Lại lo thiếu điện mùa khô

Thứ hai, ngày 03/03/2014 06:57 AM (GMT+7)
Nước trên các hồ thủy điện giảm mạnh hơn dự kiến, miền Trung nắng nóng kéo dài trong khi dự phòng điện của miền Nam là con số 0 đang gây nên nỗi lo ngại về cung ứng điện cho mùa khô năm nay...
Bình luận 0
Thiếu hụt nước trên 60%

Theo ông Phùng Tiến Dũng - Phó phòng Dự báo thủy văn Trung Bộ - Tây Nguyên - Nam Bộ (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương), hiện trên một số sông, mực nước đã xuống mức thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc cùng thời kỳ. Lượng dòng chảy trên phần lớn các sông đều thiếu hụt so với trung bình cùng kỳ nhiều năm từ 16-57%, một số sông còn thiếu hụt trên 60%. Tổng lượng mưa tháng 1 và 2.2014 ở khu vực trung Trung Bộ, thiếu hụt so với cùng kỳ nhiều năm từ 20-60%, các khu vực khác trên toàn quốc phổ biến thấp hơn từ 80% đến trên 90%, gây nguy cơ đe dọa trực tiếp đến các nhà máy thủy điện, nhất là khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Cấp tập lo điện cho miền Nam.
Cấp tập lo điện cho miền Nam.

Tính từ đầu năm đến nay, tổng lượng mưa trên cả nước rất ít, một số nơi ở cả Bắc Bộ, phía nam thuộc nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ cả tháng không có mưa, trong đó đáng chú ý nhất là tại Tây Nguyên nhiều nơi không mưa. Dự báo tháng 3 và 4.2014 - cao điểm của mùa khô, lượng mưa sẽ tiếp tục thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Trong khi đó, theo ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN, mặc dù hệ thống điện quốc gia hiện nay đang dư thừa công suất (tháng 1.2014, khi tổng công suất lắp đặt trên hệ thống có 30.469 MW thì công suất khả dụng chỉ khoảng 23.000 MW) thì miền Nam lại vẫn thiếu điện. Công suất đặt ở miền Nam chỉ có 8.000 MW.

Những năm qua, hệ thống điện quốc gia liên tục truyền tải điện từ Bắc vào Nam và hệ quả là luôn trong tình trạng quá tải. Nhu cầu điện ở miền Nam gần như phải trông cậy vào hệ thống truyền tải này. Từ nay đến năm 2018, miền Bắc có tỷ lệ dự phòng từ 40-56%, miền Trung còn dự phòng từ 67-130%. Trong khi đó, ở miền Nam, dự phòng điện là số 0 từ năm 2016 trở đi.

Giảm tình trạng mất điện

Theo EVN, hiện tại hệ thống điện quốc gia có tổng công suất lắp đặt các nhà máy phát điện là 26.700MW, công suất khả dụng toàn hệ thống là 20.400MW, trong khi công suất tiêu thụ cả nước là 18.600MW, năm 2014 sẽ tiếp tục bổ sung 4.466MW. Ngoài ra, đang xây dựng đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông và đường dây 500kV Vĩnh Tân - Song Mây - Tân Định nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định cho miền Nam và khu vực TP.HCM.

EVN cho biết sẽ đưa thêm một số nhà máy thủy điện vào vận hành trong năm nay để không phải tiết giảm điện ngay từ đầu mùa khô. Để đáp ứng nhu cầu điện ổn định vào thời điểm đầu mùa khô năm 2014, trong tháng 2 EVN đã đưa vào vận hành thêm các tổ máy 1, 2 Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2, tổ máy 2 Thủy điện ĐăkRinh, tổ máy 1, 2 Thủy điện Đồng Nai 2 với tổng công suất gần 170 MW bổ sung vào công suất của hệ thống điện quốc gia.

Trước đó, tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 công suất 622 MW tại tỉnh Bình Thuận đã hòa vào lưới điện quốc gia, giúp giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; nhiệt điện Thái Bình được khởi công... Ngoài ra, trong năm 2014 EVN sẽ khởi công thêm 4 dự án điện lớn khác gồm Vĩnh Tân 4, Duyên Hải mở rộng và các thủy điện Thác Mơ mở rộng, Đa Nhim mở rộng. Tổng công suất các dự án điện khởi công năm nay là 2.555 MW. Việc đưa thêm các tổ máy vào vận hành năm 2014 và khởi công thêm các dự án điện mới sẽ giúp giảm áp lực cho nguồn cung điện quốc gia, giảm bớt tình trạng cắt giảm điện mùa khô, đặc biệt giảm căng thẳng điện cho miền Nam mùa khô thời gian tới.

Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh còn cho hay, năm nay VN đặt kế hoạch sản xuất và mua 140,5 tỷ kWh điện, tăng 9,9% so với năm 2013, sẵn sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn.

Mai Nguyễn (Mai Nguyễn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem