Trồng thanh long an toàn sinh học
Những ngày giữa tháng 11, chúng tôi đến vùng gò đồi thôn Tân Thủy (xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh) thăm gia đình ông Nguyễn Xuân Đức - xã viên Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy. Ông Đức là hộ tham gia dự án ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong sản xuất thanh long ruột đỏ theo hướng an toàn sinh học do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ.
Những hộ dân tham gia dự án đang tích cực trồng, chăm sóc thanh long theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ảnh: N.V
"Nếu dự án thành công, nông dân mong muốn sẽ được hỗ trợ thêm để mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ vào sản xuất, tạo ra vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ”.
Ông Nguyễn Quang Hạnh -
Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy
|
Tay bắt mặt mừng, người nông dân 54 tuổi này cho biết, xưa nay gia đình ông chỉ trồng rừng tràm, cao su, chăn nuôi bò, gà… nên khi nghe có dự án hỗ trợ trồng thanh long ruột đỏ, ông vừa mừng vừa lo.
Mừng là vì giá cao su đang xuống thấp, thu nhập không cao như xưa nên có loại cây mới để trồng trọt sẽ là một hướng tháo gỡ khó khăn. Lo là vì chưa bao giờ trồng thanh long ruột đỏ, sợ không thực hiện được. Trong lúc băn khoăn lo lắng, ông Đức được cán bộ dự án động viên, khuyến khích trồng nên đã mạnh dạn tham gia.
Ở thôn Tân Thủy có 13 hộ khác tham gia dự án trồng thanh long ruột đỏ trên diện tích 2,6ha. Mỗi hộ tham gia dự án được hỗ trợ 40% chi phí giống và trụ bê tông, 20% chi phí phân bón để trồng 355 gốc thanh long ruột đỏ trên diện tích 2.000m2.
Ông Đức cho biết, cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật, ông đã đúc hơn 200 cột bê tông cao 1,7 - 1,8m (chôn sâu 0,5m), kích thước vuông 20 - 22cm. Mỗi trụ bê tông trồng 4 hom thanh long, khoảng cách trồng 3 x 3m. Tuy thanh long là cây chịu hạn tốt nhưng nắng hạn kéo dài sẽ làm giảm khả năng sinh trưởng và năng suất, nên theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật dự án, ông Đức đã thường xuyên tưới nước cho thanh long. Tới đây, nếu thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, ông Đức còn dự định đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm.
Theo ông Đức, vấn đề phân bón cho thanh long được cán bộ dự án hết sức quan tâm. Dự án trồng thanh long theo hướng hữu cơ nên cán bộ kỹ thuật khuyến cáo nông dân dùng phân chuồng, phân hữu cơ để tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng. Hiện tại, ông Đức nuôi khoảng 1.000 con gà, ngan và 4 con bò nên lượng phân chuồng để xử lý bón cho thanh long rất dồi dào. Bên cạnh đó, đến chu kỳ bón thúc, ông Đức sẽ bón thêm các loại phân vi sinh theo tỷ lệ đã được hướng dẫn.
Ông Trần Văn Phẩm (54 tuổi, thôn Tân Thủy) - xã viên Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy, là người đã trồng 3 sào (1.500m2) với 150 gốc thanh long ruột đỏ, thu hoạch được một năm nay. Theo ông Phẩm, chất lượng thanh long trồng ở vùng đất Tân Thủy được khách hàng đánh giá thơm ngon hơn nhiều vùng đất khác. Tuy nhiên, do kỹ thuật trồng, chăm sóc còn giản đơn nên năng suất chưa cao, chỉ khoảng 20kg/gốc; giá bán trung bình 15.000 đồng/kg.
Theo ông Phẩm, cách trồng thanh long do cán bộ dự án hướng dẫn rất chi tiết, áp dụng chuẩn kỹ thuật nên hứa hẹn cho năng suất, chất lượng cao hơn cách trồng truyền thống, giản đơn mà ông và một số hộ dân trong vùng đã áp dụng mấy năm nay.
“Dự án đã hỗ trợ cho tôi trồng 355 gốc thanh long ruột đỏ, tôi rất mừng và sẽ thực hiện đúng kỹ thuật mà cán bộ dự án hướng dẫn” – ông Phẩm nói.
Để nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích, theo ông Phẩm, nông dân cần trồng xen các loại cây ngắn ngày như nghệ, gừng giữa vườn thanh long.
Cần hỗ trợ đầu ra
Ông Nguyễn Quang Hạnh - Giám đốc Hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy cho biết, dự án trồng thanh long ruột đỏ do Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ rất thiết thực với người dân. Những hộ tham gia dự án đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tận tình, cầm tay chỉ việc nên rất phấn khởi, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, hứa hẹn cho những vụ mùa thanh long năng suất, chất lượng cao. Tuy nhiên, vấn đề người nông dân đang lo lắng là tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Hiện nay, thanh long mà nông dân thu hoạch từ các vườn trồng trước đây (không thuộc dự án) phải gửi đi nhiều nơi nhờ bán giúp, hoặc tự rao bán trên mạng xã hội… là những cách thức tiêu thụ không bền vững. Vì vậy, những hộ tham gia dự án mong muốn được cơ quan chức năng, đặc biệt là Hội ND hỗ trợ về mặt pháp lý, đăng ký nhãn hiệu…, đồng thời tìm và giới thiệu nơi tiêu thụ ổn định, giúp tăng giá trị sản phẩm.
“Nếu dự án thành công, nông dân mong muốn sẽ được hỗ trợ thêm để mở rộng diện tích, đầu tư công nghệ vào sản xuất, tạo ra vùng nguyên liệu theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ” – ông Hạnh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.