Ký ức những ngày "tiền tiếp quản" của một trong những chiến sĩ công an đầu tiên vào Thủ đô

Q. Nguyễn Chủ nhật, ngày 10/10/2021 10:47 AM (GMT+7)
Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên được vinh dự vào Thủ đô ngay từ những ngày "tiền tiếp quản", chứng kiến thời khắc thiêng liêng của Hà Nội, của dân tộc vào ngày trọng đại Giải phóng Thủ đô 67 năm trước.
Bình luận 0

Hôm nay, nhiều thế hệ người Hà Nội và người dân cả nước bồi hồi nhớ về kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 67 năm về trước (10/10/1954). Trong bối cảnh dịch Covid-19, những hoạt động kỷ niệm không được tổ chức, cờ hoa cũng không rợp bóng như những năm trước đây, nhưng niềm vui trong lòng người vẫn vẹn nguyên như vậy. Đặc biệt, với những người đã từng cầm súng bảo vệ Thủ đô thuở ấy, thời khắc lịch sử đó mãi là một ký ức không quên.

Dù đã bước sang tuổi 95, nằm trên giường bệnh nhưng Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng vẫn còn nguyên sự minh mẫn, ánh mắt ông đầy vẻ tự hào, niềm hân hoan vẹn nguyên của những ngày thu lịch sử tiến về Hà Nội.

Chiến sĩ công an đầu tiên và ký ức về Thủ đô những ngày "tiền tiếp quản" - Ảnh 1.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng - nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an). (Ảnh: Quỳnh Nguyễn)

Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Phòng cho biết, tháng 10/1954, một số cán bộ Bộ Công an đang đi công tác thì được lệnh gọi về, giao nhiệm vụ tham gia tiếp quản Thủ đô. Ông và đồng đội được sắp xếp là đội trật tự vào Thủ đô trước để tiếp quản Ty Cảnh binh thành phố, Cảnh sát quận Nhất (tức quận Hoàn Kiếm ngày nay) cùng Quận Cảnh sát Giao thông đường bộ.

Một nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn khiến ông Phòng không khỏi lo lắng, nhưng cũng rất phấn khởi, tự hào vì được Đảng, được Chính phủ tin tưởng trao trọng trách. Sáng sớm mùng 5/10/1954, đoàn của ông tập hợp hàng ngũ chỉnh tề đi từ làng Trung Giã (huyện Sóc Sơn) qua cầu Phù Lỗ. Đầu cầu phía Hà Nội có lô cốt Pháp nhưng đoàn tiếp quản ung dung đi qua hai hàng tiêu binh của Pháp, rồi bước lên 10 chiếc xe vận tải của quân đội ta xếp hàng chờ sẵn. Phía Pháp bố trí 4 xe thiết giáp, 2 xe dẫn đầu, 2 chiếc đi sau đoàn. Trên đường vào nội thành Hà Nội, rất nhiều người dân đứng hai bên đường vẫy tay chào đón.

Chiến sĩ công an đầu tiên và ký ức về Thủ đô những ngày "tiền tiếp quản" - Ảnh 2.

Cờ hoa đỏ rợp trời Ngày Giải phóng Thủ đô 67 năm về trước. (Ảnh tư liệu)

Vị Thiếu tướng vẫn còn nhớ, cả ba trụ sở cơ quan được giao nhận chỉ là những phòng trống rỗng, chỉ còn vài cái tủ, bàn ghế cũ, còn lại tất cả đều bị tháo dỡ mang đi hết. Chiều 9/10/1954, viên Thanh tra Cảnh sát Pháp ký bàn giao và tiếp nhận với lực lượng của ta. Cuối cùng, ông Nguyễn Quang Phòng và các chiến sĩ của ta cũng đòi Thanh tra Cảnh sát Pháp trả lại chiếc xe Citroen là tài sản của Quận Cảnh sát Giao thông đường bộ.

Sáng 10/10/1954, cảnh sát Pháp và quân đội Pháp quan sát việc rút quân của họ, có quy định cụ thể từng giờ quân đội Pháp rút đi từng khu vực, từng đường phố và bao giờ cũng có một đường phố đệm để ngăn cách sự có mặt của quân đội Pháp và quân đội Việt Nam.

Cũng trong sáng hôm ấy, Ủy ban Quân chính Thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới… chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Thủ đô. Hà Nội hoàn toàn được giải phóng.

Khi các cánh quân tiến vào từ 5 cửa ô, đã có 20 vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Đến 15h cùng ngày, nhân dân cùng các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố đã dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức.

Khi nhắc lại những câu chuyện này, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho hay: "Tôi cảm thấy thật sự xúc động khi mình vinh dự là một trong những chiến sĩ công an đầu tiên được tiếp quản Thủ đô và chứng kiến tận mắt rừng cờ hoa ngày ấy".

"Đa phần các gia đình ở Hà Nội đều có người thân tham gia kháng chiến, cho nên ngày đoàn quân trở về được người dân đặc biệt chờ đợi. Khi quân ta tiến vào Thủ đô, người dân đã đổ ra khắp mọi ngả đường để chào đón. Đó là phần chung, cái riêng của họ là đón chồng con mình đi kháng chiến trở về", Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng nói.

Chiến sĩ công an đầu tiên và ký ức về Thủ đô những ngày "tiền tiếp quản" - Ảnh 4.

Hình ảnh đoàn quân tiến vào giải phóng Thủ đô năm 1954. (Ảnh tư liệu)

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng bộc bạch, gần như suốt đêm 9/10 năm ấy, ông và các anh em trong đội đều thao thức không ngủ được vì mong mỏi, chờ đón thời khắc lịch sử của Thủ đô, của dân tộc. 

Sáng 10/10/1954, cứ quân đội Pháp rút đến đâu thì người dân nhà nào nhà ấy đều mở toang cửa ngõ, treo cao cờ đỏ sao vàng, mọi người ào ra đường hân hoan vẫy tay chào đón đoàn quân bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản.

Buổi chiều cùng ngày diễn ra lễ chào cờ lịch sử. Lá cờ Tổ quốc tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Trên sân, các đơn vị tham dự lễ chào cờ đã tập hợp thành khối nghiêm chỉnh. Hàng đầu đội hình bộ binh là Trung đoàn Thủ đô. Đúng 15h, còi Nhà hát Lớn nổi lên một hồi dài, toàn thành phố hướng về Cột Cờ thành Hà Nội. Mọi người trang nghiêm nhìn lên lá Quốc kỳ đang tung bay trên đỉnh Cột Cờ. Tiếng nhạc vừa dứt, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ bước ra đọc lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô ngày giải phóng. Mọi người rưng rưng xúc động, nhiều người không giấu được những giọt nước mắt vui mừng, hạnh phúc.

Đã 67 năm trôi qua, nhưng ký ức đẹp của người chiến sĩ công an nhân dân được chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng trong Ngày Giải phóng Thủ đô vẫn còn mãi. Dù sau đó, chiến tranh tiếp diễn, Hà Nội cũng như cả nước gồng mình trong cuộc chiến bảo vệ, kiến thiết, phát triển đất nước, nhưng dấu ấn về những phút giây Hà Nội được giải phóng là không thể quên đối với Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cũng như nhiều nhân chứng lịch sử.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem