Cô giáo khuyết tật dạy tiếng Nhật
Bị bại liệt từ năm lên 4 nhưng gần 20 năm qua, cô giáo khuyết tật Trần Phương Liên (trú tại số 75 đường Bến Nghé, phường Phú Hội, TP.Huế) đã vượt qua nỗi đau bản thân, trở thành một trong những người dạy tiếng Nhật giỏi của TP.Huế. Khi chúng tôi tới thăm, trong căn phòng rộng chừng 15m2, cô giáo Liên đang dạy tiếng Nhật cho hơn 30 người đủ các lứa tuổi... Kết thúc buổi học, cô Liên khẽ kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời mình. Cô sinh năm 1958, lên 4 tuổi thì bị bại liệt sau một cơn sốt nặng. Trong thời kỳ chiến tranh loạn lạc, gia đình lại khó khăn nên việc chữa trị cho cô trở nên quá xa vời. Con đường đến trường và cuộc đời cô bắt đầu “đi trên lưng” ba mẹ, bạn bè và phụ thuộc vào chiếc xe lăn từ đó.
Cô giáo Phương Liên dạy tiếng Nhật cho học trò.
Mặc dù tật nguyền nhưng cô Liên chưa một lần từ bỏ giấc mơ làm cô giáo dù chỉ là trong suy nghĩ. Suốt 12 năm học phổ thông, cô luôn là học sinh giỏi. Năm 1977, cô trúng tuyển vào khóa đầu tiên của khoa Văn-Sử, Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế). Năm 1981, cô tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân ngành Sử học nhưng đi đến đâu xin việc cũng chỉ nhận được cái lắc đầu với lý do cô không đủ sức khỏe. Nuốt nước mắt vào trong, cô đành ra vỉa hè đường Bến Nghé kiếm sống với chiếc tủ thuốc lá bán lẻ và đan len thuê mong có một ngày vận may sẽ đến.
Năm 1993, cô nghe tin có lớp dạy Nhật ngữ được mở tại Huế do chính các thầy giáo Nhật dạy nên đăng ký dự thi. Mặc dù thi đỗ nhưng cũng với lý do không đủ sức khỏe, cô lại không được nhận.
Thế nhưng, bất ngờ một ngày có 2 thầy giáo người Nhật là thầy Shine Toshiko và Tsu Noda tìm đến nhà dạy tiếng Nhật cho cô vì biết cô là người có ý chí và đam mê Nhật ngữ. Chỉ sau 2 năm, với sự thông minh và chăm chỉ vốn có, cô Liên đã thông thạo tiếng Nhật. Năm 1996, cô quyết định mở lớp dạy tiếng Nhật ngay tại nhà để tự kiếm sống và thực hiện ước nguyện được làm cô giáo - dù chỉ là danh xưng.
Qua gần 20 năm mở lớp, học trò của cô Liên đã lên tới hàng nghìn người. Có không ít người bây giờ là học giả, doanh nhân thành đạt cả trong và ngoài nước. Sự nhiệt tình, kiến thức Nhật ngữ sâu rộng, phương pháp truyền đạt phóng khoáng… và hơn thế nữa là ý chí vượt khó, lòng kiên trì chiến thắng tật nguyền là những phẩm chất đẹp khiến các học viên xa gần tìm tới cô giáo Nguyễn Phương Liên.
Thầy giáo liệt dạy chữ cho học sinh nghèo
Đó là thầy Nguyễn Trai (50 tuổi, trú thôn Thanh Lam, xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Thầy Trai bị liệt khi đang học lớp 9, sau một cơn bạo bệnh. Cũng từ đó đến nay, cuộc sống của thầy Trai luôn gắn liền với đôi nạng gỗ. Năm 1987, lúc thầy Trai mới 21 tuổi, cảm thương những đứa trẻ trong thôn hiếu học nhưng không có tiền để đến trường, thầy lê đôi chân tật nguyền đi chặt tre, nứa dựng lều, mở lớp học xóa mù chữ miễn phí. Tiếng lành đồn xa, từ dăm ba em ban đầu, số lượng học sinh cứ tăng dần, thời điểm cao nhất lên đến 50 em. Không chỉ dạy kiến thức, thầy Trai còn dạy các em về đạo đức làm người, làm việc tốt… Cảm phục tấm lòng của thầy Trai và tinh thần hiếu học của học sinh vùng cát nghèo nơi đây, rất nhiều thầy cô giáo ở các trường trên địa bàn tỉnh đã ủng hộ sách vở, bút, dụng cụ học tập, bàn ghế cho lớp học đặc biệt này.
Thầy Trai luôn mong trẻ em nghèo được đến trường. N.V
Thương thầy giáo nghèo nhưng bản thân cũng chẳng khá giả gì, phụ huynh các em trả ơn thầy bằng cách góp gạo, gà… Nhà nào nghèo không có gạo, có gà thì trả bằng ngày công như cuốc đất trồng khoai, sắn giúp thầy.
Ròng rã suốt 30 năm qua, hình ảnh người thầy bên chiếc nạng gỗ, cầm phấn trắng khó nhọc viết từng mẫu chữ, con số truyền dạy kiến thức cho các em đã trở nên thân thuộc với người dân nơi đây. Và cũng ngần ấy năm, hàng trăm, hàng ngàn thế hệ học trò của thầy Trai đã gặt hái rất nhiều thành công trong cuộc sống từ lớp học tranh tre ấy. Cứ đến ngày lễ mừng nhà giáo, ngày tết, học trò cũ từ mọi miền đất nước lại tìm về thăm hỏi, động viên thầy.
“Cuộc đời tôi chỉ có một tâm nguyện duy nhất là trẻ em nghèo không chỉ ở thôn tôi mà trên toàn đất nước được đến trường học chữ để thoát nghèo” – thầy Nguyễn Trai tâm sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.