Lạc quan sống của chàng trai Lạng Sơn gọi là 'người ngoài hành tinh'

Thứ hai, ngày 17/06/2019 13:00 PM (GMT+7)
Không răng, lông mày, tóc lưa thưa đỉnh đầu, mặt sần sùi đen sạm, thời nhỏ Hùng (Lạng Sơn) bị bạn bè gọi là 'người ngoài hành tinh'.
Bình luận 0

"Ban đầu bị gọi vậy, em chỉ biết khóc rồi chạy về nhà mách mẹ. Nhưng lâu dần thành quen. Sau bạn bè có gọi em với biệt danh gì nữa em cũng mặc kệ", Hà Đức Hùng, 21 tuổi, hiện là công nhân khu công nghiệp ở Tiên Sơn (Bắc Ninh) kể.

Hùng là con cả trong một gia đình nghèo có 4 con, người dân tộc Tày, ở xã Hùng Điện (Tràng Định, Lạng Sơn). Từ nhỏ đến lớn, cậu chưa bao giờ hiểu vì sao mình lại xấu xí, khác với mọi người trong nhà đến thế. Cho đến 4 năm trước, trong lần đi khám tại một bệnh viện tuyến huyện, bác sĩ chẩn đoán cậu có thể đã nhiễm một loại chất độc từ trong bụng mẹ.

img

Hà Đức Hùng có khuôn mặt khác biệt các thành viên gia đình, mắt nhỏ, không răng. Ảnh: Hải Hiền.

Từ nhỏ, chiếc mũ đã là vật bất ly thân của Hùng để che đi mái tóc chỗ có chỗ không. Trong lớp học, cậu cũng xin được đội mũ. Không biết bao lần Hùng phải ấm ức trèo lên cây, lội xuống ao, chui vào chuồng lợn... để lấy mũ, bởi những trò đùa tai quái của bạn học.

Bị bạn bè xa lánh, cả quãng thời gian đi học 9 năm, Hùng chỉ có một người bạn dám chơi và ngồi cùng bàn, ở gần nhà cậu. 

Tóc thì che bằng mũ, nhưng không có răng thì Hùng chẳng giấu được. 21 năm, cậu chưa bao giờ được dùng bàn chải, hàng ngày chỉ dùng nước súc miệng. Thức ăn quanh quẩn là bún, phở, hoặc cơm nát. 

Trước đây ở quê, cậu chưa dám thử vị của quả táo, ổi, cóc như thế nào bởi chúng quá cứng. "Ra thành phố, em đến quán sinh tố nhờ người ta xay nhuyễn mấy thứ quả đó ra để nếm thử. Chúng rất thơm ngon, khác hẳn những vị mà em từng được ăn trước đây", cậu nói.

Cũng vì không có răng nên Hùng chưa bao giờ cười khi chụp ảnh. Lúc nói chuyện, cậu cũng không dám nhìn thẳng vì sợ mọi người chú ý đến miệng mình. "Có lần đi đám cưới, những người ngồi cùng bàn nhìn chằm chặp khiến em xấu hổ. Từ lần đó, nếu nhà có đám, em luôn chọn ngồi ở góc khuất", cậu kể.

Bà Hà Thị Loan (47 tuổi, mẹ của Hùng) bao lần sờ vào miệng con để kiểm tra, thấy chỉ lợi vẫn mềm mềm. "Từ lúc con 1 - 2 tuổi đến 15 tuổi vẫn sờ lợi mà không thấy răng mọc. Ánh mắt con mong chờ một tin vui từ mẹ, nhưng toàn thất vọng", bà Loan nói.

Cả gia đình 6 người nương tựa vào 4 sào ruộng, nên Hùng buộc phải nghỉ học phụ giúp bố mẹ chăm các em. Tuổi thiếu niên, cậu bé thấp bé ấy đã leo lên những ngọn núi quê nhà lấy củi khô về bán. Mỗi bó củi to hơn cả người mang về cho gia đình được 15.000-20.000 đồng. 

Quá cực, Hùng mong muốn thoát ly để kiếm tiền đỡ đần bố mẹ. Xin việc gần nhà không ai nhận bởi ngoại hình khác biệt, cậu gửi hồ sơ đến nhiều khu công nghiệp cách xa nhà hàng trăm km. "Ở quê ngoài gia đình, ai cũng coi em là người khuyết tật không làm nổi việc gì. Em muốn chứng minh rằng em đủ chân đủ tay, đầu óc bình thường nên có thể làm mọi việc như những người khác".

Những lần bị từ chối Hùng hay ngồi lặng lẽ ở góc sân. "Nhìn cảnh đó xót con lắm. Sinh ra không được như người ta rồi, giờ muốn đi làm kiếm tiền thôi cũng chẳng ai cho cơ hội", bà Loan nghẹn ngào.

Sau hàng chục hồ sơ gửi đi, đến tháng 9/2017, một công ty ở Bắc Ninh nhận Hùng làm lắp ráp điện tử, cho ở ký túc xá. Ngày nhận tin, Hùng chạy ra sau nhà âm thầm khóc, vui "vì cũng có những người không coi mình là kẻ bỏ đi".

Lê Thị Thủy (Tiên Sơn, Bắc Ninh) - bạn thân của Hùng tại nơi làm việc - cho biết, cậu là một chàng trai nghị lực và lạc quan. Cô từng chứng kiến cậu đi qua hàng nước bị đám thanh niên trêu chọc "Ê, thằng dị dạng", nhưng không hề đáp lại. "Cậu ấy bảo không quan tâm nữa, cứ cố gắng làm kiếm tiền về nhà là được", Thủy chia sẻ.

Từ ngày đi làm, hàng tháng vừa nhận được 4,5 triệu đồng tiền lương, Hùng chạy vội ra bến xe gửi 2 triệu về nhà. Số tiền còn lại cậu cho phép mình ăn ngoài 2 bữa mỗi ngày (bữa trưa công ty trợ cấp), chi tiêu lặt vặt và một chút để dành.

img

Chiếc mũ trắng này làm bạn với Hùng mọi nơi, mọi lúc ở công ty. Ảnh: Hải Hiền.

Cao chưa đến 1m50, nặng 48 kg nhưng Hùng có thân hình chuẩn 6 múi và không ốm vặt bao giờ, bởi chăm tập gym. Chỗ tập trong khuôn viên công ty nên cứ đi làm về là cậu đều đến đó. "Hồi mới tới, em bị coi thường lắm. Có anh nói thẳng là: Xấu như mày còn bày vẽ tập luyện. Cũng có người đi qua bĩu môi, cười cợt, nhưng em mặc kệ. Cơ thể mình thì mình phải yêu chứ", cậu cười, khuôn miệng móm mém.

Trẻ con, người lớn quanh khu công nghiệp thường lầm tưởng Hùng là một ông lão. "Họ bảo nhau ở kia có ông lão bị móm tập hay lắm, rồi dẫn nhau qua chỗ em tập để xem", Hùng cười kể lại. Đây là lý do cậu thường xuyên đeo khẩu trang.

Khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng Hùng tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại công ty. "Cậu ấy là người hòa đồng, làm việc nhiệt tình. Có lần công ty tổ chức hoạt động nhặt rác xung quanh khu công nghiệp. Không sợ nắng, sợ bẩn như nhiều người, Hùng tham gia rất hăng hái. Ở đây cậu được nhiều người quý mến bởi tính cách thật thà và chăm chỉ", anh Dương Thanh Tùng, tổ trưởng phụ trách Hùng, cho biết.

Có thu nhập giúp đỡ bố mẹ, chàng trai trẻ giờ chỉ mong muốn trồng được bộ răng giả để tự tin hơn. Tuy nhiên chi phí lên đến hàng trăm triệu, vượt quá khả năng của một công nhân. "Từ nhỏ em chỉ ước mơ là có bộ răng cho giống người bình thường. Hiện tại em chưa đủ tiền, nhưng 10, thậm chí 20 năm nữa thì em sẽ làm được", cậu nói chắc nịch.

Hải Hiền (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem