Lã Tử Kiếm - vị hiệp khách cuối cùng của Trung Quốc, có gì đặc biệt?
Lã Tử Kiếm - vị hiệp khách cuối cùng của Trung Quốc, có gì đặc biệt?
MA
Thứ ba, ngày 02/01/2024 22:00 PM (GMT+7)
Lã Tử Kiếm tự hào nói rằng mình được Hoắc Nguyên Giáp gọi bằng anh dù nhỏ hơn đến ngoài 20 tuổi. Giải thích về vấn đề này, Lã Tử Kiếm cho biết ông xuất thân là thế gia võ thuật, được xưng là "Thiếu Đông gia".
Lã Tử Kiếm sinh vào năm Quang Tự thứ 19, tại Nghi Xương, Hồ Bắc trong một gia đình nhiều đời theo nghiệp võ, lập ra "Trường Thắng tiêu cục" nổi tiếng. Thời thơ ấu ông đã khổ luyện võ thuật và y thuật. Do có thiên tư lại cộng thêm truyền thống gia đình, Lã Tử Kiếm từ thiếu niên đã nổi danh trong giới võ thuật. Khi đến tuổi thanh niên, tên tuổi Lã Tử Kiếm đã ngang hàng với Hoắc Nguyên Giáp và Đỗ Tâm Vũ. Đồng thời ông còn là anh em kết nghĩa với vị danh tướng truyền kỳ Phùng Ngọc Tường.
Ông tinh thông cả hai phái Võ Đang và Nga Mi, luyện thành công phu "Du thân Bát quái Liên hoàn chưởng". Năm 1920, tại Nam Kinh tổ chức đại hội Đả lôi đài toàn Trung Quốc, Lã Tử Kiếm lúc ấy 27 tuổi lần đầu tiên dự lôi đài đã đoạt ngôi vô địch, từ đó nổi danh khắp nơi. Ông từng đánh chết Tom Newham - cận vệ nổi tiếng giỏi võ và hung tợn của tướng Marshall, chỉ huy quân đội Mỹ tại Trung Quốc dưới sự chứng kiến của Tưởng Giới Thạch và Marshall...
Ông là chủ tịch danh dự Hiệp hội Khí công quốc tế, chưởng môn đời thứ ba của chi phái Tử Tiêu thuộc phái Võ Đang, một trong ba đại võ sư có đẳng cấp wushu cao nhất Trung Quốc: 9 đẳng.
Anh của Hoắc Nguyên Giáp
Lã Tử Kiếm tự hào nói rằng mình được Hoắc Nguyên Giáp gọi bằng anh dù nhỏ hơn đến ngoài 20 tuổi. Giải thích về vấn đề này, Lã Tử Kiếm cho biết ông xuất thân là thế gia võ thuật, được xưng là "Thiếu Đông gia". "Trường Thắng tiêu cục" của gia đình ông rất nổi tiếng với gần 900 võ sĩ, lại có rất nhiều "điểm" (cơ sở) ở nhiều đô thị, vì vậy giới võ lâm đều biết tiếng và tôn trọng. Lã Tử Kiếm lại kết giao với "Tam nhi", tức Thẩm Tam, Bao Tam và Yến Tử Lý Tam là những cao thủ nổi tiếng ở Bắc Kinh, chuyên làm việc "lấy của người giàu chia cho người nghèo".
Lúc ấy, Hoắc Nguyên Giáp ở Thiên Tân rất muốn kết giao với ba người kia, nhưng theo "hành quy" (quy ước riêng trong bang, hội) của giới võ lâm đương thời thì muốn làm quen cao thủ phải có người tiến cử và phải gọi người tiến cử bằng "huynh" bất kể tuổi tác. Vì thế khi Hoắc Nguyên Giáp đến Bắc Kinh chào hỏi Lã Tử Kiếm nhờ giới thiệu với "Tam nhi" thì phải gọi Tử Kiếm bằng "huynh".
Ngày 1/6/1909, Lã Tử Kiếm và võ lâm đồng đạo, Hoắc Nguyên Giáp mở Tinh Võ thể dục hội tại Hồng Khẩu, Thượng Hải, thu nhận nhiều môn đồ cũng là cao thủ các phái như Trần Công Triết, Triệu Thiền Bá, Vương Duy Phiên, Lô Vĩ Xương...
Tinh Võ thể dục hội là tổ chức truyền bá võ thuật hoàn chỉnh nhất Trung Quốc bấy giờ, có tôn chỉ rõ ràng, mục tiêu cụ thể, quản lý và tập luyện theo khoa học, có huy hiệu và cờ riêng, lập giáo trình huấn luyện võ thuật có hệ thống. Nội dung huấn luyện thời kỳ đầu là tập hợp tinh hoa các môn phái Nam, Bắc quyền, đoàn kết phá vỡ lối thủ cựu. Về sau Tinh Võ còn phát triển các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, bóng đá, cầu lông, bắn cung, trượt băng... lớp thanh thiếu niên gia nhập hội rất đông. Tinh Võ còn mở phân hội ở nhiều tỉnh thành khác, khí thế hừng hực, sức ảnh hưởng rất lớn. Quốc phụ Tôn Trung Sơn đánh giá rất cao, tặng 4 chữ "Thượng võ tinh thần".
Lã Tử Kiếm - vị đại hiệp hành hiệp trượng nghĩa
Thời kỳ đầu Dân quốc, quyền vận chuyển trên sông Trường Giang đều nằm trong tay các nước lớn đế quốc. Giám đốc công ty vận tải Dân Sinh là Lư Tác Phu muốn thu hồi quyền vận chuyển. Khi đó người Nhật Bản tuyên bố chỉ cần Trung Quốc có người nào đánh bại lang nhân lãnh tụ của họ thì họ sẽ giao quyền vận chuyển.
Lư Tác Phu mời Lã Tử Kiếm ra tay, cùng lang nhân Nhật Bản quyết đấu ở sân trường quân sự Nghi Xương. Thủ lĩnh lang nhân của Nhật là Hideo Mitsui bị chết ngay tại võ đài. Ngoài ra còn có 2 võ sĩ danh tiếng của Nhật lên đài khiêu chiến nhưng đều bị Lã Tử Kiếm đánh chết ngay tại trận.
Người Nhật theo lời hứa giao lại quyền vận chuyển trên sông Trường Giang, nhưng Lã Tử Kiếm lại vì việc này bị người Nhật thù địch. Tập đoàn võ sĩ Nhật Bản đã không từ thủ đoạn nào truy sát đẫm máu Lã Tử Kiếm. Bản thân Tử Kiếm thoát chết trong gang tấc nhưng người vợ hứa hôn của ông bất hạnh bị chết trong tay lang nhân Nhật Bản.
Sau đó vì sự việc này mà Lã Tử Kiếm nổi danh, được gọi là Trường Giang đại hiệp. Tiếng tăm hành hiệp trượng nghĩa của Lã Tử Kiếm ngày càng nổi, khiến cho Tổng thống Dân quốc khi đó là Tưởng Giới Thạch phải chú ý. Tưởng Giới Thạch đích thân mời ông đến huấn luyện võ thuật. Các vệ sĩ thuộc nhóm "Thập tam thái bảo" của Tưởng Giới Thạch đều từng học qua võ thuật với Lã Tử Kiếm.
Sau khi chiến tranh chống Nhật kết thúc, quan hệ giữa chính phủ Dân quốc với chính phủ Mỹ khá thân mật. Năm 1945, tướng Mỹ Marshall ở Trung Quốc để phối hợp quan hệ hai đảng Quốc - Cộng, đội trưởng đội cận vệ của Marshall là Tom Newham. Ông này cũng là một tay lợi hại, là quyền vương nước Mỹ, thêm nữa là đã xưng bá trong giới quyền thuật nước Mỹ nhiều năm. Sau khi tới Trung Quốc, ông này căn bản không xem võ thuật Trung Quốc ra gì.
Hồi đó, ông ta đặt một lôi đài ở Trùng Khánh, tuyên bố khiêu chiến nhân sĩ võ lâm toàn Trung Quốc. Hành động ngạo mạn này đương nhiên khiến khá nhiều người bất mãn. Một số người biết võ tức giận lên đài khiêu chiến nhưng quyền vương cũng không phải hư danh. Rất nhiều người sau khi lên đài, nhẹ thì bị đánh trọng thương, nặng thì bị chết ngay trên đài.
Khiêu chiến nhiều ngày, mà không gặp đối thủ, Newham càng khinh thường Trung Quốc, bèn nói ra lời xúc phạm rằng người Trung Quốc là "Đông Á bệnh phu". Lã Tử Kiếm vì việc này mấy lần tìm Tưởng Giới Thạch, xin thử sức với quyền vương nước Mỹ nhưng Tưởng Giới Thạch lo lắng quan hệ hai nước nên đều từ chối. Sau đó, một số sĩ quan Mỹ cũng khinh thường võ thuật Trung Quốc và người Trung Quốc. Điều này khiến Tưởng không thể nhẫn nại được nữa. Tưởng đồng ý cho Lã Tử Kiếm tỉ thí. Lã tìm đến chỗ Tom Newham. Trước mặt đông đảo nhân chứng hai người ký vào sinh tử trạng để quyết phân cao thấp, coi thường sinh tử.
Chúng ta đều biết, võ thuật phương Tây lấy sức mạnh làm sở trưởng, đến thẳng đi thẳng, giống như cách suy nghĩ của người Tây. Họ rất khó lý giải sự vòng quanh uyển chuyển lấy nhu khắc cương của văn hóa phương Đông.
Lúc nhìn thấy Lã Tử Kiếm, Tom Newham vẫn kiêu ngạo vì Lã Tử Kiếm khi đó đã là một ông lão 50 tuổi. Sau khi hai người giao thủ, lập tức ác đấu. Thể lực của Lã Tử Kiếm đương nhiên là không địch được Newham. Sau khi ác đấu, ông đã cảm thấy đứt hơi mà Tom Newham chuẩn bị nhân sơ hở tung một cú đấm mạnh đánh tới. Lã Tử Kiếm mắt tinh tâm bình tĩnh dùng môn tuyệt thế công phu đã khổ luyện nhiều năm của mình là bát quái du long chưởng, một chưởng đả thương quyền vương nước Mỹ ngay trên đài. Sau khi Tom Newham bị đánh ngã, đã không thể bò dậy được, 3 ngày sau, ông ta bị trọng thương không chữa được mà tử vong, sự nghiệp quyền vương kết thúc.
Sau trận chiến này, người Mỹ mới lại không dám coi thường võ thuật Trung Quốc. Ngày nay, xã hội phương Tây vẫn tôn sùng võ thuật Trung Quốc, trong tiếng anh có một thuật ngữ là "kongfu" để chỉ võ thuật Trung Quốc, và cũng có nhiều bộ phim thể hiện võ thuật Trung Quốc.
Lã Tử Kiếm tính tình hào phóng, bốn phương hành hiệp trượng nghĩa, do giỏi chuyên khoa trị xương cốt nên ông đã trị cho vô số người ở Thiên Tân, Trùng Khánh ở các nơi khác. Sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa thành lập, Lã Tử Kiếm mở Tử Kiếm võ quán, học sinh rất đông. Dưới võ quán có 8 đại chưởng môn, đệ nhất đại chưởng môn là đại sư võ thuật nổi danh Vương Thanh Hoa, các chưởng môn khác đều là những nhà võ thuật nổi danh ở trong và ngoài nước.
Năm 2012, Lã Tử Kiếm qua đời ở tuổi 118, là vị đại hiệp cuối cùng của Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.