Kỳ vọng sức trẻ đẩy lùi đói nghèo

Thứ sáu, ngày 25/03/2011 20:56 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - NTNN phỏng vấn ông Nguyễn Đăng Minh - quyền Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên - Bộ Nội vụ về Dự án "Đưa 600 trí thức trẻ về làm Phó Chủ tịch UBND xã của 62 huyện nghèo".
Bình luận 0

Tạo cơ chế cho trí thức trẻ dấn thân

img

Thanh niên tình nguyện tham gia sản xuất phát triển kinh tế tại xã nghèo ở Lai Châu.

Theo ông Minh, sau khi được Thủ tướng phê duyệt, dự án đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài nước. Nếu dự án thành công, sẽ tạo ra cơ chế rất hợp lý, tạo điều kiện cho người trẻ tuổi phấn đấu và rèn luyện bản thân. Những trí thức trẻ (TTT) dám rời bỏ những nơi phồn hoa về với đồng bào vùng sâu, vùng xa cùng bà con xóa đói giảm nghèo là rất đáng trân trọng.

Tiêu chí và quy trình lựa chọn 600 TTT được thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Có 5 tiêu chí để tuyển chọn: Đó phải là những thanh niên dưới 30 tuổi; có trình độ đại học phù hợp với chuyên ngành mà địa phương cần; có lý lịch rõ ràng; sức khỏe tốt; có tinh thần tình nguyện, xung kích dám chịu khó, chịu khổ đi bất cứ nơi đâu.

Hiện, Bộ Nội vụ đang chờ sự phê duyệt của các cấp có thẩm quyền về quy trình xét tuyển. Theo đó, Bộ Nội vụ là cơ quan quản lý dự án, trực tiếp thực hiện và đưa ra cơ chế chính sách hướng dẫn kiểm tra, giám sát, tổ chức tuyển chọn. Đưa các TTT về xã công tác là trách nhiệm của UBND các tỉnh. TTT sẽ tiếp cận với đề án qua cổng thông tin điện tử Chính phủ và Bộ Nội vụ. Hồ sơ sau khi đăng ký được gửi về tỉnh mình lựa chọn công tác. Sở Nội vụ địa phương tham mưu giúp UBND tỉnh tập hợp hồ sơ và tiến hành xét tuyển. Sau khi hoàn thành công tác xét tuyển, danh sách sẽ được gửi về Ban Quản lý Dự án thuộc Bộ Nội vụ để làm công tác thẩm định và lựa chọn.

Đừng ngại mình quá trẻ

Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tháng 3, hiện nay đang lên kế hoạch triển khai thí điểm tại 5 tỉnh: Cao Bằng, Điện Biên, Kom Tum, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trong năm 2012, sẽ thực hiện đại trà ở các xã còn lại của 62 huyện nghèo trong cả nước.

Ngoài khó khăn về điều kiện công tác, các TTT còn phải đối mặt với việc thiếu kỹ năng làm lãnh đạo, theo ông cán bộ trẻ cần làm gì để có được tiếng nói?

- Sau khi trúng tuyển, Bộ Nội vụ sẽ tổ chức khoá đào tạo 2 tháng cho các TTT (gồm cả lý thuyết và đi thực tế tại xã nghèo). Sau khoá học các bạn sẽ có những kỹ năng cần thiết, các yêu cầu, hiểu biết về chức vụ Phó Chủ tịch xã. Tuy nhiên, các TTT không nên lo ngại về việc mình… quá trẻ, không có tiếng nói. Bởi lẽ, khi thăm dò khảo sát lấy ý kiến các địa phương, hầu hết lãnh đạo xã nghèo đều rất mong muốn và chào đón người trẻ - những người có trình độ, có tinh thần xung kích, năng lực và phẩm chất đạo đức.

Ông có kỳ vọng lớn hơn cho dự án này không? Ví dụ: Nhiều hơn 600 TTT; và không chỉ ở 62 huyện nghèo?

- Đây mới chỉ là một cơ chế thí điểm, kỳ vọng này còn phải liên quan đến vấn đề chính sách pháp luật của nhà nước ta. Hiện nay, mỗi xã được tối đa 2 phó chủ tịch, nếu thêm một phó chủ tịch nữa sẽ phải sửa đổi nhiều văn bản pháp luật khác. Vì vậy, trong khuôn khổ đề án này chúng tôi cố gắng làm tốt những yêu cầu đã đề ra.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem