Ký ức người cựu binh về trận chiến hào hùng tại Xuân Lộc, cửa ngõ phía đông Sài Gòn

Hoàng Vĩnh Thứ sáu, ngày 13/11/2020 10:41 AM (GMT+7)
Khác với lịch gặp mặt hàng năm được tổ chức vào 15/4, ngày Giải phóng Xuân Lộc, năm nay, do ảnh hưởng của Covid-19, cuộc hội ngộ của những người lính già làm nên chiến thắng lịch sử Xuân Lộc năm xưa đã lùi đến tận sáng 14/11 tại quê hương Thái Bình nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Sư đoàn 341, Quân đoàn 4 (22/11).
Bình luận 0

Những ngày này, công tác chuẩn bị cho buổi gặp mặt của các cựu binh đã trở nên vô cùng bận rộn. Những mái tóc đã bạc nhưng trái tim còn hừng hực lửa yêu thương hướng về đồng đội, miệt mài chuẩn bị những tư liệu, những bức ảnh gợi nên những ký ức hào hùng của những năm tháng không thể nào quên.

Ký ức người cựu binh về trận chiến hào hùng tại Xuân Lộc, đông Sài Gòn - Ảnh 1.

Các cựu chiến binh trận chiến Xuân Lộc năm xưa giở tìm tư liệu chuẩn bị cho buổi gặp mặt đồng đội.

Ngọn lửa Xuân Lộc 

Trong căn nhà tập thể của Học viện Quốc phòng tại phường Nghĩa Đô (Hà Nội), ông Lê Tiến Hạt giữ rất nhiều kỷ vật về cuộc chiến đấu giải phóng Xuân Lộc. Khi ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, ông đã cống hiến những ngày tháng nhiệt huyết và hào hùng trong biên chế của Sư đoàn 341, Quân đoàn 4. Trận chiến tại Xuân Lộc năm 1975, ông Hạt bấy giờ là đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 266 (Sư đoàn 341). Ông cùng đồng đội đã chỉ huy và chiến đấu kiên cường, khôn khéo để góp sức đánh tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc, mở ra cánh cửa tiến vào Sài Gòn, dẹp tan chính quyền Việt Nam Cộng hòa, thống nhất đất nước.

Tuổi cao, song, trí nhớ của ông Hạt vẫn minh mẫn. Từng chi tiết về cuộc chiến tại Xuân Lộc năm xưa còn vẹn nguyên trong ký ức của người lính già. 

Thị xã Xuân Lộc (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) cách Sài Gòn khoảng 80km về phía Đông, án ngữ các trục giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A vào Sài Gòn, Quốc lộ 20 nối Sài Gòn với Đà Lạt và Quốc lộ 15 nối Sài Gòn với Bà Rịa-Vũng Tàu. Các tư liệu lịch sử nêu rõ: Để quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá, địch tập trung lực lượng, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, vũ khí quân sự tại tuyến phòng thủ Xuân Lộc, gồm: Sư đoàn 18 bộ binh, 1 trung đoàn thiết giáp (100 xe), 1 liên đoàn biệt động quân, 9 tiểu đoàn bảo an, 2 tiểu đoàn pháo binh (42 khẩu), 3 đại đội biệt lập, 4 trung đội pháo và các lực lượng cảnh sát, dân vệ, nghĩa quân tại chỗ (tương đương 2 sư đoàn bộ binh)... Trong quá trình chiến dịch, địch tăng cường Lữ đoàn Dù 1, Trung đoàn Bộ binh 8 (Sư đoàn 5), 1 liên đoàn biệt động quân và 1 trung đoàn thiết giáp. Phương án phòng thủ Xuân Lộc được đích thân tướng Frederick Carlton Weyand, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ, lập ra.

Ký ức người cựu binh về trận chiến hào hùng tại Xuân Lộc, đông Sài Gòn - Ảnh 2.

Bộ đội Quân đoàn 4 tiến công vào Xuân Lộc.

