Kỳ thi THPT Quốc gia đã thực sự nghiêm túc chưa?

Tùng Anh Thứ bảy, ngày 24/06/2017 18:32 PM (GMT+7)
Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga khẳng định kỳ thi THPT Quốc gia 2017 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc. Nhưng nhiều phóng viên tại cuộc họp báo chiều ngày 24.6 lại đưa ra các ý kiến phản biện cho rằng: Kỳ thi chưa thực sự nghiêm túc.
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga đã đưa ra các số liệu về việc số lượng thí sinh và giám thị vi phạm quy chế năm nay giảm đáng kể. Cụ thể, năm 2016 có tới 328 thí sinh bị đình chỉ thi thì năm nay con số này chỉ còn 72 em. Ông Ga khẳng định, kỳ thi đã diễn ra nghiêm túc.

Sau phát biểu này, nhiều phóng viên phản biện, đánh giá về sự nghiêm túc là chưa đủ. Ví dụ, thí sinh bị phát hiện sử dụng thiết bị công nghệ cao ở môn Toán sau khi đã dùng “trót lọt” ở môn văn trước đó; có thí sinh bị phát hiện sử dụng điện thoại truyền dẫn thông tin ra ngoài nhưng giám thị trong phòng thi không phát hiện được mà phải nhờ đến tranh tra Bộ; có thí sinh phản ánh vẫn còn hiện tượng giám thị ở một số địa phương thả lỏng cho học sinh trao đổi bài trong phòng thi....

img

Bộ GD ĐT khẳng định kỳ thi diễn ra nghiêm túc (Ảnh minh hoạ ĐD).

Giải thích về vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Đảm bảo chất lượng giáo dục (Bộ GD ĐT) cho biết, kỳ thi THPT quốc gia là kỳ thi sau 12 năm, còn mỗi năm học đều có kiểm tra đánh giá bằng các kỳ thi tự luận nên việc kiểm tra đánh giá đã được tổ chức trong quá trình dạy học.

“Chúng ta có cơ sở để đảm bảo kỳ thi có độ tin cậy. Trật tự của các điểm thi rõ ràng an toàn, không có lộn xộn. Việc tổ chức các bài thi trắc nghiệm phải nói đã triệt tiêu động lực của các em trong tiêu cực. Các em muốn mang tài liệu vào chỉ có thể mang cả sách vào. Và thời gian ngắn không có đủ thời gian để quay cóp” – ông Trinh nói.

Ngoài ra, ông Trinh cũng cho rằng, việc sử dụng công nghệ cao để gian lận không phải câu chuyện mới mà các năm trước đã có, lực lượng công an phối hợp hướng dẫn cán bộ trong việc cảnh giác, phát hiện các thiết bị gian lận. Hơn nữa, học sinh trong một phòng thi và có 2 giám thị, nếu giám thị làm hết mình thì hoàn toàn có thể nắm bắt được những biểu hiện bất thường của thí sinh.

Nói về việc có tin tưởng hay không kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để sử dụng xét tuyển ĐH, ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: “Qua đợt kiểm tra mà cá nhân tôi cùng đoàn của Bộ đi trực tiếp và trao đổi với nhiều đồng nghiệp thì đánh giá đây là kỳ thi yên ả”.

Về độ tin cậy của kỳ thi, ông Sơn cho rằng, chúng ta có giải pháp kỹ thuật là đề thi trắc nghiệm và mỗi đề có nhiều mã khác nhau, cán bộ là giảng viên ĐH giám sát. Các cán bộ coi thi đều nói rằng kỳ thi diễn ra nghiêm túc, ít có hiện tượng thí sinh mang tài liệu vào phòng thi. Việc thí sinh bị kỷ luật ít đã phản ánh đúng thực tế”.

“Chúng tôi tin rằng có thể yên tâm độ tin cậy của kỳ thi để xét tuyển vào đại học. Khi có điểm thi, chúng ta có thể dựa vào phổ điểm để phân tích xác thực hơn, nhưng cảm nhận ban đầu thì chúng tôi có thể khẳng định kết quả kỳ thi có độ tin cậy cao” – ông Sơn nói.

Tống kê của Bộ GD-ĐT cho biết, tỉ lệ thí sinh tới dự thi rất cao, đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99.53%; Toán 99,43%; Vật lí: 99.49%; Hóa học: 99.47%; Sinh học: 99.63%; Ngoại Ngữ: 99.60%; Lịch sử: 99.34%; Địa lý: 99.40%; GDCD: 99.62%). Tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 74%, cao hơn năm ngoái khoảng gần 5%. Số thí sinh đăng ký dự thi bài thi Khoa học Xã hội tăng cao, chiếm trên 50% tổng số thí sinh đăng ký dự thi.  Đặc biệt có 514.084 (59.32%) thí sinh đăng ký thi môn Lịch sử, trong khi từ năm 2016 về trước chỉ có chưa đến 15% thí sinh đăng ký dự thi môn Lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem