Hơn 10 năm trước, bắt đầu bằng hình ảnh những người già quằn quại khóc thét trên đường phố vì bị giật vé số gây xúc động mạnh cho người đi đường. Những đồng tiền thương cảm từ tay những người giàu lòng trắc ẩn dồn dập đến với các “nạn nhân” mà mãi sau này họ mới biết mình bị lừa.
Cho đến nay, đường phố Sài Gòn vẫn nhan nhản những thủ đoạn tương tự nhưng tinh vi và xảo trá hơn nhiều. Bằng những chiêu trò giả bệnh, giả khổ, những kẻ lừa đảo chuyên nghiệp đang kiếm sống, thậm chí “làm giàu” bất chính. Người trót làm phước thì mất tiền, mất luôn cả niềm tin cuộc sống.
Đủ chiêu trò của các “siêu kịch sĩ”Thời gian gần đây, trên các đường phố trung tâm Q.5, TP.HCM thường xuất hiện cảnh một thanh niên ngồi bên vỉa hè ôm chặt một bà cụ vào lòng. Gã thanh niên mặt rầu rĩ, thỉnh thoảng còn rớt nước mắt khi có người hỏi thăm.
Chúng tôi tình cờ phát hiện được chừng tháng trước cũng chính gã này ôm mẹ mình lê lết ở các đường phố của Q.Tân Bình. Cũng chính hai người này từng xuất hiện với hoàn cảnh tương tự trên tuyến đường Lê Văn Việt, phường Long Thạnh Mỹ, quận 9, TP.HCM gần 1 năm về trước, cũng với mục đích lợi dụng lòng tốt của người đi đường để xin tiền. “Mẹ tôi bị bệnh ung thư giai đoạn cuối, các bác sĩ cho về nhà để người thân còn có cơ hội nhìn mặt. Tuy nhiên, về đến tận Châu Đốc (An Giang) nhưng không có tiền; đi bộ đến đây thì mẹ tôi kiệt sức không thể đi được nữa”, gã than thở.
Hai mẹ con giả bệnh ung thư
Thấy hoàn cảnh đáng thương của 2 mẹ con cụ bà, nhiều người chạy qua đã dừng xe cho tiền. Chúng tôi cũng từng ghi nhận trường hợp “2 mẹ con” ngồi bệt ven đường Lê Văn Việt, Q.9 với vẻ mặt khổ sở, xin tiền người hảo tâm. Chúng tôi đã bí mật ghi hình suốt buổi chiều và ghi nhận cả 2 dùng “khổ nhục kế” mẹ bị ung thư và nhận được rất nhiều tiền giúp đỡ. Đến khi trời tối, gã thanh niên cùng người phụ nữ đột nhiên hết bệnh, đón chiếc xe ôm ra hướng khu du lịch Suối Tiên trên quốc lộ 1. Sau đó “người mẹ đau yếu” hoàn toàn khỏe mạnh, đi nhanh để tránh ống kính phóng viên trên cầu vượt bộ hành rồi đón xe buýt về hướng trung tâm thành phố.
Trong tháng 3.2013, nhiều người lưu thông qua cầu An Hạ trên quốc lộ 22 (hướng từ TP.HCM đi Tây Ninh) giật bắn người khi phát hiện một người phụ nữ nằm bất động ngay lề đường, mặt úp kín bằng chiếc nón lá, bên cạnh là một bé gái nhỏ tuổi đang ngồi khóc. Thấy tình cảnh tội nghiệp, nhiều người đi đường ghé lại xem sự thể thì người phụ nữ kêu khóc kể mình từ quê lên, tạm trú tại ngã tư An Sương (quận 12), hằng ngày cùng con gái đón xe đến địa bàn xã Tân Phú Trung (huyện Củ Chi) để bán vé số kiếm tiền nuôi con, trả nợ cha già… nhưng đang bán thì bị giật hết vé số và tiền bạc.
Vì tiếc của và quá khốn cùng, không biết làm sao nên chị ôm con nằm bên vệ đường quốc lộ chờ chết. Thấy hoàn cảnh thương cảm của hai mẹ con, nhiều người đi đường góp nhau cho hai mẹ con tiền để qua lúc khó khăn. Nhưng khi thấy Công an xã Tân Phú Trung đến thì người phụ nữ đang nằm ngay đơ như sắp chết lại bật dậy như chiếc lò xo van xin: “Các anh tha cho em lần này!”. Tại trụ sở công an, người phụ nữ này than nghèo kể khổ nên mới phải “diễn” cảnh này để xin tiền thiên hạ và vài ngày mới đến đây “diễn” 1 lần.
Không chỉ "mẹ ôm con chờ chết", dạo gần đây trên địa bàn thành phố người dân còn thường thấy những cảnh thương tâm như: con trai ăn mặc nhếch nhác dìu mẹ già lom khom lê từng bước giữa đường với dáng vẻ vô cùng đau khổ; chồng nghèo túng dìu vợ đang bụng mang dạ chửa, khăn quàng đầu như thiếu phụ nhà quê lang thang giữa trời trưa nắng, thỉnh thoảng lại ngoảnh mặt khóc nức nở; hay cảnh vợ nằm trên vỉa hè, chồng vừa lấy nón che nắng cho vợ vừa dỗ dành con nhỏ đang khóc ngằn ngặt…
Nhiều kẻ đốn mạt đến mức mang con nhỏ hoặc người già phơi mưa phơi nắng trên phố nhiều giờ đồng hồ để “kiếm chác”. Chỉ chờ có người ghé lại hỏi thăm là bài ca mẹ/vợ/con bệnh nan y, nhà nghèo khó rơi vào cảnh khốn cùng phải trốn viện ra đường chờ chết… được tua đi, tua lại nhiều lần để chờ người hảo tâm sập bẫy.
Siêu lợi nhuận
Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ–TB&XH TP.HCM) thì những đối tượng diễn kịch xin tiền tái phạm nhiều lần sẽ được đưa về quản lý và dạy nghề tại các trung tâm bảo trợ xã hội. Nhưng ông cũng thừa thận rất khó kiểm soát dạng lừa đảo này vì phải mất thời gian dài theo dõi để thu thập chứng cứ mới can thiệp được, các đối tượng này lại rất thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động.
|
Nhiều ngày qua, những người đi qua ngã tư 3/2 - Cao Thắng (Q.10, TP.HCM) thường thấy một người phụ nữ “bụng mang dạ chửa” đứng xin tiền. Nước da ngăm đen, mặc chiếc áo khoác ngoài trông nhếch nhác, người này luôn cúi mặt thể hiện sự buồn thảm, thỉnh thoảng dùng tay gạt mồ hôi trên trán.
Chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ, chúng tôi quan sát thấy có cả trăm người móc tiền bỏ vào chiếc nón trên tay “bà bầu” này. Cứ sau vài phút, chị ta lại xếp tiền nhét vào túi, để lại cái nón không chờ lần khách dừng đèn đỏ tiếp theo. Đến trưa, bà bầu nhảy phóc lên xe buýt nhanh như điện, đến một quán uống cà phê, hút thuốc, đếm tiền rồi biến mất hút vào một con hẻm. Những người làm việc bên ngã tư 3/2 - Cao Thắng cho biết một ngày chị ta xin được rất nhiều tiền của người đi đường.
Người dân TP.HCM từng sốc với câu chuyện một thanh niên miệng sùi bọt mép tay chân co quắp, người quấn đầy bông băng ra chiều bị lở loét nặng, lê lết trên đường Lý Thường Kiệt (Q.10) và các tuyến phố lân cận. Rất nhiều người cho tiền, thậm chí có người thương cảm cho hẳn vài trăm nghìn đồng. Sau một ngày “quằn quại” trên đường phố, sập tối gã đứng phắt dậy trong sự ngơ ngác của mọi người. Tiếp theo, gã thản nhiên vào quán bia ăn nhậu hút thuốc lá phì phèo và đắc chí ngồi đếm số tiền người đi đường cho. Chỉ cần nằm trên vỉa hè một ngày, gã đã kiếm được trên dưới 1 triệu đồng của người đi đường. Một mức thu nhập vượt quá mơ ước của nhiều người.
"Mẹ ôm con chờ chết"
Tuy nhiên, màn kịch “đỉnh” nhất với thu nhập khủng khiếp phải kể đến trường hợp của “kịch sĩ” Đặng Thị Ký, 57 tuổi, quê ở Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Bà này gánh một gánh tàu hũ ra hành lang bộ hành trên cầu Sài Gòn vờ bị xe quẹt ngã, ngồi úp mặt xuống gối lúc lại ngẩng mặt lên trời khóc rất thê thảm, liên tục đưa tay phải quệt nước mắt, tay trái lấy muỗng xúc tàu hũ vương vãi vào nồi.
Xung quanh chén, muỗng và tàu hũ đổ vương vãi xuống nền đường. Chỉ hơn một giờ đã có hàng chục lượt người dừng xe cho tiền với mệnh giá 20.000, 50.000 đến 100.000 đồng, không một ai có chút nghi ngờ. Đến trưa, bà ta nhanh chóng gói ghém bộ đồ nghề, quảy gánh về phía Q.Bình Thạnh, chui xuống một gốc cây dưới gầm cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh bắt đầu châm thuốc hút phì phèo và đếm tiền. Tất cả có bốn xấp tiền loại 100.000 và 50.000 đồng. Sau đó bà ta leo lên xe ôm và mất hút khi đến một con hẻm trên đường Bùi Đình Túy (Q.Bình Thạnh).
Để tránh sự nghi ngờ, cứ cách một tuần người đàn bà này lại xuất hiện và thực hiện màn kịch một lần và thay đổi địa điểm liên tục. Sau khi bị “lật tẩy”, bà Ký khai nhận với màn kịch đó, trong vòng một giờ đồng hồ đã có thể kiếm được 700 nghìn đồng từ người đi đường.
PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) - cho biết: “Nhân cách của những người đó xuất phát từ động cơ vị kỷ, không muốn lao động mà vẫn muốn thu nhập cao nên đánh vào lòng thương cảm của mọi người, lừa dối mọi người, không cần liêm sỉ để kiếm lợi. Nhiều người giả ăn xin sau khi về nhà còn cười ha hả rằng hôm nay vớ được “con gà” cho nhiều tiền. Đối với các hành vi như vậy thì con đường dẫn đến phạm tội cũng không bao xa bởi lừa dối lớn cũng là một tội ác. Nghiêm trọng hơn, hành vi của những người này sẽ dẫn đến sự vô cảm tràn lan trong xã hội vì nhiều người sợ bị nhầm lẫn”.
|
Trường Tiến (Dòng Đời) (Trường Tiến (Dòng Đời))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.