Lại đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm

Thứ sáu, ngày 15/09/2017 09:29 AM (GMT+7)
Kiến nghị đánh thuế với các khoản lãi từ tiền gửi của cá nhân vừa được Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đưa ra với Bộ Tài chính tại Hội thảo lấy ý kiến sửa 5 Luật do VCCI tổ chức mới đây.
Bình luận 0

img

Theo quy định hiện hành, lãi tiền gửi của doanh nghiệp mới phải nộp thuế thu nhập trong khi cá nhân thì không. Ảnh: A.Q.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng thu nhập từ tiết kiệm mà tới vài trăm triệu đồng nên gọi là đầu tư và phải nộp thuế thu nhập.

Theo ông Đức, cần phải quy định thêm việc đánh thuế đối với tiền gửi nói chung, tiền gửi tiết kiệm nói riêng tại các tổ chức tín dụng khi vượt một mức nhất định. Ví dụ theo ông, nếu thu nhập từ lãi tiết kiệm cao hơn hai lần mức thuế khởi điểm (tính theo năm) của thu nhập cá nhân tính thuế.

Theo quy định hiện nay, mức thuế khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân (tính theo năm) là 108 triệu đồng. Như vậy, nếu một khoản lãi từ tiền gửi tiết kiệm của một cá nhân tới hơn 200 triệu đồng, theo Luật sư Trương Thanh Đức, cần phải vào diện nộp thuế.

"Lâu nay chúng ta đã quá yêu chiều ngành ngân hàng. Nhiều người thu nhập từ tiết kiệm ngân hàng tới hai trăm triệu đồng thì như vậy phải gọi là đầu tư rồi", ông Đức nói.

Hiện gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang được xem là một trong những kênh giúp "tiền đẻ ra tiền" an toàn và hiệu quả của người dân. Lãi suất huy động kỳ hạn một năm hiện khoảng 6-7% một năm. Để thu về khoản lãi 200 triệu đồng một năm từ tiền tiết kiệm, khách hàng phải mở sổ giá trị khoảng gần 3 tỷ đồng.

Theo quy định hiện nay, chỉ thu nhập từ lãi tiền gửi của công ty, doanh nghiệp mới bị tính thuế thu nhập.

Đây cũng không phải lần đầu tiên đề xuất đánh thuế lãi tiền gửi tiết kiệm được đưa ra. Năm 2013, Hiệp hội Bất động sản TP HCM từng đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập với những khoản tiền gửi tiết kiệm trên 500 triệu đồng để khuyến khích dòng tiền đưa vào sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, ngay sau đó, đề xuất này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ.

Bên cạnh kiến nghị về tính thuế các thu nhập từ tiền gửi, ông Trương Thanh Đức cũng cho rằng Bộ Tài chính nên giảm 7 mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân hiện hành và 5 mức theo đề xuất mới sửa đổi xuống chỉ còn mức (5%, 10% và 20%). Đồng thời, ông kiến nghị nên giảm mức thuế suất cao nhất 35% xuống bằng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp 20%.

Tại hội thảo lấy ý kiến của VCCI, nhiều chuyên gia khác cũng nhìn nhận đã đến lúc cơ quan soạn thảo cần thay đổi mức khởi điểm phải chịu thuế thu nhập cũng như mức tính giảm trừ gia cảnh. Theo quy định hiện nay, mức giảm trừ gia cảnh khi xác định thuế thu nhập cá nhân là 9 triệu đồng (cho bản thân) và 3,6 triệu đồng (cho người phụ thuộc). Công ty EY Việt Nam cho rằng mức giảm trừ này là quá ít trong bối cảnh giá cả hiện nay. Theo bà Nguyễn Thu Trang - Đại diện EY Việt Nam, cần có một cơ chế mở để khi giá cả leo thang, Chính phủ có quyền thay đổi mức giảm trừ gia cảnh cho phù hợp thay vì lại phụ thuộc chờ sửa Luật.

Thanh Thanh Lan (Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem