Kỳ vọng gì ở bảo tàng 11.000 tỉ đồng?

Thứ năm, ngày 13/08/2015 14:09 PM (GMT+7)
Việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là cần thiết, chỉ có điều tổ chức hoạt động như thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí
Bình luận 0

Đề án xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (LSQG) vừa  được Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch vốn đầu tư.

“Siêu bảo tàng”

Với tư cách là chủ đầu tư, Bộ Xây dựng cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng một bảo tàng hiện đại với quy mô đầu tư, diện tích lớn để khắc phục những hạn chế về nội dung, tính chất và quy mô nội dung trưng bày hiện tại, đáp ứng tốt việc bảo tồn, lưu giữ, sưu tầm, trưng bày hiện vật, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu khoa học... Công trình đặt tại khu đô thị mới Tây Hồ Tây (huyện Từ Liêm, TP Hà Nội). Tổng diện tích đất khoảng 100.000 m2, trong đó, diện tích xây dựng công trình là 30.000 m2; khu trưng bày ngoài trời là 30.000 m2; khu  dành cho hoạt động văn hóa cộng đồng khoảng 10.000 m2...

img

Mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với vốn đầu tư xây dựng 11.277 tỉ đồng

Công trình cũng sẽ có một tòa nhà chính rộng khoảng 20.483,63 m2, trong đó bao gồm kho lưu giữ hiện vật vô cơ và hữu cơ qua các thời kỳ, không gian để trưng bày, tái hiện lịch sử, chuyên đề, sưu tập, trung tâm bảo quản và phục chế. Một phần không gian dành cho khu khám phá sáng tạo (hội họp, hội thảo, chiếu phim) có diện tích 3.160 m2,; bên cạnh đó là một khu tưởng niệm danh nhân và khu trưng bày ngoài trời, hạng mục kỹ thuật phụ trợ, cây xanh và cảnh quan.

Theo tính toán của Bộ Xây dựng, tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 11.277 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng khoảng 7.129 tỉ đồng, chi phí thiết bị khoảng 1.388 tỉ đồng, còn lại là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án... Khoản đầu tư này chưa bao gồm chi phí dự án thành phần đầu tư xây dựng nội dung và hình thức trưng bày do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL)  thực hiện

Đừng “may áo khi chưa thấy người”

Việc xây dựng một “siêu bảo tàng” với số vốn quá lớn như trên khiến dư luận ồn ào suốt thời gian qua. Không ít người đặt câu hỏi liệu có nên xây một bảo tàng hoành tráng vào lúc này? PGS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, cho rằng nhu cầu xây dựng Bảo tàng LSQG là có thực, chỉ có điều tổ chức hoạt động như thế nào cho hiệu quả, tránh lãng phí.

Lý giải về những bảo tàng ngàn tỉ đang hoạt động èo uột, không có người xem như Bảo tàng Hà Nội, Bảo tàng Quảng Ninh, PGS Nguyễn Văn Huy cho rằng đó chính là sai lầm của cơ chế. Hầu hết các dự án xây dựng bảo tàng đều do Bộ Xây dựng hoặc sở xây dựng các địa phương làm chủ đầu tư trong khi việc này lẽ ra thuộc về Bộ VH-TT-DL hay sở VH-TT-DL các địa phương, kể cả đơn vị bảo tàng. “Những người làm chuyên môn về bảo tàng đã bị tách ra khỏi quá trình xây dựng bảo tàng. Đó chính là mấu chốt dẫn đến những sai lầm, làm cho việc xây dựng tòa nhà và trưng bày về nội dung không xứng với nhau, chậm tiến độ hay chất lượng không như mong muốn” - ông Huy nhấn mạnh.

Theo PGS Nguyễn Văn Huy, cần bỏ tư duy làm bảo tàng theo kiểu “may áo khi chưa thấy người” và việc “may áo” này giao cho những “thợ” không chuyên. Nói cách khác, không thể giao việc nghiên cứu hiện vật, xây dựng lộ trình tham quan, nội dung câu chuyện, lựa chọn hiện vật... của bảo tàng cho ban quản lý xây dựng bảo tàng như cách làm hiện nay. Cần biết, chính vì cách làm này, sau hơn 5 năm hoạt động, Bảo tàng Hà Nội vẫn không làm nổi nhiệm vụ của mình, gần như bị bỏ không do không có người đến. Bảo tàng ngàn tỉ ở Quảng Ninh cũng gặp những sai lầm tương tự.

Xóa bỏ cách làm, tư duy cũ

“Việc xây dựng Bảo tàng LSQG muốn làm tốt thì tới đây phải kiến nghị với nhà nước thay đổi cơ chế quản lý. Dự toán xây dựng, trưng bày dựa trên những tư liệu, hiện vật cụ thể, đã có thay vì chỉ mường tượng những hiện vật chưa có để vẽ ra thiết kế” - PGS Nguyễn Văn Huy góp ý.

Chuyên gia này cho biết vấn đề đáng bàn hiện nay không phải là làm bao nhiêu tiền mà là cách làm bảo tàng, cách quản lý các công trình bảo tàng như thế nào để có thể tạo ra những bảo tàng tốt. Có những bảo tàng rất nhỏ nhưng chất lượng cao vì tuân thủ đúng nguyên tắc làm bảo tàng. Giám đốc bảo tàng cần chịu trách nhiệm chính về đứa con tinh thần của mình và phải ứng xử với xây dựng và trưng bày bảo tàng như một sự sáng tạo đa lĩnh vực, ở đó đặc biệt đề cao tính khoa học và tính nghệ thuật chứ không phải chỉ nghĩ thuần túy là xi măng, sắt thép với đơn giá xây dựng cơ bản như quy định hiện nay của Bộ Tài chính.

“Phải tư duy sáng tạo với sự kết hợp đa lĩnh vực, đa ngành thì mới cho ra được trưng bày đẹp, hấp dẫn lòng người. Còn nếu vẫn giữ cách làm, tư duy và cách quản lý cũ thì dù đầu tư 11.000 tỉ đồng hay hơn nữa vẫn sẽ cho ra bảo tàng đơn điệu, không ai xem. Đó là sự lãng phí” - ông Huy đúc kết.

Chưa thoát khỏi đề cương sách giáo khoa

Việc xây dựng bảo tàng và nội dung trưng bày luôn phải song hành với nhau. Đây là phương pháp khoa học mà các bảo tàng nổi tiếng trên thế giới áp dụng. Trong khi đó, với Bảo tàng LSQG, lộ trình xây dựng nội dung không chạy theo được lộ trình kiến trúc. Cho rằng cách làm trên là không khoa học,  PGS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh ông chưa nhìn thấy những tư duy đột phá từ đề cương trưng bày để tạo ra được một bảo tàng thực sự mới, thực sự hấp dẫn. “Tôi thấy nó vẫn được trình bày chưa thoát khỏi đề cương trong sách giáo khoa. Sách giáo khoa hay sách sử nói sao thì tổ chức trưng bày y như thế chứ chưa căn cứ vào hiện vật mà bảo tàng có, chưa vận dụng được cách tiếp cận đa chiều, đa giọng nói trong việc giải thích các sự kiện lịch sử” - ông Huy nhận xét.

Yến Anh (Người Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem