Kỳ vọng giá hàng hóa giảm, khi túi tiền người dân đã vơi nhiều sau hai năm Covid-19

Hồng Phúc Thứ năm, ngày 04/08/2022 12:11 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, giá nhiều mặt hàng sẽ giảm trong giai đoạn nửa cuối năm.
Bình luận 0

Trước tình hình giá hàng hóa vẫn neo cao dù giá xăng đã giảm 4 lần liên tục với tổng mức giảm hơn 7.000 đồng/lít, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ và tăng giá bất hợp lý.

Các doanh nghiệp và chuyên gia kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, giá nhiều mặt hàng sẽ giảm trong giai đoạn nửa cuối năm.

Kỳ vọng giá hàng hóa giảm nửa cuối năm

Ông Trương Tiến Dũng - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cho rằng đây là sự quyết liệt của Chính phủ trong việc kiềm hãm giá tiêu dùng trong thời gian tới.

"Ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi rất phấn khởi, tôi nghĩ với chủ trương chung như vậy, một số đầu vào như vốn, điện, nước kể cả nguyên liệu sẽ có tác động, tuy có độ trễ nhưng sẽ giảm giá thành sản phẩm, giảm sức ép cho người tiêu dùng", ông Dũng nói.

Kỳ vọng giá hàng hóa giảm, túi tiền người dân đã vơi nhiều sau hai năm Covid-19 - Ảnh 1.

Người dân thắt chặt chi tiêu, đắn đo mua sắm hơn khi giá các loại hàng hóa vẫn neo cao. Ảnh: Hồng Phúc

Theo ông, với các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm, giá xăng dầu chỉ là một yếu tố đầu vào trong khi doanh nghiệp phụ thuộc nguyên liệu, bao bì, tiền nhân công, điện nước. Trong các chi phí này, giá nguyên liệu đầu vào chiếm nhiều nhất nhưng hiện hầu như chỉ mới có giá xăng là hạ nhiệt.

Ông cũng phân tích thêm giá nguyên liệu đầu vào chưa thấy giảm vì sản xuất trong nước chưa phục hồi hoàn toàn sau dịch, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, đó là lý do lớn nhất khiến giá nguyên liệu vẫn neo cao. Điều này khiến các doanh nghiệp sản xuất lương thực thực phẩm thời gian qua chịu rất nhiều áp lực.

Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM đánh giá giá xăng giảm liên tiếp là tín hiệu đáng mừng. Giá xăng giảm sẽ giúp chặn đà tăng của giá hàng hóa. 

Cùng với sự vào cuộc của Chính phủ, ông kỳ vọng từ nay đến cuối năm, hàng hóa trong lĩnh vực tiêu dùng được kiểm soát được, một số mặt hàng vòng đời ngắn như con giống, vật nuôi khi đưa ra thị trường giá cả sẽ trở lại bình ổn.

Người dân mong giá hàng hóa hợp lý

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng Việt Nam đang trong giai đoạn khôi phục, phát triển sau Covid-19, người dân và doanh nghiệp cần bình ổn giá hàng hóa để xây dựng và phát triển kinh doanh. 

Ông đánh giá quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành cùng rà soát, kiểm soát giá hàng hoá, dịch vụ, không để xảy ra găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý là quyết định hợp lý, kịp thời.

Kỳ vọng giá hàng hóa giảm, túi tiền người dân đã vơi nhiều sau hai năm Covid-19 - Ảnh 3.

Thịt heo là một trong những mặt hàng đang giữ mức giá cao hiện nay. Ảnh: Hồng Phúc

Theo chuyên gia, yêu cầu của Thủ tướng như "cờ lệnh", buộc các bộ ngành, cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc, đảm bảo tính đồng bộ. Cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm cao hơn trong việc kiểm soát giá.

"Từ giờ đến cuối năm chỉ còn 5 tháng nếu để thả nổi mà không có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thì dẫn đến mặt bằng giá tăng cao và đu theo giá xăng dầu. Giá xăng tăng, họ dựa vào đó để tăng giá. Họ tăng theo kiểu té nước theo mưa, xăng đã giảm nhưng giá không giảm. Đây là bất hợp lý", ông Dũng nói.

Theo ông, giá một mặt hàng tăng lên là ảnh hưởng hàng triệu người, không kiểm soát được việc "té nước theo mưa" thì rất khó cho người tiêu dùng.

Việc kiểm soát giá trong thời điểm này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp chân chính yên tâm sản xuất, giúp ổn định kinh tế vĩ mô ít nhất là đến Tết. 

"Với yêu cầu của Thủ tướng, các cơ quan chức năng sẽ có trách nhiệm cao hơn. Người dân sẽ yên tâm hơn cho dịp cuối năm. Cuối năm, nhiều doanh nghiệp dựa vào việc nhu cầu tăng, hàng khan hiếm nên tăng giá. Các năm trước, việc này có thể bình thường nhưng hiện túi tiền của người dân sau hai năm dịch đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Người dân đều mong muốn hàng hóa có mức giá ổn định, hợp lý", ông Dũng nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem