Lại âu lo đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam

Thứ năm, ngày 23/12/2010 06:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Thất bại của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2010 là dịp để nhiều người nhắc lại những câu chuyện cũ mà vẫn mới, trong đó có hệ thống đào tạo bóng đá trẻ ở Việt Nam...
Bình luận 0
img
Đội tuyển Việt Nam thất bại một phần do thiếu lực lượng kế cận.

Chấp nhận và bế tắc

Kể từ khi trở lại dẫn dắt ĐTQG tháng 4-2008, HLV Calisto đã bày tỏ ý định gọi những ngoại binh nhập tịch lên tuyển. Và thực tế, Phan Văn Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley đều ít nhất một lần được trao cơ hội nhưng cuối cùng vẫn không thể trụ lại vì nhiều lý do.

Bản thân ông thầy người Bồ sau này cũng chỉ biết chấp nhận chuyện "không thể hiểu nổi ấy". Đương nhiên, việc của ông là phải vượt khó để bảo vệ danh hiệu đương kim vô địch Đông Nam Á, bất chấp các đối thủ Singapore, Philippines, Indonesia đua nhau tăng cường sức mạnh bằng "hàng ngoại nhập".

Vấn đề là lối chơi phòng ngự - phản công nhanh dựa trên sức mạnh tập thể được HLV Calisto xây dựng cho tuyển Việt Nam chỉ có thể gây bất ngờ ở AFF Cup 2008. HLV Rajagobal (Malaysia) đã bắt bài được ông "Tô" kể từ SEA Games 2009 chứ không đợi tới AFF Cup 2010.

Cũng với lối chơi gần như mặc định ấy, đội U23, rồi đội tuyển Việt Nam đã thua trước dàn cầu thủ trẻ Malaysia với thể lực sung mãn, chịu khó va chạm. Trong chừng mực nhất định, HLV Calisto đã bế tắc với những gì mình có trong tay, chứ không đơn thuần chỉ là "giao tiếp" như cách ông phát biểu khi tuyển Việt Nam xếp đội sổ tại VFF Cup - giải giao hữu ngay trước thềm AFF Cup 2010: "Kể cả tôi muốn, cũng không còn gì để thử nghiệm ở đội tuyển nữa".

Quên AFF Cup 2010 đi

VFF vừa công bố chương trình hoạt động của các ĐTQG trong năm 2011. Với mục tiêu thi đấu vòng loại World Cup 2014, ĐTQG sẽ có 5 đợt tập trung. Trong khi đó, với mục tiêu chinh phục tấm HCV SEA Games 2011 và khẳng định mình ở vòng loại Olympic 2012, đội U23 QG sẽ được tập trung 3 đợt.

Không thể phủ nhận, ĐTQG dưới thời HLV Calisto chơi có nét hơn trước đây, nhưng lại thiếu đi tính phóng khoáng, óc sáng tạo khi cần thiết. Vấn đề là năng lực, khả năng của mỗi tuyển thủ tới đâu? Xét đến cùng, "nền" đào tạo trẻ chính là nơi quyết định tất cả.

Ở góc độ đó, thế hệ có ý nghĩa "gạch nối" là Dương Hồng Sơn, Như Thành, Tài Em, Minh Phương, Việt Thắng... một lần lên tới đỉnh cao khu vực, rồi thất bại ở AFF Cup 2010 không có gì là "sốc".

Thậm chí, nếu có bổ sung ngoại binh để vô địch Đông Nam Á cũng chẳng nói lên được điều gì. "Cứ đưa ngoại binh lên tuyển một cách tuỳ tiện thì coi chừng lợi bất cập hại" - HLV Vương Tiến Dũng (Hải Phòng) bày tỏ.

Nói cách khác, điều mà những người làm bóng đá Việt Nam nên tập trung quan tâm, mổ xẻ thời điểm này chính là cách làm, những bước tiến của lứa U16, U19. Thử nhìn xem sau thời gian "tu luyện", lò HAGL-Arsenal JMG sẽ cho ra mắt những "hạt ngọc" nào? Tiếp đến là chất lượng của các giải U17, U19, U21, QG và cao nhất là V.League.

Khi mà những giải "U" vẫn chưa được quan tâm đúng mức, các đại diện V.League vẫn không tìm được chỗ đứng ở đấu trường Cúp C1 châu Á, thì chuyện đội tuyển mãi loanh quanh với mục tiêu tốp 3 khu vực chẳng có gì ngạc nhiên.

img Năm 2010, U16, U19 nam đã lọt vào vòng chung kết bóng đá châu Á, Olympic vào tới vòng 1/8 Asiad. Đó là minh chứng khẳng định công tác đào tạo trẻ ngày càng có chất lượng, chuyên nghiệp hơn. Tại V.League 2011, VFF cũng yêu cầu các CLB phải đăng ký cầu thủ tập sự, giúp các cầu thủ trẻ tích luỹ kinh nghiệm thi đấu. Cùng với đó, VFF liên tục tổ chức đào tạo tập huấn cho các HLV bóng đá ở địa phương, hoàn thiện hệ thống đào tạo bóng đá trẻ, tạo nên sự phát triển bền vững cho nền bóng đá Việt Nam trong tương lai. img

Tổng Thư ký VFF Trần Quốc Tuấn

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem