Ký ức về cánh đồng Buôn Triết

Thứ hai, ngày 30/01/2012 06:27 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngay sau những năm đất nước mới giải phóng, cả nước gặp khó khăn, với người dân Tây Nguyên, cơm trắng đã là một món ăn quá xa xỉ...
Bình luận 0

Cuộc sống của người dân luôn bị cái đói đe dọa, bọn phản động Fulro lại hoạt động mạnh, nên việc khai hoang phát triển kinh tế hộ gia đình càng gặp nhiều khó khăn.

Đuổi “giặc” đói, nghèo

Từ năm 1976, với mục tiêu ổn định nhanh chóng đời sống của người dân, Tỉnh ủy Đăk Lăk đã đề xuất các chủ trương nhằm ổn định tình hình chính trị, an ninh. Trong đó ngoài công cuộc phát triển các cây công nghiệp, việc phát động phong trào sản xuất lương thực bằng khai hoang, xây dựng cánh đồng, làm thủy lợi, thực hiện các biện pháp định canh, định cư... là những yêu cầu cấp bách lúc bấy giờ.

img
 

Đăk Lăk là một vùng giàu tiềm năng để phát triển cây lương thực nhưng chưa được khai phá, trong đó có cánh đồng Buôn Trất, Buôn Triết (huyện Lăk) và cánh đồng Đức Xuyên (huyện Krông Nô); đây là một vùng trũng đầy lau, sậy , bùn ngập tới bụng, có nơi ngập tới cổ; các cánh đồng này được tạo thành bởi hai con sông sông Krông Ana và sông Krông Nô.

Ông Trần Kiên, khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đăk Lăk nhận định, đây là một cánh đồng có tầm vóc lớn hơn cánh đồng Tuy Hòa ở Phú Yên (lớn nhất Khu V thời đó). Do đó, tỉnh Đăk Lăk quyết tâm thực hiện, nhằm hình thành nên cánh đồng sản xuất lương thực lớn ngay trên vùng đất trũng để đáp ứng nhu cầu lương thực của tỉnh.

Ông Nguyễn An Vinh - nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đăk Lăk kể lại: “Tôi không thể nào quên được khí thế hào hùng khi huy động được hàng nghìn người cùng sự ủng hộ tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Tinh thần mọi người lúc bấy giờ là khí thế cách mạng đánh vào “giặc” đói, nghèo.

Cũng chính từ khí thế đó, phong trào đã thu hút thêm nhiều người dân ở các tỉnh khác vào đây xây dựng kinh tế mới như: Thái Bình, Quảng Nam, Bình Định... và cũng từ đó mà hình thành các xã như Buôn Triết, Buôn Tría, Ea Bông, Quảng Điền, Bình Hòa... với số dân khoảng 63.000 người. Từ một vùng hoang sơ, cánh đồng Buôn Triết đã trở thành một vùng lúa nước trù phú, đông đúc dân cư sinh sống”.

Thành công của sức trẻ

Ông Dương Thanh Tương - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk tâm sự: Khi ấy tôi là Bí thư Tỉnh đoàn, kiêm chỉ huy trưởng thanh niên xung phong trực tiếp tham gia công trường Buôn Triết. Với khoảng 3.000 thanh niên được huy động, chủ yếu là học sinh, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên, Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung học Sư phạm... có thể nói khí thế trên công trường Buôn Triết những năm tháng ấy cực kỳ sôi động và hừng hực sức trẻ.

Thanh niên được xem là lực lượng xung kích mũi nhọn thực hiện nhiệm vụ. Sau khi Tỉnh ủy có nghị quyết và triển khai thực hiện việc khai hoang, xây dựng cánh đồng, chúng tôi huy động lực lượng, mỗi người mang theo hành lý cứ thế đi nhận nhiệm vụ.

Thời đó, phương tiện lao động còn thô sơ, hầu như không có máy móc, chủ yếu là cuốc, xẻng. Cứ người nối người, hàng nối hàng, từng khối đất được chuyền tay nhau để đắp đập. Đến lúc làm lu, lèn, do không có máy móc, thanh niên các buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số gần đấy đưa voi để giẫm, lèn. Rồi đến khi khai hoang, cày đất cũng phải dùng đến sức trâu, cứ kẹp 2 con trâu đi cày như một nông dân thực thụ.

Ông Nguyễn Hồng Thám, thôn Mê Linh 2, xã Buôn Triết, huyện Lăk xúc động kể lại: “Xuất phát từ huyện Tiền Hải, năm 1978 theo sự phân công của Tỉnh ủy tỉnh Thái Bình, tôi dẫn đầu đoàn dân huyện mình đi khai phá vùng đất mới. Thời ấy đất rộng bạt ngàn nhưng lau sậy cũng mau mọc thành rừng.

Vào mùa khô, cuốc, cày cho ải, chà đi xát lại cho lau sậy giập khô rồi đốt thành tro, nhưng chỉ sau một trận mưa thì đâu lại vào đấy; mạ chưa kịp cấy, lúa chưa kịp tỉa thì lau sậy đã mọc phủ kín”. Khó khăn là thế nhưng hàng ngàn con người của 7 tỉnh, 13 huyện cùng với dân Đăk Lăk tập trung vào đây tạo nên một đại công trường ấn tượng.

Sau gần 3 năm thiếu đói, bằng sự quyết tâm của con người, “cánh đồng hoang” đã dần bị khuất phục và cho sản phẩm ổn định. Từ 40ha, diện tích đã phát triển nhanh chóng thu hút nhiều người quay trở lại. Hệ thống thủy lợi dần được hoàn thiện đã đưa năng suất lúa lên cao. Thiên nhiên khắc nghiệt đã bị khuất phục trước sức mạnh và ý chí của con người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem