1. Trong Giấc mộng con của Tản Đà có câu: Ngồi buồn nhớ chị Xuân Hương/ Hồn thơ còn hãy như nhường trêu ai. Không chỉ với người thời nay mà thơ và chuyện tình của bà chắc còn là đề tài bàn luận cho người đời sau.
Hồ Xuân Hương là con cụ Hồ Phi Diễn (1703-1786) quê làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Năm 24 tuổi, Hồ Phi Diễn thi đậu tú tài triều Lê Bảo Thái. Ông dạy học ở Hưng Yên và lấy một cô gái họ Hà ở Bắc Ninh làm vợ thứ khi đã cao tuổi. Hai người sinh ra Hồ Phi Mai (nghĩa là hoa mai bay trên hồ) – nguyên danh của Hồ Xuân Hương - ở phường Khán Xuân, huyện Vĩnh Thuận, Thăng Long. Khán Xuân ở phía nam Hồ Tây (nay thuộc khu vực Công viên Bách Thảo). Ở đây có núi Khán Sơn, trên núi có miếu thờ thần Cẩu Mẫu từ thời Lý và miếu thờ Huyền Trân Hắc Đế. Chúa Trịnh Giang cho lập ở đây một ly cung. Vào đêm hè, chúa ra cung nghỉ và bày vẽ trò chơi. Các nội thần và cung nữ bày hàng bán rồi hát xướng suốt đêm.
Tranh vẽ minh họa về nữ sĩ Hồ Xuân Hương trên một bìa sách năm 1916
Hồ Xuân Hương đã viết về Khán Xuân trong bài Chơi đài Khán Xuân.
Êm ái chiều Xuân tới Khán đài
Lâng lâng chẳng gợn chút trần ai
Ba hồi triêu mộ chuông gầm sóng
Một vũng tang thương nước lộn trời
Bể ái nghìn trùng khôn tát cạn!
Nguồn ân muôn trượng dễ khơi vơi?
Lần theo những giai thoại và dấu vết của các bài thơ, không ít người suy đoán Hồ Xuân Hương có thể bốn lần đò nhưng bà không để lại thơ nói về những người chồng này trong tập Lưu Hương ký mà chỉ thấy trong thơ truyền tụng, có lẽ vì các cuộc sống chung đã không mang lại hạnh phúc.
Còn dựa vào bài Khóc ông Phủ Vĩnh Tường, người ta cho rằng ông này là chồng thứ ba. Tuy nhiên học giả Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh không có chuyện đó vì Phủ Vĩnh Tường mãi tới năm 1822 mới có tên và cũng năm này thì Hồ Xuân Hương qua đời. Phủ đó ban đầu có tên là Tam Ðái rồi đổi thành Tam Ða, sau mới là Vĩnh Tường nên Hoàng Xuân Hãn kết luận bài thơ Khóc ông Phủ Vĩnh Tường không phải là của Hồ Xuân Hương.
2. Sau một thời gian đây đó, Hồ Xuân Hương trở lại Khán Xuân dựng Cổ Nguyệt đường để làm thơ và dạy học. Chữ Cổ và Nguyệt ghép lại thành chữ Hồ. Cổ Nguyệt đường nhìn ra hồ Tây xanh bát ngát mầu sen. Có lẽ thời gian ở bên hồ Tây là phần đời an bình nhất của nữ sỹ. Cổ Nguyệt đường thường đón các danh sĩ như: Phạm Quí Thích, Phạm Ðình Hổ (tác giả Vũ Trung tùy bút), Nguyễn Huy Tự (tác giả Hoa Tiên), Nguyễn Du, Mai Sơn Phủ, Tốn Phong, Cư Ðình, Trần Quang Tĩnh, và Trần Phúc Hiển...
Căn cứ vào bài thơ Mộng đắc thái liên (Mộng thấy hái sen) bằng chữ Hán của Nguyễn Du, có người đồ rằng Nguyễn Du đã yêu Hồ Xuân Hương khi ông lên Cổ Nguyệt đường giao du. Và khẳng định Nguyễn Du yêu nữ sỹ trong ba năm.
Có nhiều giai thoại về Hồ Xuân Hương ở Cổ Nguyệt đường khi xướng họa thơ và một đối thủ của bà là Chiêu Hổ, tương truyền chính là Phạm Đình Hổ (1768-1839). Một lần Chiêu Hổ đến thăm Xuân Hương có ý sỗ sàng bị Xuân Hương chê suồng sã:
Anh đồ tỉnh, anh đồ say
Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày
Này này chị bảo cho mà biết
Chốn ấy hang hùm chớ mó tay
Bị Xuân Hương chơi chữ, vì hùm có nghĩa là hổ, Chiêu Hổ cũng không chịu thua đáp trả:
Này ông đồ tỉnh, này ông đồ say,
Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày!
Hang hùm ví bẵng không ai mó,
Sao có hùm con ẵm chốc tay?
Còn câu:
Người cổ lại còn đeo thói nguyệt
Buồng xuân chi để lạnh mùi hương?
Câu đối ghép lại đủ cả tên họ bà, tách ra lại là sự trách khéo: Đã tự coi là người cổ hủ, trọng nề nếp, gia phong lại còn thích thói thưởng nguyệt, xem hoa, lả lơi, thi phú? Đang tuổi xuân thì còn hương sắc, mà không gìn giữ nền nếp, gia phong thì buồng xuân còn để lạnh đến bao giờ? Có người cho rằng câu này cũng là của Chiêu Hổ chòng ghẹo bà.
Một giai thoại khác về Hồ Xuân Hương là có một viên quan lớn trong triều đi vãn cảnh Hồ Tây. Tiếng quân lính hò hét dẹp đường, cảnh võng lộng nghêng ngang, tiền hô hậu ủng, phá tan cảnh đẹp của bầu trời nơi đây. Lúc đó, Hồ Xuân Hương đang giặt ở ven hồ thấy chướng tai gai mắt, liền buông rải quần, điềm nhiên nhìn thẳng vào kiệu quan đang đi tới rồi đọc to:
Võng điều quan lớn đi trên ấy
Váy rách bà con giặt dưới này.
Nghe câu đối, cả quan lẫn tớ trợn mắt nhìn Xuân Hương dám ví cái võng điều của quan lớn với váy rách của bà con. Từ đó, viên quan này mất hẳn thói nghênh ngang, hống hách khi đi vãn cảnh Hồ Tây.
Những bài thơ và giai thoại bà để lại trong thời kỳ này khá nhiều. Lại thêm giai thoại có lần bà đến đền Trấn Võ, nơi có gác chuông và quả chuông lớn. Cùng lúc đó có nhiều nho sĩ đến thăm khoe tài chữ nghĩa thơ phú. Không chịu được sự khoe khoang, vờ ngu dốt Xuân Hương nhờ các thầy vịnh quả chuông trong đền nhưng các thầy ngắc ngứ. Và một thầy lên tiếng bảo bà đổi vần uông sang vần khác. Chỉ chờ có thế Xuân Hương đã bóc mẽ bằng cách xin đọc thử mấy câu cho các thầy nghe:
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng ấy cái uông
Các thầy nghe xong vội lủi mất.
Chùa Kim Liên bên Hồ Tây ngày nay. Nhiều người đọc bài thơ Miên Thẩm và dự đoán: nếu cúng đàn thì có thể là chùa Kim Liên và mộ phần của Hồ Xuân Hương cạnh nghĩa địa Đồng Táo, cách chùa không quá 300m.
3. Hồ Xuân Hương mất năm 1822, hưởng dương 51 tuổi. Theo thời gian, nơi chôn cất bà cũng bị chìm vào quên lãng. Sau này người dòng họ Hồ muốn tìm mộ của bà chỉ còn trông vào sách và một trong những nguồn để căn cứ là bài thơ Long Biên trúc chi từ của Tùng Thiện Vương (tức Miên Thẩm), làm năm 1842 khi ông hộ giá vua Thiệu Trị ra Bắc tiếp sứ thần Trung Hoa.
Đây hồ rực rỡ hoa sen
Sai người xuống hái để lên cúng đàn
Chớ trèo qua mộ Xuân Hương
Suối vàng còn giận tơ vương lỡ làng
Sen tàn, phấn rữa mồ hoang
Xuân Hương đã khuất bên làn cỏ xanh
U hồn say tít làm thinh
Gió xuân mấy độ thế tình không hay
(Bản dịch của học giả Hoàng Xuân Hãn)
Nhiều người dự đoán nếu cúng đàn thì có thể là chùa Kim Liên, nay vẫn còn và mộ phần của Hồ Xuân Hương cạnh nghĩa địa Đồng Táo, cách chùa không quá 300m. Ông Hồ Sĩ Bằng, nguyên Viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế, viết trong sách “Họ Hồ trong cộng đồng dân tộc Việt Nam” đưa nghi vấn: “Các nhà nghiên cứu thiên về thuyết mộ bà Hồ Xuân Hương nằm ở nghĩa địa ven hồ”.
Sách Tây Hồ chí có đóng dấu của Viện Viễn Đông bác cổ, ký hiệu A3192/1-2 đoạn viết về hình thế hồ có câu: “Thôn Lạc Chính (tên cũ là Ngũ Xã) ở giữa hồ gồm bãi bãi bồi lớn, nhỏ hình con lân. Bãi lớn rộng vài trăm mẫu là khu dân cư, bãi nhỏ khoảng ba bốn chục mẫu có nhiều phần mộ”. Bài thơ của Miên Thẩm cùng nhiều tài liệu khác khiến ông Hồ Bá Hiền, Trưởng ban Sử - Ban Liên lạc họ Hồ Việt Nam nghi mộ bà ở một trong ba nơi là: nghĩa địa Lạc Chính (gần Trúc Bạch), nghĩa địa Đồng Táo (ở Nghi Tàm) và gò Thất Tinh (giữa Thụy Khuê và làng Hồ Khẩu). Và ông Hiền đã thu thập các thông tin và rồi tin rằng, mộ bà hiện ở khu vực Hồ Tây (nghĩa địa Đồng Táo, gần khách sạn Thắng Lợi). Mộ ở dưới hồ, sâu khoảng 1,8- 2,4 m, cạnh đấy có một miếu thờ bà.Từ đó, ông Hiền đã phác ra sơ đồ mộ bà như sau: Cách phủ Tây Hồ 625m về phía tây nam, cách khách sạn Thắng Lợi 915m về phía nam, từ miếu cũ xuôi về tây 1.480m.
Tuy nhiên vị trí đó cũng chỉ là phỏng đoán và nếu muốn biết có đúng hay không chỉ còn cách khai quật, mà khai quật là việc không thể. Nếu đúng mộ bà ở Hồ Tây, mảnh đất thẫm huyền thoại thì cũng không cần biết chính xác ở vị trí nào vì bà cũng là một huyền thoại của hồ Tây.
Cuộc thi thơ bên Hồ Tây
Cổ Nguyệt đường của Hồ Xuân Hương bên Hồ Tây cũng chính là nơi đã tổ chức thi thơ và người đoạt giải là Trần Ngọc Quán.
Bài thơ như sau:
Vào cắm Tao Ðàn một ngọn cờ
Ấy người thân đấy, phải hay chưa?
Lắc đầy phong nguyệt, lưng bầu rượu
Giắt lỏng giang hồ, nửa túi thơ
Ðình Nguyệt góp người chung đỉnh lại
Trời Hoan mở mặt, nước non xưa
Bấy nay tài tử bao nhiêu tá?
Thèo đảnh khen ai khéo đặt cho
|
Nguyễn Ngọc Tiến (Thể Thao & Văn Hóa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.