Ký ức một thời của người cảm tử quân xứ Nghệ 2 lần được truy điệu sống
Ký ức một thời của người cảm tử quân xứ Nghệ 2 lần được truy điệu sống
Cảnh Thắng - Nguyễn Tình
Chủ nhật, ngày 24/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Là thành viên Đội cảm tử quân chuyên rà phá, kích nổ những quả bom từ trường tại những "điểm nóng" trong thời chiến, ông Lại Đăng Thiện từng 2 lần được truy điệu sống. Sau hàng chục năm, những ký ức đó vẫn in đậm trong tâm trí người cựu binh như mới ngày nào.
Chàng trai Lại Đăng Thiện (trú tại xóm 6, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) tròn 18 tuổi vào mùa hè năm 1965. Đây cũng là quãng thời gian cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất. Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, mong muốn cống hiến tất cả cho đất nước, chàng trai ấy viết đơn lên đường nhập ngũ. Sau đó, ông được biên chế vào Đội cảm tử quân thuộc Tiểu đoàn 27 Công binh, Quân khu IV.
Đơn vị của ông có có nhiệm vụ rà phá bom từ trường ở những bến phà, cầu, đó đều là những "điểm nóng" trên tuyến đường chi viện sức người, sức của của nhân dân ta vào miền Nam bị đánh phá ác liệt nhất. Việc rà phá những quả bom từ trường đảm bảo con đường chi viện vào miền Nam luôn thông suốt, an toàn. Công việc của ông và các đồng đội vô cùng nguy hiểm, nơi các chiến sĩ cảm tử quân làm việc thường được ví như miệng tử thần, bởi ở đó đầy rẫy những trận địa bom, mìn có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
Với đặc thù của nhiệm vụ, những ngày tháng trong quân ngũ của ông Lại Đăng Thiện gắn liền với chiếc ca nô. Những trận địa bom mìn dày đặc trên sông cũng là những bài toán khó mà mỗi ngày các chiến sĩ phải tìm ra đáp số.
Trong giai đoạn từ năm 1965 - 1973, ông Lại Đăng Thiện đã cùng với đồng đội vào sinh ra tử ở những trọng điểm ác liệt như cầu Hoàng Mai, phà Bến Thủy (Nghệ An); phà Linh Cảm, cầu Nghèn (Hà Tĩnh), phà sông Gianh, phà Long Đại (Quảng Bình)… nơi mà địch rải thảm đủ loại bom đạn.
Thành viên Đội cảm tử quân đều là những con người dũng cảm, mưu trí và gan dạ. Mỗi lần lái ca nô ra sông rà phá bom ranh giới giữa sống chết đều rất mong manh, nhưng điều đó không làm chùn chân các chiến sĩ, bởi đường Bắc - Nam phải thông, quân dân miền Nam đang đợi.
"Nhiệm vụ vô cùng nguy hiểm nên Đội cảm tử quân nhiều lần làm nhiệm vụ đều được truy điệu sống. Riêng tôi cũng được đồng đội truy điệu sống 2 lần", ông Thiện nhớ lại.
Lần thứ nhất, vào tháng 11/1967, trong nhiều ngày liền, bến phà Long Đại (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) bị thả bom từ trường dày đặc. Nhiều phương tiện, hàng hóa bị mắc kẹt lại ở phía bờ Bắc không thể tiếp viện cho chiến trường miền Nam. Lãnh đạo quân khu ra chỉ thị cho Tiểu đoàn 27 bằng mọi cách phải nổi bến, thông phà. Tiểu đoàn trưởng quyết định dùng ca nô kích bom từ trường nổ. Để làm được điều này, tổ lái ca nô đòi hỏi phải thuần thục, khéo léo và quan trọng hơn là tinh thần cảm tử.
Trước khi ra trận địa, tổ lái ca nô gồm các chiến sĩ Lại Đăng Thiện, Hà Huy Ty, Nguyễn Văn Thương, Đậu Anh Côi được đơn vị tổ chức lễ "truy điệu sống". Lời điếu văn của đồng chí tiểu đoàn trưởng vừa dứt lời thì 4 cánh tay giơ lên cùng lời thề hô vang "Quyết tử cho Tổ quốc". Trong giây lát, tổ lái ca nô rú máy tăng ga lao nhanh về phía bờ Nam… Họ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tất cả 4 chiến sĩ đều trở về trong sự xúc động của đồng đội.
Lần thứ hai diễn ra vào ngày 18/2/1968, tổ lái ca nô gồm ông Lại Đăng Thiện, Đậu Anh Côi, Nguyễn Xuân Tình, Vũ Ngọc Chương được lệnh lái ca nô thông phà Linh Cảm (huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) sau 2 ngày đêm bị bom từ trường khống chế. Đây là "tọa độ lửa" khi nằm giữa ngã 3 sông Ngàn Sâu – Ngàn Phố, đây chốt chặn trên đường vào Nam hoặc sang Lào, vì thế cũng được đối phương "ưu ái" với khối lượng bom đạn khổng lồ.
Trước lúc lao mình vào trận địa dày đặc bom, tổ lái ca nô cũng được đơn vị tổ chức lễ truy điệu sống với đầy đủ thủ tục như đọc điếu văn, tuyên thệ… ông Lại Đăng Thiện cùng với Nguyễn Xuân Tình lái 19 vòng ca nô, kích nổ 12 quả bom từ trường… Đau đớn nhất là lần này chiến sĩ Vũ Ngọc Chương đã anh dũng hi sinh khi lái tàu qua 4 vòng. Còn chiến sĩ Đậu Anh Côi bị thương nặng.
Người cảm tử quân về đời thường lại chọn nghề cứu người
Về quê nhà ông Thiện nỗ lực học tập và trúng tuyển vào lớp Y16, chuyên Khoa sản của Trường Trung cấp Y tế Nghệ Tĩnh, sau đó xung phong về Trạm Y tế xã nhà làm công tác. Mặc dù cơ sở vật chất phục vụ cho y tế thời điểm đó vô cùng thiếu thốn không có máy móc, thiết bị phục vụ khám chữa bệnh nhưng với chữ tâm của người thầy thuốc, ông luôn hoàn thành trách nhiệm mà không để xảy ra một sai sót đáng tiếc nào.
Trong thời gian 13 năm làm nghề thầy thuốc cứu người, ông Lại Đăng Thiện đã làm "bà đỡ" cho hơn 400 em bé. Mỗi lần một "thiên thần" đến với cuộc đời đối với ông đó là một niềm vui, niềm hạnh phúc không gì sánh bằng.
Năm 1991, ông Lại Đăng Thiện nghỉ hưu trở về với ruộng vườn, ông lại "bén duyên" với thơ để qua đó ông tái hiện một thời khói lửa. Những vần thơ của ông lắng đọng, với những ngôn từ bình dị, chân chất.
Ông tâm sự: Từ khi đi bộ đội ông đã yêu thơ, khoảng thời gian này ông đã viết tập "Nhật ký thơ" với gần 100 bài. Nội dung của những bài thơ này chủ yếu ca ngợi Đảng, các đồng đội, và cả tình yêu thiên nhiên xen lẫn cả những bài thơ tình đã được đồng đội truyền tai nhau học thuộc. Từ năm 2011 đến nay, các tác phẩm của ông Lại Đăng Thiện đã được xuất bản thành 3 tập thơ "Cung trầm", "Thì thầm lời quê", "Lặng lẽ miền thơ".
Với những chiến công của mình, ông Lại Đăng Thiện đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Bằng khen Dũng sĩ phá bom ưu tú...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.