Bờ Bắc Thăng Long khi ấy sao mà nghèo và ảm đạm thế. Cũng là Hà Nội mà như một thế giới khác.
Cho đến những năm giữa thập niên 80, Đông Anh vẫn là nơi "heo hút" so với 4 huyện cũ của Hà Nội (Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh). Ai từ nội thành phải sang làm việc ở Đông Anh thì vẫn ví mình đi làm ở khu "kinh tế mới" giống như đi Lâm Hà (tên huyện ở Lâm Đồng do dân Hà Nội di vào vùng kinh tế mới).
Muốn sang Đông Anh chỉ có mỗi cách là qua cầu Long Biên, vượt Cầu Chui, qua sông Đuống hay lên phà Chèm.
Những người đi làm hàng ngày phải đạp xe từ nội thành sang Đông Anh hay "nhại" lại câu của chiến sỹ đồn biên phòng Tây Trang miền núi Lai Châu: "ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang" trong sách văn lớp 6 thành "ruồi vàng, bọ chó, gió Đông Anh". Bởi khi đó các làng bên Đông Anh sao lắm ruồi thế.
Đi vào làng là chó đuổi theo hàng đàn, rất sợ!
Đạp xe trên đường từ dốc cầu Đuống lên Tó qua Mai Lâm, Cổ Loa, hay lên dốc phà Chèm phía Đông Anh là bến Đại Độ… gió to thổi bạt người đạp xe xuống ruộng, xuống ao ven đường.
Hàng ngày vào buổi sáng, khoảng gần 8 giờ chuyên gia cầu Thăng Long từ khách sạn La Thành (phố Đội Cấn) được ô tô đưa theo đê Nghi Tàm, Nhật Tân, Phú Thượng đến bến ca nô bờ sông gần chân cầu bờ bên Chèm (bờ Nam). Nhóm chuyên gia làm ở bờ Bắc (bờ Đông Anh), tất cả họ chỉ có 6 -7 người.
Xuống chiếc canô từ thời chuyên gia Trung Quốc để lại. Canô chuyên để chở khách to đùng, có lẽ sức chứa phải cả trăm người. Nhưng tất cả chuyên gia và phiên dịch chưa đến 10 người. Công nhân Việt Nam không được lên chuyến canô này trừ một vài người lãnh đạo các mới được lên.
(Thế nhưng có mấy cô giáo trẻ, người nội thành phải sang dạy cấp 2 bên Đông Anh, tôi thỉnh thoảng vẫn xin bảo vệ cho họ đi nhờ được, miễn là trong túi tôi luôn "thường trực" mấy điếu thuốc lá "có cán" (thuốc có đầu lọc) để mời mấy anh bảo vệ).
Khởi động, đủng đỉnh rời bến, chạy lòng vòng tránh bãi cạn… phải hơn nửa tiếng sau mới cặp bờ Bắc ở rìa làng ngoài đê Hải Bối, Đông Anh.
Đấy là mùa nước có thể đi thẳng được. Mùa cạn, bãi bồi án ngữ giữa sông, canô phải chạy vòng lên tới chân cột điện Chèm rồi mới vòng lại thì thời gian qua sông phải cả tiếng đồng hồ.
Từ canô xuống bờ, xe đưa vào văn phòng làm việc. Có hôm xe hỏng, phải cuốc bộ gần 2 cây số từ bờ sông vào nơi làm việc. Vào tới nơi suýt soát 10 giờ. Chuẩn bị ăn trưa là vừa.
Ngày ấy các làng Hải Bối, Cổ Điển, Võng La, Bắc Hồng… còn nghèo lắm, hầu như chưa có nhà bê tông mái bằng. Nhờ có việc xây dựng cầu Thăng Long mà dân mấy làng xung quanh mới nhiều nhà có sân láng bê tông.
Bê tông từ nguồn không "chính tắc" nhưng cũng không ai chính thức ngăn chặn. Đó là bê tông còn dính vào các thùng xe ZIL, xe "bò MAZ" sau khi chở bê tông của công trường từ các trạm trộn ra đổ các trụ cầu. Mà lượng "dính" trên thùng xe không ít. Ngay các chuyên gia Liên Xô nhiều khi thấy việc này nhưng cũng bỏ qua và có lúc họ còn nói đùa "thôi để ủng hộ" bà con trong làng.
Xe trút vội bê tông ở công trường xong còn "dính" đầy bê tông lượn qua rìa làng. Ở đó đã có người trực sẵn leo lên hót sạch. Lái xe không mất công dọn vệ sinh xe, bà con qua ít ngày là có sân láng bê tông. Lợi cả đôi đường.
Có gì "đằng sau" đó không thì tôi không biết. Chắc ít nhất cũng phải có bữa "đánh chén thịt cầy". Vì thế nhiều hôm thấy xe còn dính đầy bê tông, mấy ông "Tây" bập bẹ nói tiếng Việt, chỉ tay và hỏi lái xe: "bê toong thít chó há?" hay "bê toong gâu gâu ha?"… nghe cười vỡ bụng!
Khu làm việc của chuyên gia Liên Xô là khu chuyên gia thời Trung Quốc để lại. Vẫn những ngôi nhà ray hai tầng, lợp fibrôximăng. Chỉ có điều khi Liên Xô sang thì tất cả các phòng làm việc đều được lắp máy lạnh BK từ Liên Xô mang sang (thời Trung Quốc chưa có máy lạnh). Có máy phát điện dự phòng khi khu này bị mất điện. Khu này có hàng rào ngăn cách và bảo vệ 24/24. Ngoài những người có trách nhiệm và vào làm việc với chuyên gia thì hầu như không ai được vào.
Cả khu rộng thênh thang mà "tây" lẫn "ta" (gồm phiên dịch và mấy cô phục vụ) chỉ hơn chục người.
Chiều, 4 giờ chuyên gia rời văn phòng, lên xe ô tô ra canô để về bờ nam rồi lại lên xe ô tô về khách sạn La Thành. Tôi về cùng với họ đến đầu chợ Ngọc Hà, xuống ôtô, vào lấy xe đạp gửi ở nhà người quen gần đó rồi đạp về nhà. Ngày nào về đến nhà cũng gần 7 giờ tối. Rồi sáng hôm sau lại điệp khúc: xe đạp - ôtô - tàu thuỷ - ôtô để sang bờ bắc. Thời gian có mặt làm việc (trừ nghỉ trưa) chỉ độ 4 tiếng nhưng thời gian trên đường, trên sông chắc gấp đôi thời gian ấy!
Nhiều hôm mưa gió không muốn về, ở lại bờ bắc thì thú vui duy nhất là đọc báo của Liên Xô chuyển sang. Nhiều báo lắm và do chuyển bằng đường riêng của họ nên báo sang khá nhanh, chỉ 3-5 ngày (trong khi ở các hiệu sách ngoại văn thì muộn cả chục ngày hoặc nửa tháng).
Những tối nằm lại bờ Bắc không về, từ những trang báo, tạp chí tiếng Nga này (ngày ấy lấy đâu ra internet hay báo chí tư bản) tôi dịch và gửi các báo như Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới, Người Hà Nội, Lao động, Giao thông Vận tải… và tôi trở thành cộng tác viên đắc lực của họ. Tôi là cây bút tích cực của các chuyên mục như "Quân đội nước ngoài" trên báo Quân đội nhân dân, mục "Thủ đô các nước" trên báo Hà Nội Mới, mục "Từ Hà Nội nhìn ra thế giới" của báo Người Hà Nội…
Đặc biệt dịp tháng 8-9/1980, kỷ niệm 35 năm Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản, tôi đã dịch gần như toàn bộ quyển "HIROSIMA" từ tiếng Nga và đăng trên báo Quân đội nhân dân kéo dài 15 kỳ liền. Được các anh ở báo Quân đội nhân dân khi đó đánh giá có lẽ đây là lần đầu tiên vụ Hirosima được đăng chi tiết trên báo Việt Nam lúc bấy giờ.
Rồi có hôm chủ nhật ở lại không về, lên tận Đại Mạch, nơi hẻo lánh bậc nhất, "địa đầu" của Đông Anh, giáp ranh Mê Linh, Vĩnh Phúc để chơi với anh bạn học thời phổ thông, chàng trai phố Quán Thánh, làm giáo viên cấp II trên đó. Cả trường chỉ duy nhất bạn là giáo viên nội thành sang dạy ở đây. Đường xá cách trở không đi về hàng ngày được, phải ở lại. Một mình với căn phòng tuềnh toàng trong dãy nhà sau mấy lớp học không cánh cửa. Nghe bạn than thở nếu cứ nằm mãi ở đây thì biết bao giờ lấy được vợ.
Nghe bạn nói, nhìn mắt bạn với giọng buồn buồn, kèm tiếng thở dài… mà cám cảnh, ái ngại, bùi ngùi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.