ chồng trẻ có điều kiện mua đất ở riêng. Sự dịch chuyển từ gia đình lớn sang gia đình nhỏ phụ thuộc vào yếu tố kinh tế, hoàn cảnh từng gia đình, sau nữa là phụ thuộc vào tư tưởng muốn được sống tự do, tách biệt của giới trẻ hiện nay.

 

“Tôi quan sát thấy một điều rất đáng quý ở làng là dù có tách biệt nhưng con cái vẫn có trách nhiệm với bố mẹ. Các con tôi dù đã có gia đình nhỏ phải chăm lo nhưng đều hiếu thuận với bố mẹ. Tôi tin rằng rất nhiều gia đình nhỏ ở các vùng nông thôn khác cũng đang ứng xử như thế” - ông Sức bày tỏ.

Tình máu mủ không phai nhạt

Sinh tới 5 con trai, 3 con gái, ông Trần Văn Phức (84 tuổi, xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội) và vợ đã phải lao động cật lực mới đủ tiền nuôi con ăn học. Tài sản đáng giá nhất mà ông có chính là mảnh đất gần 500m2 tổ tiên để lại. Do đó, mỗi một người con trai lớn, sau khi cưới vợ về, ông lại cắt một ít “gia tài”, xây nhà, cho vợ chồng con ra ở riêng. Hiện trên mảnh đất gần 500m2 của vợ chồng ông đã mọc lên 5 căn nhà với 5 cặp vợ chồng và hơn chục đứa cháu, chắt. Ông bà ở cùng với vợ chồng con trai lớn.

“Các con tôi đều có công ăn việc làm, cuộc sống kinh tế cũng sàn sàn nhau nên chẳng ai tị nạnh, so đo ai điều gì, cứ vậy mà vui sống quây quần” - ông Phức cho biết.

“Ngày xưa các cụ thường thích cả đại gia đình ăn uống chung, nhưng tôi nghĩ giờ khó phù hợp. Nếu quá đông người thì việc quản lý, phân công công việc nội trợ cũng rắc rối, sẽ nảy sinh tị nạnh rồi ghen ghét, giận dỗi lẫn nhau. Do đó, tôi cứ cắt cho mỗi con một miếng đất, xây nhà rồi cho chúng ở riêng, tự lo cuộc sống của mình. Tuy nhiên, vì anh em vẫn ở cạnh nhau nên tình máu mủ ruột già vẫn không phai nhạt. Công bằng, tôn trọng các con thì nhà cửa sẽ êm thấm” - ông Phức chia sẻ.
Tuấn Kiệt
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem