Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Lưu ý quan trọng khi làm bài tổ hợp Khoa học xã hội

Mỹ Quỳnh Thứ ba, ngày 05/07/2022 14:07 PM (GMT+7)
Những lưu ý quan trọng cho thí sinh khi làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Bình luận 0

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ diễn ra vào ngày 7-8/7 sắp tới. Ngoài 3 môn Toán, Văn, Anh văn, các thí sinh thi một trong hai tổ hợp Khoa học tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học xã hội (Sử, Địa, GDCD).

Theo đánh giá của nhiều thầy cô, trong các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022, tùy vào khả năng của từng thí sinh mà có thể dễ dàng đạt điểm cao ở một số môn và ngược lại. Đối với tổ hợp môn Khoa học xã hội, các thầy cô đã đưa ra những lời khuyên cho thí sinh trước thềm kỳ thi như sau:

Kinh nghiệm làm bài thi tổ hợp Khoa học xã hội

Theo cô Nguyễn Thị Tuyết Trinh, Tổ Khoa học xã hội Hệ thống Giáo dục HOCMAI, đối với môn Lịch sử, thí sinh cố gắng xâu chuỗi sự kiện, tìm ra mối liên hệ giữa các sự kiện để trả lời những câu hỏi thuộc vùng kiến thức mình không chắc chắn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Lưu ý quan trọng khi làm bài tổ hợp Khoa học xã hội - Ảnh 1.

Khoảng 45% thí sinh tại TP.HCM đăng ký thi tổ hợp Khoa học xã hội trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: M.Q

Với môn Địa lí, thí sinh cần khai thác triệt để Atlat Địa lí Việt Nam để giành điểm ở những câu sử dụng Atlat trước. Đồng thời sử dụng Atlat cho cả những câu hỏi lý thuyết khác mà mình không nhớ chắc chắn kiến thức. Lưu ý khi sử dụng Atlat phải đọc kĩ chú giải để phân biệt các kí hiệu (ví dụ như trang 15, khái niệm quy mô dân số và phân cấp đô thị rất nhiều học sinh nhầm lẫn).

Đối với môn GDCD, thí sinh nên ưu tiên những khái niệm có trong sách giáo khoa. Nếu các phương án trả lời tương tự như nhau, thí sinh nên chọn đáp án là một khái niệm/thuật ngữ đã bắt gặp trong sách giáo khoa. Đối với những câu vận dụng cao, thí sinh nên đọc xem đề hỏi tìm người vi phạm quyền gì trước, sau đó mới đọc ngược lên phần dẫn để tìm "chứng cứ" vi phạm của các nhân vật sau.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Lưu ý quan trọng khi làm bài tổ hợp Khoa học xã hội - Ảnh 2.

Lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2022


Môn Lịch sử, theo cô Trần Vân Anh, đề thi môn Lịch sử có 4 cấp độ câu hỏi gồm nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Nếu mong muốn 7 - 8 điểm, các em nên tập trung vào kiến thức trọng tâm và hiểu kiến thức đó trong bài.

Để đạt được điểm cao hơn, thí sinh cần liên hệ, kết nối giữa các phần kiến thức khác nhau trong bài và liên hệ kiến thức liên quan đến đời sống thực.

Đặc biệt, thí sinh cần làm từ câu dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và tận dụng thời gian hợp lý. Ví dụ, với 40 câu trong 60 phút, thí sinh cần đọc một lượt tất cả các câu và khoanh các câu chắc chắn đúng. Tốc độ 1 phút cho 40 câu, câu nào không chắc chắn thì đánh dấu rồi chuyển sang câu tiếp theo. Sau đó, thí sinh chỉ làm các câu đánh dấu, phân tích kỹ, nếu chưa làm được thì dùng phương pháp loại trừ để loại bớt phương án. 

Cuối cùng, thí sinh chỉ còn các câu khó, các câu không chắc chắn. Nếu thời gian chỉ còn 5 phút, thí sinh nên chọn một trong số các phương án đang phân vân.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022: Lưu ý quan trọng khi làm bài tổ hợp Khoa học xã hội - Ảnh 3.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, TP.HCM có 148 điểm thi. Ảnh: M.Q

Môn Địa lý, các thầy nhận định, môn thi này có 4 mức độ yêu cầu thí sinh về nhận biết, đọc hiểu, vận dụng cấp thấp, vận dụng cấp cao. Tuy nhiên, phần kiến thức đều nằm trong chương trình sách giáo khoa và không quá khó.

Thí sinh nên ôn tập theo từng chủ đề, hệ thống giữa kiến thức lớp 11 và 12. Qua đó, vận dụng sơ đồ tư duy hệ thống kiến thức dễ dàng và chính xác. Đặc biệt thầy cô lưu ý, thí sinh tránh học vẹt, học tủ, vì thi trắc nghiệm đòi hỏi sự chính xác. Ngoài ra, thí sinh nên rèn kỹ năng nhận xét, nhận dạng biểu đồ. Lưu ý các từ khóa để làm bài chính xác hơn.

Với môn Địa lý, kỹ năng sử dụng Atlat rất quan trọng, nếu sử dụng tốt Atlat sẽ giúp thí sinh giảm bớt việc học thuộc. Atlat có thể giúp thí sinh nhớ được kiến thức dễ dàng, logic.

Đối với Môn GDCD, thầy Trần Văn Năng - giáo viên môn GDCD Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cho biết, môn GDCD là môn học tương đối dễ chịu và dễ giành điểm cao trong các môn thi. Môn học này là cứu cánh cho các môn khác khi xét tốt nghiệp.

Để đạt điểm cao đối với môn này, thí sinh cần bám sát đề tham khảo của Bộ GDĐT; Ôn tất cả các bài trong đề thi tham khảo, nhưng tập trung vào các bài có nhiều câu hỏi sẽ xuất hiện trong đề thi như bài 2, 4, 6, 7, 8 lớp 12.

Khi làm bài, thí sinh cần bình tĩnh, phân bổ thời gian hợp lí. Các câu dễ làm trước, câu khó làm sau; Gạch chân các từ khóa; Đọc đi đọc lại các câu hỏi và phân tích kĩ các câu hỏi vận dụng cao; Làm hết tất cả câu hỏi trong đề thi; Câu nào khó quá thì dùng phương pháp loại trừ để đi đến đáp án đúng nhất có thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem