Kỳ vọng được hưởng lợi đầu tư công, doanh nghiệp xây dựng khiến nhà đầu tư "bật ngửa"
Kỳ vọng được hưởng lợi đầu tư công, doanh nghiệp xây dựng khiến nhà đầu tư "bật ngửa"
Quang Dân
Thứ hai, ngày 21/02/2022 11:01 AM (GMT+7)
Cổ phiếu FCN, G36, VCG, LCG, HTN, hay CII đã mang lại cho không ít nhà đầu tư cơ hội nhân đôi, nhân ba tài khoản chứng khoán vì thị trường kỳ vọng doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi đầu tư công. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2021 của các doanh nghiệp không như kỳ vọng, nợ vay tăng....
Kỳ vọng được hưởng lợi đầu tư công, cổ phiếu xây dựng tăng bằng lần
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Chính phủ, Quốc hội đã xác định cần phải giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản để lôi kéo nguồn vốn tư, nguồn vốn xã hội hóa cho đầu tư phát triển.
Để đẩy nhanh cho tiến trình thúc đẩy đầu tư công, một loạt các Nghị quyết đã được ban hành như Nghị quyết của Chính phủ: Số 01/NQ-CP ngày 1/1/2021, số 45/NQ-CP ngày 5/4/2021, số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021; các Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ; Công điện 1082/CĐ-TT ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Thông báo số 262/TB-VPCP ngày 5/10/2021 của Văn phòng Chính phủ và các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021..
Đặc biệt, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1962/QĐ-TTg thành lập 6 tổ công tác do các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số bộ trưởng làm tổ trưởng, để kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 31/10 dưới 60% kế hoạch được giao.
Từ đây, nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán kỳ vọng các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng sẽ có 1 năm ăn nên làm ra, duy trì được tăng trưởng, qua đó, thị giá cổ phiếu các công ty này trên sàn tăng trưởng ấn tượng và tạo ra nhiều đợt song cao trào.
Đơn cử, trong vòng 1 năm qua, giá cổ phiếu của CTCP Tập đoàn CIENCO4 (Upcom: C4G) đã tăng 227% (dù C4G đã chốt thực hiện phát hành thêm cổ phiếu giá 10.000 đồng/cổ phiếu); cổ phiếu DPG của CTCP Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) tăng 209%; cổ phiếu FCN của CTCP Fecon (HoSE: FCN) tăng 113%; cổ phiếu G36 của Tổng công ty 36 (Upcom: G36) tăng gần 100%....
Kết quả kinh doanh doanh nghiệp xây dựng khiến nhiều nhà đầu tư "bật ngửa"
Tuy nhiên, báo cáo tài chính năm 2021 khiếu nhiều nhà đầu tư "bật ngửa" với kỳ vọng của mình. Nhiều "ông lớn" trong ngành không hoàn thành được kế hoạch đã đề ra trong năm, chưa kể, lợi nhuận thu về còn sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ, bất chấp việc doanh thu tăng trưởng.
Đơn cử, báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 của Công ty Cổ phần Fecon (HOSE: FCN) cho biết, kết thúc năm 2021 FCN ghi nhận 3.484 tỷ đồng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 11% khiến lãi gộp doanh nghiệp chỉ đạt 518 tỷ đồng, giảm 9%.
Trong kỳ, chi phí lãi vay của FCN tăng 52%, lên gần 146 tỷ đồng. Đồng thời chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng lần lượt tăng 4% và 14% ở mức 200 tỷ và 25 tỷ đồng.
Kết quả, kết thúc năm 2021, lợi nhuận trước thuế FCN giảm 5%, về 159 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế giảm 14%, còn 115 tỷ đồng.
Năm 2021, FCN đặt chỉ tiêu doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng, lãi sau thuế 175 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả trên doanh nghiệp chỉ hoàn thành 89% kế hoạch doanh thu và 66% chỉ tiêu lợi nhuận. Đáng nói, đây là năm thứ 5 liên tiếp (từ năm 2017), FCN không hoàn thành được các chỉ tiêu kinh doanh mà ĐHĐCĐ thường niên đề ra trong năm.
Tại ngày 31/12/2021, nợ vay tài chính FCN là 2.471 tỷ đồng, tăng 55% so với đầu kỳ. Trong đó, vay nợ thuê tài chính dài hạn "nhảy vọt" từ 376 tỷ lên 1.160 tỷ đồng, tương ứng tăng đến 209% chỉ sau 12 tháng; nợ vay ngắn tiếp tục neo ở mức cao với 1.311 tỷ đồng, tăng 7%. Đây cũng chính là lý do khiến chi phí lãi vay "phình to", ăn mòn lợi nhuận FCN năm 2021.
Dữ liệu cho thấy, chỉ tính trong quý IV/2021, FCN đã sử dụng nhiều tài sản là khoản phải thu/quyền đòi nợ của mình đối với các đối tác để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại nhiều ngân hàng.
Đơn cử, ngày 20/10/2021, FCN sử dụng tài sản là Cần trục bánh xích nhãn hiệu Kobelo, sản xuất tại Nhật Bản năm 2000, đã qua sử dụng để thế chấp cho khoản vay tại Ngân hàng/Công ty cho thuê tài chính. Hay dùng tài sản là Máy khoan cọc nhồi nhãn hiệu SANY SR285RC8, sản xuất tại Trung Quốc năm 2016, đã qua sử dụng để thế chấp cho khoản vay.
Tương tự, một doanh nghiệp ngành xây dựng khác cũng làm nhà đầu tư "thất vọng" bởi kết quả kinh doanh năm 2021 chính là Tổng Công ty 36 - CTCP (UPCoM: G36) khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm phân nửa so với cùng kỳ.
Cụ thể, kết thúc năm 2021, doanh thu thuần của G36 đạt 1.161 tỷ đồng, giảm 50% so với năm 2020; lợi nhuận sau thuế giảm 61%, đạt 23 tỷ đồng.
Giải trình cho kết quả kinh doanh trong kỳ, phía G36 cho biết, nguyên nhân khiến lãi ròng sụt giảm do giá sản lượng các công trình chuyển tiếp sang năm 2021 thấp. Ngoài ra, tại năm 2020 Tổng công ty có ghi nhận doanh thu bất động sản dự án B6 Giảng võ.
Theo cơ cấu doanh thu G36 tại báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, tính riêng trong kỳ. doanh thu từ kinh doanh bất động sản đạt 464 tỷ đồng, trong khi chỉ mục này năm 2021 chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng.
Ngoài FCN, G36, VCG của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cũng có kết quả kinh doanh năm 2021 không như kỳ vọng khi lợi nhuận giảm mạnh do chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.