Hôm qua tôi dành gần như cả ngày để đọc hết tác phẩm "Người truyền ký ức" của nhà văn nữ người Mỹ Louis Lowry. Tác phẩm này đã được đưa vào chương trình giảng dạy phổ thông ở Mỹ và danh sách cấm ở một số trường cụ thể.
Câu chuyện kể về một cộng đồng đã lựa chọn cách sống đồng nhất: Mọi thứ từ sinh ra, lớn lên, lập gia đình, nuôi con cho đến màu sắc bông hoa, thời tiết, cảm xúc đều được lập trình và kiểm soát nghiêm ngặt. Để duy trì cuộc sống tốt nhất cho cộng đồng, chỉ những điều mang lại niềm vui trong hiện tại mới được giữ, những gì gợi u sầu, lo lắng bị tách bỏ. Bộ não những người sống trong cộng đồng hoàn toàn không có ký ức, vì ký ức bao gồm cả cái đói, sự sợ hãi và nỗi đau. Chỉ duy nhất một người được trao nhiệm vụ giữ toàn thể ký ức của cộng đồng qua nhiều thế hệ và được gọi là Người truyền ký ức. Người truyền ký ức thực ra là người giữ toàn bộ nỗi đau đớn của cả cộng đồng trong bản thân mình. Đau đớn đến nỗi Người truyền ký ức thường xuyên muốn chết đi vì không chịu nổi.
Tôi gập sách lại và nghĩ về ký ức của mình. Có những ký ức vui: Đi chơi một nơi mới mẻ, được yêu thương, được khen tặng. Có ký ức không muốn nhớ lại: Một lầm lỗi, một vụng về. Cả những gì gợi nhớ đến nó cũng không muốn nhìn lại.
Người lớn chúng ta có nhiều ký ức. Và chắc rằng nhiều người giống như tôi. Chúng ta khó ai có một ký ức hoàn hảo. Người hiện tại thành đạt có thể hồi nhỏ bị gia đình bạo hành. Người mẹ đầy yêu thương của gia đình hiện tại từng làm gái mại dâm. Hiệp sĩ từng là cướp. Người sửa xe hiền lành và tận tụy góc đường từng chấn động giang hồ một thuở... Hoặc phổ biến hơn, từng ăn trộm của bạn cái bánh, từng làm vỡ của mẹ chiếc vòng rồi đổ tội cho con mèo, từng nặng lời với cha mẹ, từng vung roi đánh con thơ...
Những ký ức mà khi nó tình cờ hiện ra chúng ta thường vô thức lắc đầu nhè nhẹ, cứ như bằng cách đó nó có thể rơi khỏi bộ não vậy.
Ngay người lớn chúng ta vẫn đôi khi đau đớn về một ký ức cho dù nó rất nhỏ, cho dù nó đã xa lắc rồi, cho dù ta đã làm hàng ngàn vạn điều bù đắp và sửa lỗi.
Vậy thì những đứa trẻ sẽ bằng cách nào? Những đứa trẻ không may, là con của những tử tù, những kẻ cướp, những kẻ giết người, vô luân, đã và đang bị pháp luật trừng phạt. Sẽ bằng cách nào chúng thoát khỏi các ký ức gây thương tích?
![Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.](https://danviet.mediacdn.vn/upload/1-2014/images/2014-03-25/1434373723-8e6quakhu1.jpg)
Ảnh minh họa.
Gần đây báo chí khi đưa tin về các tử tù đã chú ý không khai thác sâu về gia đình họ, hoặc nhắc tới bằng con mắt nhân hậu và khách quan. Điều đó là đúng đắn. Pháp luật chỉ trừng trị kẻ có tội, còn gia đình họ không thể bị liên đới.
Tuy nhiên, người ta luôn phải có một bản lý lịch để đi học, để xin việc, để kết hôn, để mở doanh nghiệp... Với một lai lịch rõ ràng cả chi tiết tên cha mẹ, với sự ghi nhớ vĩnh cửu của mạng lưới thông tin như bây giờ, liệu đứa trẻ lớn lên có bị cộng đồng chung quanh kỳ thị? Thói quen của dân Việt ta tìm hiểu ai thì truy tận lý lịch ông bà ba đời, tâm lý con người thì nhiều định kiến và mặc cảm, liệu gia đình cô gái nào dám chấp nhận đứa con trai của kẻ giết người tàn nhẫn mà không e sợ? Gia đình chàng trai nào chấp nhận cô con dâu có lai lịch mẹ làm gái mại dâm, cha làm kẻ cướp? Chúng ta vẫn nói lý thuyết ai làm nấy chịu, nhưng đồng thời vẫn nghĩ đến "Môn đăng hộ đối", "Chọn mặt gửi vàng", "Cha nào con nấy"... Ai dám chọn ngôi nhà đầy ám ảnh như vậy để gửi đứa con của mình? Trừ phi là những hoàn cảnh tương tự lại quắp lấy nhau, rồi nghèo lại thêm nghèo, tương lai mịt mù lại thêm mịt mù, cứ thế.
Khi đang viết những dòng này, tôi lại đọc được một bài báo nhắc lại lai lịch 11 đứa cháu + 1 đứa con vừa ra đời của
Hồ Duy Trúc - kẻ cướp chặt tay người khác cướp xe, vừa bị tuyên tử hình. Bài báo đầy xót xa, kèm theo tấm ảnh chụp rõ mặt những đứa trẻ, nêu rõ chúng đang ở đâu, làm gì. Tôi chắc bài báo sẽ lay động trái tim nhiều người, kêu gọi xã hội có cái nhìn chia sẻ với những đứa trẻ đang lâm cảnh đói ăn. Ít nhất, ngay lúc này cái nhìn xã hội có thể khách quan và bao dung hơn.
Nhưng, nhiều năm nữa thì sao? Khi những đứa trẻ lớn lên thì sao? Bức ảnh và mọi thông tin còn đó. Có ai đó tò mò lật lại lai lịch của chúng thì sao? Chúng ta đâu có đủ thời gian và sự quan tâm để theo dõi và che chở chúng khỏi miệng lưỡi dư luận cho tới tận hàng chục năm nữa.
Nước Mỹ có chương trình bảo vệ nhân chứng được đánh giá rất hiệu quả. Những nhân chứng sẽ được thay đổi toàn bộ lai lịch, thậm chí cả ngoại hình, đưa đến sống ở một nơi khác, hòa nhập với cộng đồng nơi đó bằng một lý lịch hoàn toàn mới. Đảm bảo để mai danh ẩn tích vĩnh viễn.
Với những đứa trẻ không may như con của
Hồ Duy Trúc, tôi cho rằng nên có cơ chế bảo vệ chúng tương tự như vậy. Pháp luật nên có quy định để chúng được mai danh ẩn tích, lập cho chúng lai lịch hoàn toàn mới, cắt hẳn với những liên hệ quá khứ, cho chúng được "sạch" trong con mắt người đời. Và tôi muốn có điều luật cấm đưa hình ảnh những đứa trẻ trong gia đình người phạm tội lên các phương tiện truyền thông.
Không được để tương lai những đứa trẻ vô tội bị ám ảnh bởi nỗi đau của ký ức, nhất là khi ký ức ấy đâu có do chúng tạo ra.
Hoàng Xuân (Hoàng Xuân)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.