Chật vật sinh sống
Nằm nép mình bên con hẻm tại làng Hanh Quang, quán tạp hóa của cụ Phạm Thị Tuyết Nhung (71 tuổi, trú xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, Bình Định) thưa thớt khách ghé thăm. Sống cảnh neo đơn, không chồng, con nên việc ăn ở, mưu sinh hàng ngày của cụ phải nương nhờ người em Phạm Trọng Khánh (65 tuổi). “5 đứa con của em trai tôi cũng ở xa nên hàng ngày chỉ có hai chị em già cả bao bọc, chăm lo lẫn nhau. Tôi chỉ có sức bán các mặt hàng lặt vặt, ít khách nên mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ kiếm được 20.000 đồng, cộng với 180.000 đồng hàng tháng Nhà nước trợ cấp cho người già neo đơn nên cuộc sống rất kham khổ”- cụ Nhung tâm sự.
Theo luật, người già được quyền chăm sóc sức khỏe định kỳ (ảnh minh họa). Ảnh: Dương Ngọc
Cách đây 3 năm, cụ Nhung bị tai biến, tê dại chân trái. Những lúc trái gió trở trời, cơn đau lạnh buốt, cụ lại nhờ vào những viên thuốc giảm đau để qua ngày. “Tôi được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) miễn phí nhưng vào viện lại lo các khoản phí phát sinh nên cũng chỉ ở nhà chịu đựng thôi” - cụ Nhung chia sẻ. Theo ông Đàm Hữu Đắc - Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam, tính đến hết tháng 6.2015 cả nước có gần 1,6 triệu NCT được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (180.000 đồng/tháng), trong đó gần 1,5 triệu NCT đủ 80 tuổi trở lên và gần 88.000 NCT nghèo, cô đơn không nơi nương tựa.
Ít được chăm sóc sức khỏe
“Hiện cả nước có hơn 8 triệu NCT, bình quân mỗi NCT mắc 2,7 bệnh, hơn 90% NCT mắc bệnh mãn tính. Vậy mà chỉ có 1/2 trong số họ có thẻ BHYT, 1/5 được khám sức khỏe định kỳ. Và tôi tin số NCT được chăm sóc sức khỏe định kỳ đa số ở thành thị. Có hàng triệu NCT ở vùng sâu vùng xa vẫn đang chật vật sống cùng bệnh tật mà không được chăm sóc” – ông Đắc cho biết.
Ông Đỗ Thanh Hóa – Chủ tịch Hội NCT phường Thị Nại (TP. Quy Nhơn, Bình Định), cho biết: “Chúng tôi có 450 hội viên tham gia Hội NCT, nhưng cuộc sống của hội viên có lương hưu thì chỉ đủ sống, còn lại thì rất khó khăn. Tuổi cao, sức khỏe suy yếu nhưng nhiều người thu nhập thấp nên không dám mua BHYT. Trong khi đó, chỉ có người trên 80 tuổi mới được cấp thẻ BHYT và được chi trả 100% viện phí. Chúng tôi mong muốn NCT nào cũng có thẻ BHYT và được giảm mức đồng chi trả viện phí. Mức trợ cấp 180.000 đồng cho người già trên 80 tuổi và người neo đơn cũng quá thấp, chỉ đủ mua rau, mua gạo trong khi NCT bệnh tật nhiều”.
Người cao tuổi “ngoài luật”
Ông Đắc cũng đánh giá, nhiều quy định trong Luật NCT chưa được thực hiện như giảm giá vé khi tham gia giao thông, vé tham quan, du lịch, người trên 80 tuổi được ưu tiên khám bệnh trước… Hiện tại NCT tham gia giao thông công cộng mới được giảm giá vé tàu hỏa, tàu thủy và Hãng hàng không Vietnam Airlines qua những điểm bán vé của Nhà nước; trên thực tế NCT chủ yếu tham gia giao thông công cộng đường bộ thì chưa được giảm.
Chia sẻ thực tế, ông Nguyễn Huy Am (68 tuổi, phường Mai Dịch, Hà Nội) nói rất buồn chán khi dẫn bạn bè về thăm thủ đô. Ông cho biết, Luật NCT quy định giảm 50% giá vé du lịch, tham quan cho NCT nhưng ông có tranh luận đứt lưỡi những nơi bán vé vẫn khăng khăng cho biết “chưa nghe tới quy định như vậy”. Đi taxi, xe bus đều gặp tình trạng như vậy. “Đôi co một hồi lại nhận được ánh mắt coi thường của mọi người như thể mình cậy già để đòi sự thương hại vậy” – ông Am bức xúc. Một số bạn bè cùng hội hưu trí cho biết, khi đi khám chữa bệnh, họ cũng không được ưu tiên mà phải xếp hàng như mọi người. Sức khỏe yếu mệt nên nhiều khi chờ đợi muốn ngất xỉu.
Cần hạ tuổi trợ cấp
Tại Hội thảo “Chia sẻ kết quả đánh giá tình hình thực hiện Luật NCT qua giám sát một số tỉnh trên cả nước” vừa diễn ra, ông Đàm Hữu Đắc - Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam đề nghị Chính phủ xem xét hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội và cấp thẻ BHYT với NCT không có lương hưu từ đủ 80 tuổi xuống 75 tuổi. Ông Đắc đề xuất, nếu kinh tế nhà nước còn khó khăn thì ưu tiên thực hiện ở các địa bàn biên giới, hải đảo, vùng đông bào dân tộc thiểu số. Đồng thời cũng cần tăng mức trợ cấp vì với 180.000 đồng/tháng chưa thể giúp NCT đáp ứng mức sống tối thiểu. “Quy định từ đủ 80 tuổi mới được nhận trợ cấp là quá cao, nhất là đối với NCT ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số. Cuộc sống khó khăn nên ngoài 70 tuổi là sức khỏe của họ đã rất già yếu. Thậm chí tuổi thọ của họ còn thấp, chẳng đợi được đến lúc nhận ưu ái của Nhà nước đã “hai năm mươi rồi”.
Hồng Vân
Hơn 62% NCT không có lương và trợ cấp
Theo bà Trần Thị Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, tỷ lệ bao phủ lương hưu đối với NCT còn rất thấp, thậm chí còn giảm do tốc độ già hóa dân số của Việt Nam quá nhanh. Kể từ năm 2012 đến nay, tỷ lệ NCT được nhận lương hưu và trợ cấp xã hội đã giảm 1,24%. Hiện chỉ có 62,5% người cao tuổi chưa có lương hưu hoặc trợ cấp lúc tuổi già (gần 5 triệu người). Tổng số NCT đang được lĩnh lương hưu và trợ cấp là hơn 4 triệu người.
Tuấn Kiệt
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.