Lạ kỳ truyện kể trên đá về “người đàn ông bảo vệ dương vật”
Lạ kỳ truyện kể trên đá về “người đàn ông bảo vệ dương vật”
Chủ nhật, ngày 11/12/2022 10:18 AM (GMT+7)
Báo chí ngày 8/12 dẫn kết quả nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Antiquity cho biết một phát hiện mới thú vị. Đó là bức chạm khắc trên đá 10.000 năm tuổi, mô tả cảnh một người đàn ông bảo vệ dương vật của mình khi bị thú dữ tấn công.
Điểm đến Sanliurfa (Urfa), Thổ Nhĩ Kỳ đem đến cho du khách những trải nghiệm độc lạ. (Video: Go Türkiye)
Câu chuyện kỳ lạ về "người đàn ông bảo vệ dương vật" trước thú dữ
"Những hình ảnh được chạm khắc để mô tả một câu chuyện, đây là ví dụ (lâu đời nhất) đầu tiên được biết đến về một khung cảnh tổng thể như vậy. Truyện kể qua hình ảnh như vậy giúp hình thành ý tưởng về cuộc sống của con người thời bấy giờ" - Tiến sĩ Aylem Ozdogan thuộc nhóm khảo cổ của Đại học Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết.
Từ năm 2021, nhóm các nhà khảo cổ của Đại học Istanbul đã làm việc tại một địa điểm bên dưới làng Sayburok (Sayburç) thuộc tỉnh Sanliurfa (Şanlıurfa, còn gọi là Urfa) ở phía đông nam Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả các cuộc khai quật cho thấy đây là nơi con người từng sinh sống thời kỳ Neolithic (Đồ Đá Mới), thuộc thiên niên kỷ thứ 9 trước Công nguyên.
Bức chạm khắc 10.000 năm tuổi về "người đàn ông bảo vệ dương vật" là hình khắc tường thuật lâu đời nhất được biết đến. (Ảnh: us.knews.media)
Theo các nhà nghiên cứu, thời kỳ Neolithic (Đồ Đá Mới) chứng kiến sự chuyển đổi quan trọng với việc con người chuyển từ lối sống săn bắt, hái lượm di động sang làm nông nghiệp và sống trong các khu định cư lâu dài như làng Sayburok.
Các bức chạm khắc cổ được nhóm khảo cổ tìm thấy dưới dạng tranh tường dài hơn 3,5m và cao hơn 50cm, được khắc dọc theo bức tường đá vôi phía trên chiếc ghế dài trong một tòa nhà chung thời kỳ Neolithic (Đồ Đá Mới).
Hướng và vị trí của các bức chạm khắc mô tả hai khung cảnh riêng biệt nhưng có liên quan, với hai người đàn ông trong tư thế tự vệ khi bị thú dữ tấn công. Nhân vật chính là một người đàn ông, tay phải cầm dương vật (để duy trì nòi giống) nhằm bảo vệ trước hai con báo hoa mai hung dữ. Một con báo hoa mai đực để lộ dương vật, cong đuôi và nhe hàm răng (được khắc phóng đại) chuẩn bị vồ mồi.
Người đàn ông thứ hai ngồi quay lưng về phía nhân vật chính, cầm một con rắn trong bàn tay sáu ngón của mình. Kẻ tấn công anh ta là một con bò rừng có cặp sừng cũng được chạm khắc phóng đại như răng con báo hoa mai.
"Bằng chứng khảo cổ có thể cung cấp một số hiểu biết sâu sắc về truyền thống của các xã hội trong quá khứ. Nhưng bằng chứng rõ ràng hiếm khi tồn tại, vì thế khám phá này rất thú vị. (Khám phá tại làng) Sayburok với bằng chứng rất rõ ràng có khả năng cho chúng ta biết nhiều điều về thời kỳ Neolithic (Đồ Đá Mới)" - Tiến sĩ Aylem Ozdogan kết luận.
Đây không chỉ là hình chạm khắc lâu đời nhất, mà nghiên cứu của các nhà khảo cổ còn chỉ ra rằng các hình chạm khắc phản ánh mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên và đời sống của các loài động vật bao quanh, cũng như tầm quan trọng của cộng đồng.
Điểm đến Sanliurfa - thành phố của truyện kể và truyền thuyết mê hoặc du khách
Với lịch sử kéo dài hơn 12.000 năm, Sanliurfa (Urfa) - Thủ phủ tỉnh Sanliurfa - là thành phố của truyện kể và truyền thuyết đầy mê hoặc. Sanliurfa (Urfa) còn được gọi là Edessa thời Cổ đại, từng là một phần của các nền văn minh Hy Lạp, Ba Tư (Persian) và La Mã.
Ngày nay Sanliurfa (Urfa) là một trong những nơi tuyệt vời nhất Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chưa bị ảnh hưởng bởi du lịch đại chúng. Sanliurfa (Urfa) được mệnh danh là thành phố của các nhà tiên tri, bao gồm cả là nơi sinh của nhà tiên tri Abraham.
Tới Sanliurfa (Urfa), khách du lịch có nhiều điều để làm và nơi để khám phá như: Gobekli Tepe - ngôi đền cổ nhất thế giới; phố cổ và khu chợ là minh chứng cho thời Ottoman (1299-1923); truyền thuyết về "cá chép thần" tại Pool of the Holy Fish (Hồ cá thiêng); nhiều bảo tàng hấp dẫn và các địa điểm hành hương...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.