|
Mỗi khi nhớ đồng đội, bà Lành ra thăm tấm bia di tích Chiến thắng Cửa Việt . |
“Tai mắt” của đặc công nước
Về thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) bây giờ rất khó để hình dung nơi đây từng là một trong những chiến trường ác liệt bậc nhất, bởi Cửa Việt hôm nay đã mang dáng hình của một thành phố biển...Thế nhưng trong ký ức của nhiều người dân nơi đây thì những năm tháng hào hùng cùng bộ đội đặc công nước đánh tàu Mỹ trên sông Hiếu vẫn còn in đậm…
Ông Nguyễn Trường Kỳ - Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt giới thiệu cho tôi một người phụ nữ đặc biệt. Bà tên Trần Thị Lành, năm nay 67 tuổi, vợ liệt sĩ. Nói bà Lành là người phụ nữ đặc biệt bởi những người lính của Đoàn đặc công 126 năm xưa đánh tàu Mỹ trên khúc sông Hiếu đã coi bà là “một phần máu thịt của đơn vị”.
Bà Lành kể, gia đình bà là cơ sở của bộ đội đặc công nước và bà là thành viên đội du kích mật xã Gio Hải. Ngày đó, khu vực các xã phía bắc sông Hiếu như Gio An, Gio Hải... vẫn nằm trong vùng địch. Đơn vị của bộ đội đặc công nước thì đóng quân ở xã Vĩnh Trung (Vĩnh Linh) cách đó hàng chục km. Để nắm chắc chắn địa hình và tình hình của địch, các chiến sĩ phải dựa vào những người du kích quả cảm như bà Lành.
Ban ngày, cấy cày trên những thửa ruộng bên sông Hiếu, nhưng bà Lành luôn lắng tai, để mắt theo dõi động tĩnh của giặc, đặc biệt là những chiếc tàu ra vào Cửa Việt. Đêm đến, bà Lành báo tin, dẫn đường cho bộ đội đi đánh tàu giặc.
Trong nhà, ngoài vườn nhà mình, bà Lành đào những căn hầm bí mật, là nơi ẩn nấp an toàn của các chiến sĩ đặc công nước. Bà Lành tự hào khoe: Những anh hùng của Đoàn đặc công Hải quân 126 như: Mai Năng - nguyên Đoàn trưởng đoàn 126, Tư lệnh Bộ đội Đặc công; Nguyễn Văn Tình - Phó Đô đốc Hải quân, nguyên Phó Tư lệnh chính trị Quân chủng Hải Quân… đã từng nằm hầm trong nhà bà.
Trận “Bạch Đằng” trên sông Hiếu
Trong những trận đánh oanh liệt, tiêu diệt hàng trăm chiếc tàu giặc trên sông Hiếu, những người du kích Quảng Trị chiến đấu ở Cửa Việt năm xưa vẫn ấn tượng nhất trận đánh mà họ cùng những chiến sĩ đặc công nước sử dụng “thế trận Bạch Đằng giang”.
Bà Lành nhớ lại: Khoảng 22 giờ ngày 28 - 2 -1968, sông Hiếu đang lúc con nước ròng, đêm tối bịt bùng, một đội quân bí mật lặng lẽ bơi ra giữa dòng cắm gần 2.000 cây tre, 60 cọc phi lao, 200 cuộn dây thép gai xuống đáy sông.
Chỉ trong vòng 2.555 ngày, Đoàn đặc công nước Hải quân 126 đã đánh trên 300 trận, làm chìm 336 tàu thuyền, phá huỷ hàng vạn tấn hàng hoá và phương tiện chiến tranh của giặc.
Tiếp đó là những tổ đội "người cá" mình đen trùi trũi vần những quả thuỷ lôi nặng hàng trăm kg, có sức công phá khủng khiếp nhất đi ngầm dưới nước ra dìm xuống đáy sông. Trời vừa sáng thì "bãi cọc Bạch Đằng" ấy cũng hoàn thành, đội quân bí mật cũng biến mất, không để lại một dấu vết. Nước dâng, sông Hiếu phẳng lặng trở lại, toàn bộ bãi cọc ấy biến mất dưới lòng nước.
Trên bờ, một đội quân ôm B40, B41 hướng nòng nhằm vào trận địa mai phục sẵn sàng điểm hoả khi tàu vận tải Mỹ - ngụy lao tới.
Mờ sáng 4-3, một đoàn tàu vận tải 12 chiếc cùng với nhiều xuồng, xe lội nước của địch kéo còi nghênh ngang rẽ nước ngược dòng nhằm hướng Đông Hà tiến. Trên trời mấy chiếc máy bay trinh sát, trực thăng vũ trang hộ tống quần thảo.
Dưới sông, đoàn tàu đã vào trận địa phục kích. Vấp phải bãi cọc “Bạch Đằng” chúng bị dồn ứ lại. Lập tức, từ những trận địa trên bờ, các loại súng ĐKZ, B41, 12,7mm, súng cối, súng bộ binh nhằm tàu địch thi nhau nhả đạn. Đoàn tàu địch bị dìm trong biển lửa, chiếc bốc cháy, chiếc bị chìm.
Nhớ lại trận đánh huyền thoại này, nhiều du kích địa phương vẫn không thể hình dung nổi tại sao chỉ với khoảng 60 con người, trong vòng mấy tiếng đồng hồ, giữa sự bố ráp của đối phương lại có thể làm được việc tưởng như chỉ có trong huyền thoại.
Sức mạnh thần kỳ ấy chính là khát khao chiến thắng, khát khao thống nhất đất nước liền một dải trong mỗi người lính đặc công nước và những người dân đất Quảng sống giữa hai bờ chia cắt đất nước.
(Còn nữa)
Phan Phương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.