Ôn thi vào guồng
Ngay từ đầu năm học 2016, Trường THPT Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang, Hải Dương) đã có kế hoạch ôn tập cho 407 học sinh lớp 12 của trường. Hiện tại, các lớp ôn tập theo 8 môn thi đều đã vào “guồng”. Thầy Đỗ Hoàng Trọng - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay, nhà trường tổ chức 2 đợt thi “tập dượt”, đợt 1 thi thử tốt nghiệp THPT vào tháng 1, đợt 2 dự kiến vào tháng 6. Đề thi do ban giám hiệu nhà trường soạn thảo bám sát chương trình học tập của học sinh. “Kết quả thi đợt 1 có trên 80% học sinh thi đỗ. Đối với 20% học sinh chưa đạt, nhà trường tiếp tục cho ôn luyện” – thầy Trọng cho biết.
Học sinh THPT tại TP.HCM tăng tốc ôn tập cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Ảnh: Quốc Hải
Tại Trường THPT Gia Định (TP.HCM), để giúp học sinh làm quen với kỳ thi, trường quyết định tổ chức 3 kỳ thi thử cho 1.000 học sinh lớp 12, trong đó đợt 1 đã tổ chức vào tháng 2, còn lại đợt 2 và 3 sẽ diễn ra giữa tháng 5 và 6. Theo bà Nguyễn Thị Thu Cúc - Hiệu trưởng nhà trường, việc tổ chức thi thử sẽ giúp học sinh thấy rõ sức học để chọn khối thi, ngành, trường phù hợp. Cũng nhìn vào kết quả thi thử, giáo viên bộ môn sẽ điều chỉnh cách dạy phù hợp, hiệu quả hơn.
Ở khối các trường ngoài công lập, tình trạng “chăm gà” cũng được đẩy mạnh hết mức. Tại hệ thống Trường THPT Quốc Văn Sài Gòn, với mục tiêu để học sinh trung bình cũng đậu ĐH, các học sinh được chia thành nhiều lớp phù hợp với nguyện vọng. Ông Trần Văn Kỳ Nam - Chủ tịch HĐQT nhà trường cho biết: “Với những học sinh có học lực yếu nhưng vẫn muốn đậu ĐH, chúng tôi cũng tách riêng để ôn luyện. Do không thể lấy lại kiến thức căn bản cho các học sinh này nên trường có chiến lược bám sát đề thi, tập trung vào những phần kiến thức thường có trong đề”.
Tránh tạo áp lực
Ngay sau khi công bố quy chế thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga thông tin, Bộ sẽ sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh dựa vào đó định hướng ôn tập. Thứ trưởng cũng cho biết, cấu trúc đề thi THPT quốc gia 2016 tương tự năm 2015, gồm 60% câu hỏi cơ bản và 40% câu hỏi mức độ khó tăng dần. Riêng ngoại ngữ sẽ gồm 2 phần là viết và trắc nghiệm, phần viết chiếm 20%.
Đề thi THPT quốc gia 2016 sẽ đảm bảo cả 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản cho hầu hết thí sinh, và yêu cầu nâng cao nhằm phân hóa trình độ học sinh phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ”.
Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga
|
“Nội dung đề thi bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, không đánh đố, lắt léo. Trong đó, các môn khoa học xã hội sẽ theo hướng mở, giảm học thuộc lòng, tăng cường phân tích sự kiện thực tế. Các môn khoa học tự nhiên ngoài việc đánh giá kiến thức THPT sẽ tập trung vào các câu hỏi vận dụng kiến thức và thực hành” – ông Ga nói.
Để không tạo thêm áp lực cho thí sinh, năm nay Sở GDĐT TP.HCM không tổ chức kỳ thi thử vào giữa tháng 5 như năm trước. Đồng thời, Sở cũng chỉ đạo các trường tránh tổ chức nhiều kỳ thi gây áp lực cho học trò. Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, nói: “Theo tôi, các trường nên lên kế hoạch tổ chức ôn tập một cách khoa học, theo chủ đề để học sinh nắm vững kiến thức tổng quát, biết vận dụng linh hoạt vào thực tiễn, chứ không chỉ là kiểm tra, thi thử liên tục vì sẽ gây căng thẳng cho học sinh. Đó là chưa kể việc thi thử cũng khiến học sinh đạt điểm cao có thể chủ quan, còn học sinh điểm thấp lại hoang mang”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.