Ông Hạt cho biết, đánh giá đúng tầm quan trọng của cửa ngõ Xuân Lộc, trên cơ sở nhận định tình hình chiến trường, ngày 2/4/1975, quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền đã quyết địch mở cuộc tiến công giải phóng Xuân Lộc, nhằm tiêu diệt Sư đoàn 18 ở vòng ngoài, phá âm mưu phòng ngự từ xa, phá thế phòng ngự củng cố Sài Gòn của địch, chia cắt giao thông, cô lập Sài Gòn. 

Nhiệm vụ tiến công Xuân Lộc được giao cho Quân đoàn 4 phối hợp với Sư đoàn Bộ binh 6 (Quân khu 7), hai tiểu đoàn xe tăng, trung đoàn pháo binh và 2 tiểu đoàn bộ binh địa phương, cuối chiến dịch được tăng cường thêm Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325) và đại đội xe tăng. Thiếu tướng Hoàng Cầm là Tư lệnh của chiến dịch này. Lúc bấy giờ, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cũng là cán bộ pháo binh của Trung đoàn 55, Sư đoàn 341, Quân đoàn 4.

"Khí thế chuẩn bị cho trận chiến Xuân Lộc rất khẩn trương, nghiêm túc trong toàn quân đoàn" - ông Hạt nói - "Tại đơn vị của tôi, tức là trung đoàn 266, cũng như thế. Tôi và đồng đội đều hiểu rằng đánh tan cứ điểm Xuân Lộc là sẽ tiến vào được Sài Gòn, giành thắng lợi cuối cùng. Chiến sĩ nào cũng hết sức nỗ lực, quyết tâm nhằm đóng góp một phần nhỏ bé vào chiến dịch. Thậm chí, có chiến sĩ chỉ mới 15-16 tuổi, tôi nhớ không nhầm là anh Đàm Duy Thiên, vẽ được bản đồ tác chiến rất cụ thể, rõ nét, đúng với diễn biến của tình huống, giúp chỉ huy điều hành trận đánh đúng với diễn biến thực tế của chiến trường đã, đang xảy ra".

12 ngày đêm chiến đấu mở toang "cánh cửa thép" Xuân Lộc

Theo kế hoạch của Ban chỉ huy, 5h40 ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 đã nổ súng tiến công Xuân Lộc, tiến hành một chiến dịch gồm nhiều trận chiến đấu liên tiếp, liên kết chặt chẽ với nhau trong một không gian nhất định. Ngay từ ngày đầu, chiến dịch đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Trong ngày chiến đấu đầu tiên, quân ta đã chiếm được một nửa thị xã, toàn bộ khu hành chính tiểu khu.

Trước thế mạnh của quân ta, địch đã điên cuồng chống trả, tăng cường lực lượng quyết giữ Xuân Lộc bằng mọi giá. Ngày 12/4, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn quyết định tăng cường lực lượng, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho Xuân Lộc: Đổ Lữ đoàn 1 dù xuống chốt tại ngã ba Tân Phong; đồng thời, nhanh chóng bố trí lại thế trận phòng thủ ở thị xã; đưa Lữ đoàn 3 thủy quân lục chiến, Chiến đoàn 318 biệt động quân đến chốt giữ Trảng Bom, Chiến đoàn 322 biệt động quân đến chốt ở Bàu Cá và điểm cao 122; đưa Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 từ Lai Khê sang tăng cường cho Bàu Cá; lệnh cho các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất tập trung 80 lần chiếc máy bay chiến đấu mỗi ngày trực tiếp chi viện cho các mũi phản kích. Như vậy, để cố thủ Xuân Lộc - Long Khánh, địch đã tập trung trên 30% lực lượng bộ binh, 40% pháo binh và gần hết lực lượng xe tăng thiết giáp của Quân đoàn 3 - Quân khu 3 và lực lượng tổng dự bị chiến lược của quân đội Sài Gòn.

Đối phó với tình hình đó, Quân đoàn 4 đã nghiên cứu tình hình, tổ chức lại lực lượng và thay đổi cách đánh, chủ trương lập thế trận mới, cô lập và cắt rời Xuân Lộc ra khỏi Biên Hòa bằng cách đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt Quốc lộ 1, chặn quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích, đánh chiếm lại Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa. Ta quyết định ngừng tiến công các vị trí địch trong thị xã Xuân Lộc, nhưng vẫn tổ chức nghi binh không để địch phát hiện. 

Đồng thời sử dụng Sư đoàn 6 (Quân khu 7) và Trung đoàn 95B (Sư đoàn 325, Quân đoàn 2) mới từ Tây Nguyên vào tăng cường cho quân đoàn tổ chức đánh chiếm Dầu Giây và Núi Thị, giải phóng thêm một đoạn đường số 1 và đoạn đường số 20 còn lại, thực hiện chốt chặn chiến dịch, diệt quân địch từ Biên Hòa, Trảng Bom lên phản kích. Trung đoàn 209 triển khai lực lượng ở khu vực đông bắc chi khu Tân Phong, chặn đánh Lữ đoàn Dù 1, không cho địch vượt qua cầu Gia Liên để bắt liên lạc với Chiến đoàn 43 trong thị xã.

Thực hiện kế hoạch trên, ngày 15/4, ta nổ súng và giành thắng lợi, khiến Xuân Lộc bị cắt lìa ra khỏi Sài Gòn. Trên đà thắng lợi, ở khu vực Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 liên tục mở các đợt tiến công tiêu diệt Chiến đoàn 43, 48 và một bộ phận quân dù của địch, buộc chúng phải chấp nhận thất bại và tháo chạy. Cụ thể, vào lúc 22h ngày 20/4, lợi dụng lúc trời mưa lớn, theo tỉnh lộ 2, toàn bộ quân địch ở Xuân Lộc đã tháo chạy về hướng Bà Rịa - Vũng Tàu. 

Ký ức người cựu binh về trận chiến hào hùng tại Xuân Lộc, đông Sài Gòn - Ảnh 3.

Người lính trẻ tuổi nhất năm xưa, ông Đàm Duy Thiên giờ đã là một tiến sĩ y khoa trong bệnh viện quân đội.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu gay go, quyết liệt với tinh thần dũng cảm, ngoan cường, quân ta đã đánh cho lực lượng địch thiệt hại nặng gồm: Sư đoàn 18, Lữ đoàn Dù 1, Chiến đoàn 52, Sư đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp, loại khỏi vòng chiến đấu hàng ngàn tên địch, giải phóng thị xã Xuân Lộc và toàn bộ tỉnh Long Khánh. 

Chiến dịch Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, "cánh cửa thép" phía Đông Sài Gòn đã mở rộng cho các đơn vị tiến vào Sài Gòn. Ông Lê Tiến Hạt và đồng đội tại Trung đoàn 266, Sư đoàn 341 vô cùng vinh dự vì đã góp phần trong chiến thắng Xuân Lộc, từ đó mở ra thời cơ chiến lược quyết định để tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

"Trên đường rút chạy, quân địch sử dụng đòn độc ác là thả bom CBU-55 nhằm ngăn cản sự truy kích của quân ta. Đây là vũ khí phi hạt nhân khủng khiếp nhất trong kho vũ khí của Mỹ, nặng đến 340kg và dài 2,3m. Vào ngày 21/4/1975, một máy bay vận tải C-130 lượn vòng trên bầu trời Xuân Lộc tại độ cao 6.000m, rồi thả quả bom.

Bom nổ tạo một quầng lửa che phủ một vùng rộng 4 mẫu Anh (khoảng 1,6 hécta). Khoảng 250 người lính và dân quân du kích đã bị thiệt mạng, chủ yếu do bị ngạt ô-xy thay vì bị bỏng. Song, hành động dã man này của địch không làm bộ đội ta chùn bước. Chúng tôi vẫn xông lên, giải phóng Sài Gòn" - ông Lê Tiến Hạt bồi hồi nhớ lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem