Kỳ thi THPT Quốc gia 2016: Thành phố ế ẩm, nông thôn “cháy” nhà trọ

Lê Chinh - Hà Hoa Thứ sáu, ngày 17/06/2016 06:01 AM (GMT+7)
Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, Bộ GD-ĐT thay đổi cách thi, “phân luồng” các cụm thi khiến cho các thí sinh thay đổi hẳn cách ôn luyện, đồng thời các nhà trọ ở các thành phố lớn cũng “mất mùa”.
Bình luận 0

Giá “hữu nghị” vẫn vắng

Năm 2015, cả nước chỉ có 38 cụm thi THPT quốc gia đặt ở 23 tỉnh, thành dành cho thí sinh (TS) có nguyện vọng thi lấy điểm xét tuyển tốt nghiệp và vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, năm nay, thay bằng việc tổ chức thi liên tỉnh, các cụm thi được Bộ GDĐT chia đều về hầu hết các tỉnh, thành với 120 cụm thi. Điều này đã khiến cho sức ép nhà trọ đổ lên các tỉnh lẻ trong khi đó nguồn lực này ở các thành phố lớn lại trở lên… thừa thãi.

himg

Khu nhà trọ ở đường Láng, Hà Nội vắng như “chùa Bà Đanh”. Ảnh: Hà Hoa

Tăng 31 cụm thi so với năm 2015
Theo Bộ GDĐT, kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 sẽ có 120 cụm thi. Trong đó, có 70 cụm thi do các trường ĐH chủ trì dành cho những TS dự thi với 2 mục đích lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ; 50 cụm thi do các Sở GDĐT chủ trì dành cho các TS dự thi chỉ với mục đích lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT. 

Thời điểm này các năm trước đã là mùa “vào cầu” của các chủ thuê nhà trọ ở khu vực Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các thành phố lớn. Ngược lại với không khí “nóng” của những năm trước, năm nay, những tấm biển “có phòng cho TS thuê” đã thưa thớt hẳn.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ nhà trọ ở ngõ 130 Xuân Thủy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Bằng giờ này mọi năm, nhà trọ đã chật kín TS đăng ký thuê trọ, nhiều phụ huynh từ Sơn La, Lào Cai cũng gọi điện xuống đăng ký trước để giữ chỗ, nhưng năm nay chưa thấy ai hỏi han”. 

Tương tự như ở khu vực Cầu Giấy, trên tuyến đường Đê La Thành, gần Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, Đại học Mỹ thuật công nghiệp cũng vắng bóng những tấm biển cho TS thuê trọ. Bà Nguyễn Thị Thi, chủ nhà trọ tại ngõ 185 phố Giảng Võ cho biết, năm trước, có lúc nhà trọ tưởng như “vỡ tung” vì hết chỗ, nhiều TS năn nỉ xin ở chung 7-8 người/phòng.

“Mọi năm tôi phải thuê lại nhà trọ của sinh viên để tranh thủ 1 tháng mùa thi. Nhưng năm nay Bộ GDĐT thay đổi cách thi, không phải đổ hết về Hà Nội thi nữa. Mất 1 khoản thu cũng tiếc nhưng nghĩ các cháu không phải rồng rắn lên Hà Nội vất vả nữa cũng thấy mừng cho các cháu” – bà Thi nói.

Địa phương cuống cuồng

Khác với không khí vắng vẻ tại các thành phố lớn, thời điểm này, những địa điểm dự kiến sẽ đặt cụm thi THPT quốc gia ở các tỉnh lẻ đang “nóng” vì thiếu nhà trọ.

Vừa nhận được giấy báo dự thi tại địa điểm Trường ĐH Thái Bình  (TP. Thái Bình) ngày 15.6, gia đình em Nguyễn Văn Tuân (Quỳnh Phụ, Thái Bình) đã gấp rút liên hệ tìm phòng trọ gần trường cho em dự thi. Tuân cho biết: “Sáng nay, bố em đi xe lên tận nơi để tìm nhà trọ, nghe bố nói các xóm trọ đều đã hết phòng, chỉ có thể thuê trọ ở các nhà dân gần đó thôi. Nhà cách thành phố 30km, sáng đi tối về cũng được nhưng bố sợ em mệt, ảnh hưởng đến việc thi”.

Năm nay tỉnh Thanh Hóa có hơn 37.000 TS dự thi, trong đó cụm thi do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì có 20.233 thí sinh, cụm thi do Sở GDĐT Thanh Hóa chủ trì có 16.825 TS dự thi. Để đáp ứng nhu cầu thuê trọ của lượng TS khổng lồ, thời điểm này, khu vực nhà dân gần các địa điểm thi tại TP. Thanh Hóa đã “mọc” lên nhiều nhà trọ, phòng trọ tự phát.

Bà Trần Thị Liên (đường Quang Trung, phường Đông Vệ, TP.Thanh Hóa) cho biết: “Mọi năm cũng cho TS thi vào ĐH Hồng Đức thuê trọ, năm nay được biết TS tỉnh Thanh Hóa chỉ thi ở Thanh Hóa thôi nên số lượng trọ chắc chắn sẽ tăng. Tôi cũng đã sửa sang lại các phòng, “đánh tiếng” với các cháu sinh viên cho mượn phòng vài hôm. Thời điểm này đã có hơn 10 người đến hỏi và đặt cọc phòng rồi. Nhà cũng mở quán cơm bình dân phục vụ các cháu luôn”. Bà Liên cũng cho biết, nhiều nhà dân ở xung quanh đây không có phòng trọ cũng rậm rịch dọn nhà, tận dụng phòng ngủ, phòng khách của gia đình cho trọ “kiếm” thêm.

ĐH Tây Bắc năm nay chủ trì cụm thi tại tỉnh Sơn La. Mặc dù là tỉnh miền núi có số lượng TS không quá lớn, tuy nhiên để tạo điều kiện cơ sở vật chất để đáp ứng đủ nhu cầu ăn, ngủ, nghỉ của TS, cụm thi này cũng phải có nhiều phương án đối phó. Ông Đinh Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc cho biết, nguồn lực chủ yếu dựa vào cơ sở vật chất sẵn có của trường. Năm nay ĐH Tây Bắc có 2.800 TS dự thi, KTX của trường cũng đáp ứng được gần hết. Ngoài ra, theo ông Tâm: “Trước đó, nhà trường cũng đã phối hợp Đoàn thanh niên đi khảo sát, lập sổ địa chỉ nhà trọ đồng thời cho các chủ kinh doanh nhà trọ cam kết về giá cũng như chất lượng nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho các TS về dự thi. Những TS nào không muốn trọ trong ký túc xá sẽ được lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ tìm và thuê các phòng trọ với giá “mềm” quanh khu vực thi” – ông Tâm nói. 

Tận dụng ký túc xá cho thí sinh trọ

Năm nay tại TP.HCM có 4 cụm thi, trong đó ĐHQG TP.HCM chủ trì 3 cụm, còn 1 cụm do ĐH Sư phạm TP.HCM chủ trì. Ngoài ra còn có cụm thi do Trường ĐH Sài Gòn tổ chức cho hơn 2.000 TS tỉnh Long An về dự thi. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đã hoàn tất bao gồm cả công tác chuẩn bị chỗ trọ giá rẻ, miễn phí cho TS… Tại Trường ĐH Sài Gòn, năm nay trường được giao chủ trì cụm thi tỉnh Long An cho hơn 12.500 TS đăng ký dự thi. Nhà trường tổ chức liên kết với Trung tâm Hỗ trợ sinh viên thành phố và các đội tình nguyện để tìm chỗ trọ giá rẻ-miễn phí cho TS. 

Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM, nhà trường phải chủ trì đến ¾ cụm nên công tác chuẩn bị chỗ trọ cho TS cũng khá căng thẳng, nhất là các TS ở huyện xa như Cần Giờ, Bình Chánh… Tuy nhiên Hội Sinh viên các trường thành viên đã chủ động tổ chức các chương trình tiếp sức mùa thi cho từng địa bàn. Ngoài việc “tận dụng” hết các chỗ trống trong các khu nhà ký túc xá, Hội Sinh viên và thanh niên tình nguyện còn chủ động liên hệ với các ký túc xá lớn của các trường để chuẩn bị chỗ trọ cho TS về dự thi.  

Quốc Hải

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem