Tại "lá chắn" Covid-19 cuối cùng ở Hà Nội ngày giáp Tết: Những người tình nguyện "bỏ Tết" chống dịch (bài 3)

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 24/01/2022 06:00 AM (GMT+7)
Tại nơi mỗi ngày điều trị cho hơn 500 bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch, những nhân viên y tế trẻ như chị H Mớt Mie hay nữ sinh viên Bảo Anh đã sẵn sàng "bỏ Tết"...
Bình luận 0

"Là nhân viên y tế, mình không đi ai sẽ là người đi"

Tình nguyện tham gia chống dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nhiều ngày nay, chị H Mớt Mie (25 tuổi, dân tộc Ê Đê, quê Đắk Lắk) cho biết, chị đang là bác sĩ khoa Hồi sức Bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hoà. Dịch bệnh tại Hà Nội phức tạp, chị Mie được bệnh viện cử tình nguyện tham gia chống dịch cũng như học tăng cường hồi sức tích cực cho bệnh nhân suy hô hấp.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Những người tình nguyện "bỏ Tết" chống dịch nơi tuyến đầu đầy cam go (bài 3) - Ảnh 1.

Nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chăm lo cuộc sống cho người bệnh từng ngày từng giờ tại nơi đang căng thẳng nhất. Ảnh: Gia Khiêm

Trên khuôn mặt mướt mồ hôi, chị Mie cho biết: "Lúc đầu đi chống dịch mẹ khuyên ngăn. Nhưng tôi nói với mẹ mình là nhân viên y tế, nếu mình không đi ai sẽ là người đi. Thấy tôi quyết tâm, mẹ đã đồng lòng. Có vào đây, chúng tôi mới thấy sức nóng căng thẳng khi điều trị cho những bệnh nhân rất nặng. Họ có thể tử vong bất cứ lúc nào. Tại bệnh viện, tôi tham gia hỗ trợ các bác sĩ theo dõi bệnh nhân, chăm sóc bệnh nhân cũng như trực tiếp tham gia điều trị cùng bác sĩ. Nếu so với tuyến dưới, khối lượng công việc tại đây áp lực hơn rất nhiều, toàn ca rất nặng, giám sát mới điều trị được", Mie nói.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Những người tình nguyện "bỏ Tết" chống dịch nơi tuyến đầu đầy cam go (bài 3) - Ảnh 2.

Sức nóng khi mặc đồ bảo hộ khiến khuôn mặt H Mớt Mie thấm đẫm mồ hôi mặc dù ngoài trời đang lạnh. Ảnh: Gia Khiêm

Chị Mie cho biết sẽ hỗ trợ công việc tại đây đến cận Tết, sau đó tiếp tục về bệnh viện nơi mình công tác tham gia chống dịch. 

"Năm nay, tôi sẽ không đón Tết bên gia đình ở quê. Gia đình luôn động viên cố gắng. Mình đã lựa chọn con đường này thì phải hy sinh so với người khác hơn một xíu, tất cả vì người bệnh", chị Mie chia sẻ.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Những người tình nguyện "bỏ Tết" chống dịch nơi tuyến đầu đầy cam go (bài 3) - Ảnh 3.

Bác sĩ động viên người bệnh yên tâm điều trị. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, nữ nhân viên này chia sẻ, khi điều trị tại bệnh viện, chị đặc biệt chú ý tới các ca sản phụ. Mie từng trực tiếp chứng kiến có bệnh nhân vượt qua được về cùng gia đình, nhưng có những người không thể qua khỏi.

"Có trường hợp hai đứa con được cứu sống nhưng mẹ không qua được. Tôi trực tiếp tham gia hỗ trợ trường hợp đó. Là bác sĩ đã không ít lần nhìn thấy sinh ly từ biệt nhưng chứng kiến hình ảnh đó, chúng tôi đã khóc. Lúc đó, các bác sĩ thực sự thấy mình bất lực", chị xúc động nhớ lại. 

Nữ sinh viên và những trải nghiệm "không có trên sách vở"

Đang là sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Ngô Thị Bảo Anh (21 tuổi, quê Phú Thọ) tình nguyện tham gia chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán này. Bảo Anh chia sẻ, những ngày vừa qua, khi làm việc tại Khoa Hồi sức tích cực, cô mới thấm hiểu hết những điều mà các y, bác sĩ làm việc tại đây. Mọi người như "cái máy" cứu chữa cho bệnh nhân.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Những người tình nguyện "bỏ Tết" chống dịch nơi tuyến đầu đầy cam go (bài 3) - Ảnh 4.

Đang là sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai, Ngô Thị Bảo Anh có trải nghiệm khó quên khi trực tiếp tham gia chống dịch tại nơi nhiều bệnh nhân nặng, nguy kịch. Ảnh: Gia Khiêm

"Thực sự làm việc ở đây, cảm xúc của tôi thật đặc biệt, khác nhiều so với học trên sách vở. Thời gian đầu, tôi cảm thấy chưa quen, nhưng sau một thời gian, tôi đã thích nghi được. Năm nay tôi ăn Tết tại bệnh viện, là năm đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng đây cũng là trải nghiệm khó quên của một sinh viên ngành y như tôi", Bảo Anh bày tỏ.

Tại "lá chắn" cuối cùng ở Hà Nội: Những người tình nguyện "bỏ Tết" chống dịch nơi tuyến đầu đầy cam go (bài 3) - Ảnh 5.

Bảo Anh kiểm tra lại đường ống chuyền cho bệnh nhân. Ảnh: Gia Khiêm

Công việc chăm sóc bệnh nhân gần như luôn tay luôn chân nên khi bước vào ca trực, Bảo Anh gần như không có phút nghỉ ngơi. Trong ca trực, khi có dấu hiệu gì bất thường, nữ sinh viên lập tức báo cho các bác sĩ cũng như nhân viên điều dưỡng kịp thời can thiệp, điều trị.

"Qua việc tham gia chống dịch thế này, tôi học hỏi được nhiều điều. Tôi mong sao số lượng bệnh nhân nặng sẽ giảm, từ đó sẽ giảm tải cho nhân viên y tế. Công việc mệt nhọc là vậy nhưng tôi quyết tâm sẽ theo đuổi nghề y. Nghề mà tôi yêu và đặt niềm tin sẽ chữa trị được cho nhiều bệnh nhân, để sự sống được nảy nở", Bảo Anh nói.

"Chúng tôi mong Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn, người dân cùng phòng chống dịch, hạn chế tình trạng ca nặng. Hy vọng bệnh nhân sớm khoẻ mạnh để về đón Tết cùng gia đình", cả chị Mie và Bảo Anh đều cùng bày tỏ.

Còn nữa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem