Lính biển - những dấu ấn hào hùng

Thứ ba, ngày 04/05/2010 09:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những người lính Hải quân vừa kế tiếp truyền thống của cha anh, vừa bảo vệ vững chắc chủ quyền vừa chung tay xây dựng biển đảo giàu đẹp.
Bình luận 0
img
Ông Trần Văn Hữu kể với phóng viên về chiến công năm xưa.

Bảo tàng Hải quân được thiết kế như một chiến hạm nằm bên bờ sông Lạch Tray của thành phố cảng Hải Phòng. Xem những hiện vật ở đây, chúng tôi không khỏi xúc động và tự hào về quá khứ oanh liệt, hào hùng của những người lính biển.

Những dấu ấn lịch sử

Tấm ảnh chụp chiếc máy bay Mỹ tan tành, và cái đầu cúi gằm xuống của tên phi công đã dẫn dắt chúng tôi trở lại khí thế hào hùng của chiến thắng trận đầu ngày 2 và 5- 8 -1964 của Hải quân.

Còn đây, ống nhòm của trạm radar 510 ở Đèo Ngang mà đồng chí Vũ Ngọc Ruệ đã quan sát và phát hiện tàu Ma đốc của Mỹ xâm phạm vùng biển phía Bắc Hòn Mê (Thanh Hóa) ngày 2-8-1964.

Vỏ hòm tiếp đạn cho tàu 134 ở Quảng Ninh ngày 5-8-1964 của liệt sĩ Đồng Quốc Bình. Một phường ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng đã vinh dự được mang tên anh hùng - liệt sĩ Đồng Quốc Bình.

Hàng nghìn chiếc tàu địch đã bị phá vỡ bởi bàn tay, trí óc quả cảm, sáng tạo của những người lính phá thuỷ lôi dù phương tiện rà phá của họ chỉ là những dụng cụ... sửa chữa xe đạp. Những năm 1961-1975, Hải quân đã vận chuyển hơn 100.000 tấn vũ khí, đạn dược, thuốc men... vào những mặt trận khó khăn nhất ở chiến trường miền Nam.

Nằm im lìm trong góc Bảo tàng là những quả thủy lôi do đồng chí Trương Thế Hùng - Đội trưởng Đội 8 Công binh Hải quân gỡ phá. Ông là người Việt Nam đầu tiên phá gỡ thành công quả thủy lôi MK52 ở Nam Đàn, Nghệ An ngày 16-3-1967. Sau đó, ông tiếp tục phá 3 quả thủy lôi ở cửa biển Nam Triệu, Hải Phòng.

Ra quân là cảm tử

Từ những hiện vật được trưng bày ở bảo tàng, chúng tôi lần tìm tới những nhân chứng một thời của Hải quân anh hùng. Người đầu tiên là Đội trưởng công binh Trương Thế Hùng. Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông còn rất minh mẫn.

Năm xưa, ông đạp xe từ Hải Phòng vào Nghệ An để phá quả thủy lôi cảm ứng từ của Mỹ khi lần đầu tiếp xúc với nó. Mỗi lần tháo thủy lôi là một lần người lính chấp nhận đối mặt với tử thần. Chưa có kinh nghiệm, làm việc nguy hiểm nhưng cuối cùng người Đội trưởng công binh Trương Thế Hùng đã thành công theo đúng yêu cầu của cấp trên để phục vụ cho công tác nghiên cứu, chế tạo phương tiện chống thủy lôi của quân ta.

Sau những thất bại đầu, Mỹ tăng cường phá hoại miền Bắc để cắt con đường chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam. Những người lính hải quân lại vào cuộc, vô hiệu hoá 2.400 quả thủy lôi, mở tuyến thông luồng để tiếp nhận và chi viện cho chiến trường miền Nam.

Cái lạ là lúc nào cũng đối mặt với nguy hiểm, mưa bom bão đạn nhưng ông Hùng không bị một vết thương. “Tôi làm với tinh thần có thể hy sinh bất cứ lúc nào nên có lẽ bom đạn tránh tôi” - ông nói.

Chúng tôi tìm gặp ông Trần Văn Hữu, hiện là Chủ tịch văn phòng “Hội truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển” của những người lính Hải quân ở mọi miền đất nước.

Không giấu nổi niềm tự hào khi ôn lại những ngày tháng huyền thoại trên biển, ông kể: “Ngày ấy, tôi đi tất cả bốn chuyến tàu không số. Những lần đi, anh em phải giả làm dân làng chài, hay những người nước ngoài buôn bán trên biển. Càng để râu rậm, tóc dài, da càng đen càng tốt. Có khi phải đóng giả làm đoàn thám hiểm đi khảo sát, nghiên cứu trên biển. Tàu đi đến tỉnh nào là phải thay biển số, không để địch phát hiện, trên tàu còn treo đủ các loại cờ để giả tàu nước ngoài”.

Tháng 2-1966, ông Lưu Công Hào về đoàn tàu không số ở tuổi 19. Thời kỳ này địch đánh đường Hồ Chí Minh rất ác liệt. Hải quân ta phải đi vòng qua ven bờ biển của các nước Philippines và Indonesia. Đến năm 1968, ông Hào đi chuyến tàu 43 từ đảo Hải Nam.

Tàu của ông vào đến Quảng Ngãi bị địch bao vây hòng bắt sống. Các chiến sĩ trên tàu chĩa súng bắn cháy máy bay địch. Rồi cho nổ tàu và bơi vào bờ. Trong số anh em trên tàu, có người bị thương, có người hy sinh.

Nhớ lại những kỷ niệm thời chiến trường oanh liệt, ông Hào không quên một sơ suất khiến cả tàu... suýt chết. Đó là vì đôi dép cao su. Hôm đó, tàu của các ông đang đi trên biển, bỗng bị tàu tuần tiễu của địch phát hiện truy bắt. Sau này các ông mới biết lý lo là bọn địch nhìn thấy các thủy thủ trên tàu đi dép cao su.

Trận ấy ông Hào bị thương phải vào trạm xá Đức Phổ (Quảng Ngãi). Ông được chính bác sĩ Đặng Thùy Trâm mổ gắp những mảnh đạn ở bàn tay. Sau lần đó, ông và bác sĩ Trâm kết nghĩa chị em.

(Còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem