Lá dong, lá tre, lá chuối... xuất ngoại, doanh nghiệp thu về hàng triệu USD

Minh Huệ Thứ năm, ngày 20/10/2022 06:00 AM (GMT+7)
Chuối, tre, sắn, dong… là những là loài cây dân dã, được trồng rộng rãi trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Nhiều bộ phận của những loài cây này, nhất là phần lá xưa nay chủ yếu bỏ đi.
Bình luận 0

Tuy nhiên với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, việc tìm mua những loại lá này rất khó vì ít nơi bán. Nắm bắt được điều này, nhiều doanh nghiệp đã thu mua lá dong, lá chuối, lá tre... để xuất khẩu, thu về hàng triệu USD.

Những loại lá vốn bỏ đi, đắt hàng ở nước ngoài

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam (Hà Nội) cho biết, vài năm gần đây, Ameii thường xuyên có đơn hàng xuất khẩu các loại lá đi nước ngoài, như lá chuối, lá dong, lá nếp, lá chanh… 

Ngoài ra, công ty cũng xuất khẩu một số mặt hàng khác như củ sả, hành tím, tỏi, gừng, riềng... Sản lượng xuất khẩu mỗi loại từ 5 - 10 container (khoảng 250 tấn).

Đưa lá chuối, lá chanh… xuất ngoại,   thu hàng triệu đô  - Ảnh 1.

Sơ chế lá dong để xuất khẩu tại Công ty CP Ameii Việt Nam (trụ sở tại quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ảnh: T.L

Theo bà Hồng, các loại lá chuối, lá tre, lá chanh, lá sắn ở Việt Nam rất phổ biến, nơi nào cũng trồng được nên có giá bán rất rẻ. Thậm chí nếu không phải vào ngày rằm, lễ hội hay dịp Tết Nguyên đán, những loại lá này thường bỏ đi. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, Hàn Quốc, hay châu Âu, những loại lá này rất hiếm, có giá bán đắt đỏ.

Bà Ngô Thị Thu Hồng cho biết, các mặt hàng lá cây và củ của Việt Nam xuất khẩu khá phong phú, nhưng chủ yếu làm theo thời vụ. Nhất là các loại lá dong, lá chuối, lá tre thường được dùng làm bánh, gói giò, chả nên Ameii thường xuất khẩu tập trung vào thời điểm cuối năm và giáp Tết Nguyên đán. Vì vậy, sản lượng chưa nhiều, giá thu mua cũng không ổn định.

"Có thời điểm, chúng tôi thu mua củ sả xuất khẩu giá 12.000 đồng/kg, trong khi nếu bà con đem ra chợ bán chỉ được 2.000 đồng/kg. Tương tự, lá chuối thu mua trong nước hiện khoảng 10.000 đồng/kg, lá dong 750 - 800 đồng/lá. Mặc dù lâu nay nhiều loại lá bà con thường vứt đi, nhưng khi chúng tôi cần thì không phải lúc nào cũng có hàng, phải đi vét sạch hết các vùng trồng" - bà Hồng nói.

Tương tự, mỗi ngày Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trúc Lâm Phát (tỉnh Bình Dương) cũng thu mua khoảng 20.000 lá dong, 0,5 tấn lá chuối để xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản. 

Theo doanh nghiệp này, lá dong, lá chuối được thu mua tại các trang trại lớn rồi đem về sơ chế, loại bỏ lá rách, không đủ kích cỡ, đưa qua hệ thống ngâm sục khí ozone để khử khuẩn, làm giảm nhiệt độ bề mặt lá, giúp lá không bị héo úa, vàng ủng khi bảo quản chờ đưa vào sản xuất. 

Đưa lá chuối, lá chanh… xuất ngoại,   thu hàng triệu đô  - Ảnh 3.

Lá được cuộn lại, đóng gói quy cách 0,5 - 1kg. Sau đó sản phẩm được hút chân không, cấp đông ở -18 độ C trước khi đưa đi xuất khẩu.

Nắm bắt được nhu cầu thu mua lá chanh của các doanh nghiệp để xuất sang thị trường châu Âu, mấy năm nay 2 anh Lê Kim Tiến và Nguyễn Văn Hiệp (ngụ ấp 6, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) đã hùn vốn cùng nhau trồng 1.000 cây chanh Thái trên khu đất rộng 5ha (nằm trong trang trại rộng gần 30ha do anh Tiến làm chủ). 

Nhưng thay vì trồng chanh thu trái như bình thường, 2 anh Tiến và Hiệp đặt mục tiêu trồng chanh để hái lá, bán lá với quy mô lớn, cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Nhờ đầu tư bài bản, áp dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào khâu trồng, chăm sóc nên cây chanh phát triển thuận lợi, lá luôn xanh tốt. Hiện vườn chanh cho thu hoạch lá ổn định với trung bình khoảng 1 tấn lá/quý. 

Giá lá chanh tươi được thu mua tại vườn dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg, chủ yếu doanh nghiệp thu mua để chưng cất làm tinh dầu, phục vụ xuất khẩu sang các nước châu Âu, châu Á.

Anh Hiệp cho hay, ngoài bán lá chanh Thái tươi, công ty của anh còn sấy khô nguyên lá, thái sợi và xay thành bột, cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm, gia vị. Còn lá chanh tươi chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn để sử dụng chế biến các món ăn.

"Công ty chúng tôi không chỉ phân phối lá chanh tươi cho thị trường trong nước mà còn xuất khẩu đi những thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Canada. Hiện một số doanh nghiệp đã gửi đến đơn đặt hàng với số lượng khá lớn" - anh Hiệp cho hay.

Doanh nghiệp muốn tăng thu mua cũng khó

Đưa lá chuối, lá chanh… xuất ngoại,   thu hàng triệu đô  - Ảnh 4.

Lá tre tươi được thương lái thu mua về rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong, vênh, sau đó bán cho các doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu.

Bà Ngô Thị Thu Hồng - Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii cho rằng, thực tế cho thấy nước ta có rất nhiều loại lá có thể xuất khẩu ra nước ngoài, góp phần giải quyết bài toán luân canh của bà con nông dân. Nhưng hiện nay bà con chủ yếu trồng xen chứ chưa có vùng tập trung, vì vậy doanh nghiệp muốn phát triển, đẩy mạnh thu mua cũng khó.

Ví dụ, đối với lá dong, bà con thường tận dụng đất trống trong vườn nhà, ven đồi để trồng và phục vụ nhu cầu làm bánh của gia đình là chính, và chủ yếu là dịp lễ, tết. Vì thế cây dong ít được đầu tư chăm sóc bài bản, sản lượng thu hoạch không lớn, chất lượng lá cũng không đồng đều. Nhiều lúc có đơn hàng lớn, kể cả củ sả, hành tím, doanh nghiệp phải vào tận miền Nam thu mua.

Đưa lá chuối, lá chanh… xuất ngoại,   thu hàng triệu đô  - Ảnh 5.

Các sản phẩm lá chuối, lá tre của Việt Nam đã được xuất khẩu đi nhiều nước, mang về hàng triệu USD mỗi năm. Ảnh: T.L

"Hiện nay, thị trường tiềm năng nhất là Nhật Bản, Hàn Quốc, họ thu mua nhiều và thu mua với giá cao. Vận chuyển bằng đường biển nên khá thuận lợi, còn thị trường châu Âu có thu mua nhưng vì phải đi đường máy bay, tốn kém nhiều chi phí và phải đảm bảo nhiều chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản lượng xuất khẩu không được nhiều" - bà Hồng thông tin. 

Về tiêu chuẩn, bà Hồng cho biết, tuỳ theo từng thị trường, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều chỉ tiêu khác nhau, gồm kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng các loại hoá chất cấm, kiểm soát các chỉ tiêu về vi sinh vật, sản phẩm nào phải có tiêu chuẩn của sản phẩm đó để test từ vùng trồng, đạt tiêu chí mới thu mua.

"Hạn chế hiện nay là bà con trồng chủ yếu tự phát, không có quy hoạch, không theo tiêu chuẩn, nên doanh nghiệp khi thu mua mất nhiều công sức kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Ví dụ, để xuất khẩu lá đi Nhật Bản, chúng tôi phải test tổng cộng hơn 800 chỉ tiêu" - bà Hồng thông tin.

Còn đối với lá tre, hàng xuất khẩu phải là loại lá to, là giống tre Bát độ hoặc bương, chiều ngang khoảng 8,5cm trở lên, chiều dài từ 40cm trở lên và phải có màu xanh tươi, không được rách. Thương lái sau khi thu mua lá tre tươi về rửa sạch, nẹp thành nẹp dài cho đỡ cong, vênh rồi hong nắng, sau đó cho vào lò sấy, phân loại bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chia sẻ thêm về câu chuyện xuất khẩu lá bương, ông Bùi Văn Chuyện - Chủ tịch UBND xã An Phú (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, An Phú là xã miền núi còn nhiều khó khăn. 70% dân số là đồng bào dân tộc Mường. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều hộ gia đình đã giàu lên, thậm chí thành tỉ phú là nhờ vào việc thu hoạch lá bương xuất khẩu.

Lá tre hay lá bương thường được người tiêu dùng Đài Loan, Nhật Bản ưa chuộng để gói bánh, gói thực phẩm, hoặc trang trí món ăn. Hiện, giá của lá tre tươi xuất khẩu của Việt Nam khoảng 10.000 đồng/kg, cạnh tranh nhất so với các quốc gia xuất khẩu khác như Ấn Độ.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam bất ngờ thu lượng ngoại tệ lớn từ việc bán đủ các loại lá, lại là những thứ lá rất bình dân, từ trước đến nay chỉ để bổ sung làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ đi.

Cụ thể, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 1,122 triệu USD, tăng tới 35,8% so với tháng 8/2021; tính chung 8 tháng năm 2022, Việt Nam thu được 6,059 triệu USD nhờ bán đủ thứ lá chuối, lá sắn, lá chuối, lá diễn... cho thị trường thế giới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem