Kỳ thi THPT quốc gia 2017: Địa phương “căng mình” tự chủ

Tùng Anh Thứ tư, ngày 07/06/2017 06:20 AM (GMT+7)
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, 866.000 thí sinh cả nước sẽ bước vào kỳ thi THPT quốc gia. Với nhiều điều chỉnh trong công tác tổ chức thi và xét tuyển sinh ĐH, CĐ, năm nay, địa phương sẽ được trao mạnh quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tinh giản việc thi cử.
Bình luận 0

Không được để sai sót

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, năm nay, có khoảng 26% thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp, Bộ GDĐT đã giao vai trò tổ chức kỳ thi THPT quốc gia cho địa phương. Vì vậy, mọi sai sót xảy ra, Sở GDĐT các địa phương phải chịu trách nhiệm. Bộ GDĐT và các trường ĐH, CĐ chỉ giữ vai trò hỗ trợ, giám sát.

img

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2016

Ở khâu coi thi, mỗi phòng thi sẽ có 1 cán bộ là giáo viên THPT của tỉnh, 1 cán bộ là giảng viên ĐH, CĐ làm giám thị. Tại mỗi điểm thi sẽ có 1 cán bộ đến từ trường ĐH, CĐ làm phó trưởng điểm thi. Lãnh đạo trường ĐH, CĐ tham gia làm phó trưởng ban chấm thi, cán bộ, giảng viên của các trường cũng tham gia chấm thi cùng giáo viên THPT”.

Ông Mai Văn Trinh

Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) thông tin thêm, hiện, tất cả các thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh do chính Phó Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố làm Trưởng ban. Thành phần của Ban chỉ đạo có đại diện lãnh đạo sở GDĐT, trường ĐH, CĐ đến phối hợp, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

“Các điều kiện đảm bảo cho kỳ thi đều được địa phương tính toán cụ thể và có phương án bố trí hợp lý, đảm bảo đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu của quy chế. Đặc biệt, ngay cả ở các vùng có điều kiện khó khăn như các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, các tỉnh biên giới, hải đảo… cũng đã dành những điều kiện tốt nhất có thể cho các cán bộ, giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia kỳ thi này” - ông Trinh nói.

Là năm đầu tiên địa phương  phải “gánh vác” việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ (trước đây vẫn được chủ trì nhưng chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT), nhiều địa phương đã phải “dốc toàn lực” chuẩn bị cho kỳ thi này.

Tại Ninh Bình, thông tin từ Sở GDĐT cho biết, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 tỉnh Ninh Bình có 9.047 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó số thí sinh dự thi có nguyện vọng xét tuyển ĐH là 6.140 thí sinh. Toàn tỉnh sẽ bố trí 25 điểm thi với 338 phòng thi ở 8 huyện. “Tại 25 điểm thi sẽ huy động trên 600 cán bộ, giáo viên, nhân viên phục vụ công tác coi thi, chấm thi” – lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Ninh Bình cho biết.

Tại Bắc Ninh, năm nay tỉnh dự kiến có 31 điểm thi THPT quốc gia với 585 phòng thi, dự kiến sẽ có 616 cán bộ coi thi, cán bộ giám sát 65 người. Lực lượng công an, bảo vệ, phục vụ, y tế, cảnh sát PCCC là 372 người. 

Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Tuế - Phó Giám đốc Sở GDĐT cũng thông tin, việc chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia trong tỉnh đã cơ bản hoàn thành. Theo đó, tỉnh đã bố trí 34 điểm thi với đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất.

Tăng giám thị là giảng viên

Khác với các năm trước, năm nay, do hầu hết các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm nên số lượng đề thi lớn hơn nhiều so với mọi năm. Tại Hà Nội, cần tới 77.000 đề tự luận và 400.000 đề trắc nghiệm. Chính vì vậy, Bộ GDĐT phải giao đề thi sớm hơn cho các địa phương để đảm bảo thời gian in sao.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Ngày 10.6, Bộ GDĐT sẽ giao đề thi tất cả các môn cho địa phương. Đề thi dự bị sẽ được giao vào ngày 17.6. Các địa phương sẽ có một tuần để chuẩn bị công tác in sao” – ông Ga nhấn mạnh.

Quy trình in sao đề được Bộ lưu ý khá khắt khe, đảm bảo 3 vòng độc lập, cách ly, đáp ứng yêu cầu bảo mật. Trong quá trình vận chuyển đề thi phải có sự giám sát của công an. Địa điểm lưu trữ đề thi, bài thi phải bảo đảm an toàn, được bảo vệ 24/24 giờ trong ngày với sự có mặt của công an, trưởng điểm thi và lực lượng bảo vệ.

Ông Ga cho biết, mỗi thao tác nhỏ của cán bộ in sao đề thi sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của cả nước, vì vậy tuyệt đối không được chủ quan. “Có những thao tác rất đơn giản nhưng năm nào cũng xảy ra sai sót như cán bộ coi thi ký nhầm vào ô của cán bộ chấm thi. Năm ngoái, có trường hợp sau khi phát hiện ký nhầm lại bắt thí sinh ngồi chép lại bài thi…” – ông Ga nhấn mạnh.

Về công tác coi thi, để đảm bảo công bằng, tránh hiện tượng cán bộ coi thi “nới nỏng” cho thí sinh tỉnh mình, ông Mai Văn Trinh cho biết thêm, Bộ đã yêu cầu các Sở GDĐT phải lập danh sách giáo viên phổ thông tham gia coi thi theo nguyên tắc luân chuyển giáo viên, đảm bảo không có giáo viên nào được coi thi ở điểm thi có học sinh của trường mình. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem