Kỷ niệm với “con người lịch sử”

Thứ sáu, ngày 09/09/2011 06:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Lúc ở chiến trường Khu V hay khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chúng tôi vẫn thường gọi đồng chí Võ Chí Công bằng cái tên thân mật: Anh Năm.
Bình luận 0

Nhân mừng thọ anh Năm tròn 100 tuổi (7.8.1912 - 7.8.2011), nhắc lại những kỷ niệm của anh với quân và dân Khu V để hiểu hơn về "con người của lịch sử", là minh chứng không một kẻ thù nào có thể áp đảo sức mạnh ý chí và tư tưởng của một dân tộc yêu hòa bình.

Lúc ở chiến trường Khu V hay khi đảm nhận trọng trách Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, chúng tôi vẫn thường gọi đồng chí Võ Chí Công bằng cái tên thân mật: Anh Năm. Hơn nữa, gọi bằng anh Năm bởi nét giản dị, gần gũi và giàu lòng yêu thương đồng chí, đồng đội cũng như người dân Khu V, miền Nam và cả nước.

img
Đồng chí Võ Chí Công (giữa) - Bí thư Khu ủy Khu 5 và các đồng chí Bùi Hồng Thái (phải) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa; Cao Kỳ Trí (Xuân Diệu - trái) - Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên họp tại P318.

Sau những năm công tác ở miền Nam với chức vụ Phó Bí thư T.Ư Cục miền Nam, tháng 4.1964, anh Năm Công được T.Ư Đảng điều về kiêm nhiệm Bí thư Khu ủy Khu V. Lúc này, tôi đang đảm nhiệm chức vụ Chính ủy Trường Quân chính, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nên may mắn được làm việc dưới sự chỉ đạo của anh. Với vai trò một người chỉ huy, anh Năm đã giúp chúng tôi vượt qua những năm tháng ác liệt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Kỷ niệm sâu sắc nhất với anh là vào tháng 3.1965, quân viễn chinh Mỹ trực tiếp đổ bộ vào Đà Nẵng và ngay tại đất Núi Thành - một địa bàn trọng yếu của Khu V. Trước tình hình đó, quân dân cả nước đều lo lắng với hàng loạt câu hỏi có đánh được Mỹ không và đánh bằng cách nào? Qua sự chỉ đạo sâu sắc và cụ thể của anh Năm, tôi càng hiểu thêm ý chí và nghị lực của người cộng sản ấy. Anh quan niệm rằng không kẻ thù nào được coi là mạnh tuyệt đối, là bất khả chiến bại. Với sức mạnh của tư tưởng, ý chí, sức mạnh toàn quân và toàn dân, chúng ta sẽ chiến thắng.

Khi miền Nam sốt lên vì tin Mỹ leo thang cuộc chiến, anh Năm và Khu ủy đã bình tâm chú trọng công tác tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân không sợ Mỹ, đi từ dám đánh Mỹ đến biết đánh Mỹ, kiên trì phương châm đánh cả quân sự, chính trị, phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân và luôn giữ vững thế tiến công địch.

Với tư tưởng đó, anh Năm cùng anh Chu Huy Mân (Tư lệnh Quân khu) đã chủ trương và chỉ đạo quân dân Quảng Nam thực hiện trận đánh phủ đầu quân Mỹ đầu tiên vào tháng 5.1965 và giành thắng lợi, mở ra tư tưởng chiến lược cho quân dân Khu V và miền Nam quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ. Trong trận đánh đó, tôi trực tiếp tham chiến với vai trò chỉ huy chỉ đạo trận Núi Thành.

Khi trận chiến đấu kết thúc, không ngờ T.Ư Cục miền Nam, cả anh Ba Duẩn lại nhận tin thắng lợi trước tin báo về Khu ủy và Quân khu. Số là, trong trận đánh có một nhà báo quân đội đi theo, sử dụng máy truyền tin tốt hơn nên T.Ư Cục và anh Ba Duẩn biết trước, còn anh Năm ở đại bản doanh gần đó nhưng do máy truyền tin cũ loại 15W lạc hậu nên tin đến muộn hơn.

Không chỉ dừng lại ở một trận đánh, tháng 9.1965, anh Năm còn giao anh Bảy Hữu - Thường vụ Khu ủy - đến huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành, Quảng Nam) để trực tiếp nghiên cứu cách đánh Mỹ của quân và dân trên vành đai diệt Mỹ Chu Lai cũng như ở phía bắc huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhằm đúc kết kinh nghiệm và phổ biến cho cả miền Nam. Toàn bộ kinh nghiệm được gói gọn với phương châm "Hai chân, ba mũi giáp công". Chính cách đánh này đã buộc Mỹ phải "xuống thang", ngồi vào bàn hội nghị Paris. Lịch sử đã nghiên cứu và rồi đây có thể tiếp tục nghiên cứu thêm cách đánh này, có thể chưa có trong các học thuyết quân sự.

Có thái quá không khi nói đó là cách đánh giặc của anh Năm, của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy, Quân khu, của riêng quân và dân Việt Nam. Xuyên suốt trong cách đánh ấy là tư tưởng lấy dân làm gốc, lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều, thần tốc và bất ngờ.

Thấm nhuần tư tưởng đó, trong chiến dịch mùa xuân 1975, sau khi căn bản giải phóng Đăk Lăk, Bộ Chính trị điện cho anh Năm lên Tây Nguyên họp với Bộ Tổng Tư lệnh tiền phương tại Buôn Ma Thuột bàn về đẩy mạnh phát triển chiến dịch.

Trên đường đi, thấy chiến trường chuyển biến có lợi cho ta, cụ thể địch rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku, anh xin Bộ Chính trị không dự họp quay trở về ngay để chỉ đạo, khẩn trương tấn công Đà Nẵng.

Đây là đòn đánh bất ngờ nhất, đánh thần tốc và táo bạo vào xương sống của quân lực chế độ ngụy Sài Gòn làm đổ vỡ từng mảng, dẫn đến tan rã toàn diện. Ngày 29.3.1975, Đà Nẵng giải phóng. Một tháng sau, ngày 30.4.1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, giang sơn thu về một mối.

Bài viết từ Quảng Nam online

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem