Lạc vào "mê hồn trận" ở Philippines trước giờ U22 Việt Nam gặp Brunei

Lê Đức - Đàm Duy Thứ hai, ngày 25/11/2019 10:10 AM (GMT+7)
Tôi cứ bước đi như không thể tin vào mắt mình nữa. Từ cảm giác ban đầu hơi ghê tới sự cảm thông, chia sẻ và tiếp theo là sự tò mò. Tôi không hiểu sao con người ở thời đại 4.0 có thể sống trong một môi trường như thế! Cuối cùng, phải đi tới cuối cùng tôi mới thực sự hiểu họ, những con người vốn chỉ thực sự “sống” về đêm!
Bình luận 0

Video cùng lạc vào "mê hồn trận" cùng phóng viên Dân Việt.

Bắt đầu từ con đường Harison

Chúng tôi tới Manila ngày 21/11, một ngày trước khi đội U22 Việt Nam đặt chân tới Philippines để chính thức ghi dấu tại SEA Games 30. Thời gian trống khá nhiều nơi đất khách đã thúc giục tôi tìm hiểu Manila có khác gì những vùng đất khác mà tôi đã may mắn được tới, được cảm nhận.

Tôi từng tới Bacolod năm ngoái và hiểu phần nào về người dân Philippines thân thiện với những nụ cười mến khách. Tôi càng củng cố thêm về một điều gì đó vô cùng lãng mạn khi có một người em gái thân từng sang Manila du lịch nói: Manila đẹp lắm, ngoài đường không có khói bụi, không có rác đâu!

Thực tế thì tôi đã bị “sốc” khi tự mình trải nghiệm những gì đang diễn ra ở Manila – thời điểm mà SEA Games 30 chỉ còn mấy ngày nữa là sẽ khai mạc.

Căn chung cư Vista Taft nơi tôi ở gần Khu Liên hợp thể thao Memorial Rizal, bao gồm một tổ hợp công trình phục vụ SEA Games, trong đó có sân Rizal Memorial.

Nơi tôi ở cũng gần khách sạn 4 sao Jen Hotel mà U22 Việt Nam chọn làm nơi đóng quân. Tôi cũng không mất thời gian di chuyển tới Trung tâm thương mại thế giới (World Trade Center) Manila – Trung tâm báo chí SEA Games.

img

Con phố Harison, cách nơi tôi ở khoảng 15 phút đi bộ.

Và nào có thể ngờ nổi, ngay cạnh đó thôi, sát cạnh những xa hoa của Pasay City, ngay cạnh đó là một thế giới hoàn toàn khác. Tôi nhìn thấy hình ảnh trẻ con đi ăn xin, những cô gái điếm ngồi chờ khách với điếu thuốc lá phì phèo trên tay thi thoảng quay sang nhau tán gẫu vài điều gì đó.

Tôi cũng nhìn thấy những thân phận cùng khổ nằm vật vã bên vỉa hè, cầu thang, cầu vượt… Hình như đó là “ngôi nhà” của họ. Tất cả đã thôi thúc tôi trở lại, chính con phố Harison, cách nơi tôi ở khoảng 15 phút đi bộ để xem ban ngày nó ra sao!

“Tôi là người Canada!”

Tôi sẽ không để các bạn chờ lâu nữa mà không nói về câu chuyện chính của mình. Thực lòng, tôi đã sởn gai ốc khi chứng kiến những gì đang diễn ra trên con phố Harison ấy!

Buổi tối, bao nhiêu là thân phận cùng khổ, sao ban ngày mọi thứ lại như biến đâu mất, tan biến hoàn toàn để trả lại vẻ thanh bình vốn có (?!).

img

Cuộc sống thường nhật của người dân Philippines trên con đường Harison.

Tôi không tin, những con người tôi thấy tối hôm trước họ có thể biến mất được sao? Chắc chắn họ vẫn ở đâu đó và chúng tôi đã tìm thấy căn nhà đó. Căn nhà thực sự ấn tượng với chúng tôi khi chỉ trong khoảng 1m vuông, gia đình họ đang bán mấy đồ vật dụng hàng ngày. Người mẹ vừa bán đồ, vừa đút cơm cho con ăn!

img

Những đứa trẻ chơi trò nhảy dây ngay trên vỉa hè của đường Harison.

Vết dấu căn nhà đó đã đưa tôi đến một thế giới hoàn toàn khác. Tôi hỏi mà như chào một câu xã giao quen thuộc: “I Love Philippines, SEA Games!”. Và đáp lại là những cái lắc đầu đến lạ. Có bạn trẻ tên Jhonard (24 tuổi) mặc chiếc áo màu đỏ nói tếu táo đại ý cậu ta là người Hàn Quốc.

Tôi tin thật, cậu ta lại chỉ sang một phụ nữ trung niên nói: “Bà ta là người Canada”. Tôi hỏi lại vẻ không tin thì người phụ nữ đó vẫn quả quyết: “Tôi là người Canada! Nhưng đó là cậu ta nói đùa đấy! Tôi là người Philippines”.

Nếu bạn cần những quốc tịch khác nhau thì trong “thế giới” tôi chuẩn bị kể tới đây, họ có người Mỹ, người Đức, người Anh, người Pháp, người Italia, người Nhật Bản…

“Còn bạn từ đâu đến?” chàng trai Jhonard hỏi lại tôi sau khi đã cười đùa, giới thiệu một lượt. Đáp lại tôi đưa tấm thẻ phóng viên tác nghiệp SEA Games: “Tôi là người Việt Nam, phóng viên Việt Nam tới đây để đưa tin về SEA Games của các bạn”. Và câu chuyện về “một thế giới lạ lùng” bắt đầu!

Lạc vào “mê hồn trận”

Tôi cũng không biết nếu tôi không nói mình là người Việt Nam và tôi không uống cốc bia ấy – cốc bia của người “đàn anh” Jhonard, người ngồi ở “ngã tư thế giới” luôn khề khà với câu “my friend” mời, thì liệu tôi có cơ hội đi hết câu chuyện mà tôi gọi là “mê hồn trận” hay không?

img

Lối vào "mê hồn trận".

Tôi chỉ biết mình cứ đi, cứ từ bất ngờ này tới ngỡ ngàng khác. Từ căn nhà gói gọn khoảng 1m vuông ở mặt đường Harison mà tôi đề cập tới ở trên, với sự hướng dẫn, giới thiệu của Jhonard, cứ qua những người bạn, những ngôi nhà, những đứa trẻ đôi khi là không có một mảnh vải trên người, tôi cứ đi tiếp, đi tiếp và không thể dừng lại!

Sau này khi đã đi ra ngoài, tôi hình dung “thế giới mê hồn trận” ấy giống như một cái dạ dày. Đường vào rất nhỏ nhưng bên trong thì ngoắt nghéo, dích dắc. Mà người thông minh, giỏi định vị đến mấy cuối cùng cũng mất phương hướng thôi khi ngửi thấy xung quanh nồng nặc mùi hôi thối, từ sự tù túng.

img

Người dân tại đây đang lấy nước giếng để sinh hoạt.

Tôi đã đi lên những căn gác nhỏ để thấy ngôi nhà mặt đường mà tôi đề cập ở trên còn sung sướng chán. Trong con ngõ vô cùng ấy, người ta như tự cung tự cấp. Có hàng ăn, có quán chơi game, có giếng nước chung của cả xóm, có những người đàn ông vật vờ như những bóng ma và bên cạnh đó là những người phụ nữ gắng gượng nở nụ cười ôm con nhỏ vào lòng như một niềm an ủi!

img

Quán game xuất hiện trong xóm nhỏ. 

Ở đó có hình ảnh người con gái trung niên ngồi nhổ tóc sâu cho mẹ già. Có một nhớm thanh niên ngồi ăn nhậu trong phạm vi tôi nghỉ là nửa mét vuông.

Họ cười như xung quanh chỉ có thế giới của họ. Và cái mùi hôi thối nồng nặc bốc lên từ những vũng nước tù đọng, từ những chuồng nuôi gia cầm… lại là một loại “nước hoa” đặc biệt!

img

Một đám thanh niên nhậu trong phạm vi hạn hẹp với món nhậu là rượu và cá.

Bao nhiêu ngôn từ để nói về sự khốn khổ của người dân trong cái “thế giới mê hồn trận” ấy dường như đều bất lực. Tôi chỉ biết tôi đã sởn gai ốc và trong thoáng chốc đã ù tai. Tôi đã muốn lùi lại, nhưng lại tiếp tục tiến tới, đi tới cùng bởi một điều gì đó vô thức từ trong trái tim tôi thúc giục và hơn cả là sự nhiệt tình của Jhonard.

Có lẽ chàng trai muốn cho tôi hiểu giữa sự xa hoa của Manila còn có một thế giới khác. Thế giới ấy có bề ngoài vô cùng xù xì, đôi khi là đáng sợ, nhưng thực chất họ là những con người lương thiện, sẵn sàng đối mặt, chung sống và vượt qua những thử thách của số phận một cách đàng hoàng nhất.

Sự lương thiện, can đảm ấy, chắc gì những nơi phù phiếm, sạch sẽ đến tận cùng ở Manila sánh nổi? Ở “thế giới mê hồn trận” ấy có một sự thật hiển nhiên, ai được người của mình đưa vào đây, đó là bạn.

Khi ra về chiếc balô lỉnh kỉnh của tôi bị vướng vào một thứ khiến một đứa trẻ đi theo phải gỡ giúp. Thế nhưng, từ xa mẹ cậu bé chỉ tay và quát tháo...Tôi chợt nghĩ ngay rằng, đó là điều người mẹ không muốn chúng tôi nghĩ sai về họ. Dù họ nghèo nhưng luôn dành sự tử tế với những người bạn của mình.

Chùm ảnh do phóng viên Dân Việt ghi lại tại xóm nhỏ trên đường Harrison: 

img

Người dân nơi đây buộc phải sống trong những căn nhà tạm bợ được xây dựng cạnh một con kênh ô nhiễm nặng nề.

img

Bên trong con ngõ nhỏ có khoảng 100 hộ sinh sống tại đây.

img

Lối vào rất chật vì vậy nhiều vật dụng được treo lên cao để tiện đi lại.

img

Những đứa trẻ hồn nhiên, ngơ ngác khi nhìn thấy ống kính của phóng viên. 

img

Mỗi căn nhà chỉ rộng bằng căn phòng nhỏ là nơi sinh hoạt cho cả gia đình, bao gồm ngủ, ăn uống và giải trí.

img

Cư dân nơi đâ đang phải sinh hoạt trong những ngôi nhà tạm bợ.

img

Cuộc sống của họ được bao quanh bởi đống rác và dòng nước ô nhiễm.

img

Trước cuộc sống khó khăn như vậy nhưng người dân nơi đây vẫn nở nụ cười mến khách.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem