Giữa năm 2006, chàng sinh viên Nguyễn Quốc Uy tốt nghiệp chuyên ngành điện tử viễn thông (Đại học Tôn Đức Thắng, TP.Hồ Chí Minh) và dễ dàng xin được việc làm với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng tại TP.HCM. Nhưng cuối năm 2009, Uy đột ngột quyết định thôi việc, trở về quê thành lập Công ty TNHH một thành viên Nấm Mang Yang trước sự ngỡ ngàng của gia đình và người thân…
Nguyễn Quốc Uy bên trại nấm của mình. Ảnh: Q.U
Khi mới thành lập công ty, Uy chưa có kinh nghiệm, vốn ít, trang trại của anh đã bị lỗ hơn 350 triệu đồng do nguyên liệu làm nấm xử lý gặp sự cố. Từ bài học đúc rút, Uy quyết tâm tìm tòi, học hỏi thêm kỹ thuật. Đợt trồng sau, Uy xuống giống trên 36.000 bầu phôi nấm mèo. Sau 3 tháng chăm sóc, với số vốn bỏ ra 350 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, Uy thu lãi trên 200 triệu đồng… Hiệu quả bước đầu đã tạo thêm động lực để anh mở rộng diện tích trang trại. Để có sản phẩm tốt, đồng đều, hạ giá thành, Uy mạnh dạn đầu tư dây chuyền sản xuất nấm khép kín từ máy trộn mùn cưa, lò hấp đến bao bì… Cùng với đó, Uy tự nghiên cứu, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động. “Hiện 9 trại nấm của tôi chỉ cần ấn nút sau 10 phút là có thể tưới tự động toàn bộ…”- Uy cho biết
Dẫn chúng tôi đi thăm trại nấm đang chuẩn bị thu hoạch, Uy bộc bạch: Nghề trồng nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị nguyên liệu cũng như chăm sóc. Nghề này như nuôi con mọn. Việc thu hoạch nấm sớm hay muộn cũng ảnh hưởng đến chất lượng nấm để bán được giá hay không trên thị trường”.
Sau hơn 6 năm gắn bó với nghề trồng nấm, đến nay trang trại của Uy đã có tổng diện tích lên đến 10.000m2, doanh thu đạt tới 1,4 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, công ty còn cung cấp meo giống cho các hộ dân sản xuất, sau đó mua sản phẩm với giá thị trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.