Học sinh lớp 12 trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sẽ dự thi năm nay. Ảnh: Hồ Thu. Học sinh lớp 12 trường THPT Việt Đức (Hà Nội) sẽ dự thi năm nay. Ảnh: Hồ Thu.
Chọn môn thi… lệch
Bà Nguyễn Hồng Thúy, Hiệu trưởng trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) cho hay, trường đã cho học sinh (HS) đăng ký chọn môn thi, thành lập lớp ôn thi theo yêu cầu và cho HS thi thử bằng đề thi giáo viên tự làm. Trường có hơn 500 HS thì có hơn 300 HS đăng ký môn tự chọn là Vật lý, Hóa học có trên 200 HS đăng ký, Sinh học có 30 HS và 2 môn Lịch sử, Địa lý chỉ có dưới 10 HS đăng ký thi. Ở các trường THPT Việt Đức, Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) tình trạng cũng tương tự: HS chủ yếu chọn thi các môn Vật lý, Hóa học, thứ ba mới đến Sinh học, còn các môn Lịch sử, Địa lý có rất ít HS đăng ký.
Ông Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, việc chuẩn bị cho kỳ thi vẫn chưa định hình rõ, trường đành làm theo kiểu HS thi thêm môn nào thì tập trung ôn thi môn đó. Mỗi tuần có 3 buổi chiều HS được ôn thi, ngoài 1-2 tiết cho 2 môn Văn và Toán, HS sẽ được học các môn chọn thi. Ông Lâm nói: HS chọn thi Lịch sử, Sinh học ít nhưng nhà trường vẫn phải bố trí lớp ôn tập, dù tốn kém vẫn phải tổ chức dạy ôn thi.
Còn ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng THPT Việt Đức (Hà Nội), cho rằng, đây là một bài toán phức tạp. Dù ôn thi, các HS vẫn phải ngồi chung lớp và được yêu cầu ngồi yên, không được mất trật tự. Tuy nhiên, những HS ngồi trong lớp, nếu môn học không phải là môn thi các em chọn thì HS sẽ không tập trung học. Tuy vậy, nhà trường cũng không dám tách lớp theo từng môn vì e ngại gặp phải vấn đề về quản lý hoặc để HS ra ngoài trường sẽ không an toàn.
Học sinh và phụ huynh lo lắng
Ông Nguyễn Quốc Bình cho biết, khi mới có dự thảo phụ huynh và HS rất lo lắng. Hiện sự lo lắng có giảm xuống nhưng vẫn đầy những băn khoăn: 2 kỳ thi dồn làm một thì cấu trúc đề thi sẽ như thế nào; Bộ GD&ĐT thông báo rằng đề thi sẽ tương tự như đề thi năm trước và có phần tích hợp thì phần tốt nghiệp sẽ nằm ở đầu, cuối hay giữa. Trước kia Bộ GD&ĐT công bố sẽ đổi thành thang điểm 20 thì yêu cầu kiến thức tối thiểu ra sao; các bước làm bài tự luận sẽ thế nào, chia nhỏ điểm đến 0,25 thì HS phải làm bài thế nào…Tất cả những câu hỏi như thế đều ảnh hưởng đến tâm lý của các em, một nhà quản lý giáo dục cho biết.
Thầy cô chưa sẵn sàng?
Trong khi ngành GD&ĐT đang triển khai việc dạy học tích hợp, vận dụng kiến thức liên môn, vận dụng kiến thức thực tiễn để phù hợp với hướng đổi mới thi cử thì thực tế việc dạy học của các thầy cô không khác nhiều so với trước. Đó là lời khẳng định của một nhà quản lý GD tại một trường THPT hàng đầu tại Hà Nội. Theo ý kiến của nhà quản lý này, những kiến thức tích hợp hay vận dụng chỉ nằm trong bài thao giảng hoặc bài mẫu của các thầy cô. Còn bài tập, bài giảng gắn với thực tiễn hầu như không có trong các tiết giảng hàng ngày. Vị này cho biết, các môn Toán, Lý, Hóa… vẫn được giảng dạy như sách giáo khoa thôi, còn giáo viên chưa hề tạo dựng được những bài học gắn liền với thực tiễn. Nhà quản lý này băn khoăn, ngay cả học sinh ở trung tâm Hà Nội vẫn còn mơ hồ thì học trò ở các vùng miền khác sẽ làm bài thi đổi mới theo hướng vận dụng kiến thức thực tế ra sao đây?
Băn khoăn cụm thi địa phương
Theo ông Nguyễn Tùng Lâm, dù chưa có văn bản chính thức nhưng có thể 2 tỉnh sẽ có một điểm thi và do 1 trường ĐH chủ trì. Những thí sinh không xét tuyển vào ĐH thì sẽ được thi ở cụm thi địa phương. Tuy nhiên, ông Lâm băn khoăn, nếu các thí sinh thi cụm địa phương – nơi được cho là HS chỉ thi tốt nghiệp mà không có nhu cầu học đại học –đạt điểm cao, lại muốn xét tuyển vào ĐH thì sao?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.