Lãi suất... méo mó

Thứ năm, ngày 19/05/2011 14:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, TS Lê Xuân Nghĩa đã dùng từ “Méo mó và không minh bạch” khi ông nói về lãi suất trong hệ thống ngân hàng. Sự méo mó, và thiếu minh bạch đã đẩy lãi suất thực, không phân biệt khu vực sản xuất hay phi sản xuất, lên tới 25%/năm.
Bình luận 0

TS Lê Thẩm Dương, ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng phát biểu: Lãi suất cho vay thoả thuận đã chạm ngưỡng 26%.

25%, 26%, 30% hay cao hơn nữa, đã trở thành kỷ lục suốt hơn một thập kỷ qua, vượt những cái đỉnh 22-23% xấu xí trong năm khủng hoảng 2008, và đang chứng tỏ hai điều: Thứ nhất, lãi suất càng cao thì vốn càng chảy vào khu vực đầu tư công- dù các con số cắt giảm liên tục được công bố. Lãi suất càng cao, nguồn vốn càng chảy vào khu vực phi sản xuất, bởi, với mức lãi này thì DN chỉ còn cách “hoặc ném công nhân ra đường, hoặc đi buôn đất”- lời ông Nghĩa.

Mặt khác mức lãi suất, vượt quá sức chịu đựng này vẫn chưa phải là con số cuối cùng khi bản thân các ngân hàng thương mại vẫn đang cho nhau vay mới mức lãi suất từ 22-25%.

Cũng chính con số này đang cho thấy mức lãi suất huy động 14% mà Ngân hàng Nhà nước đang khống chế chỉ khiến phần thiệt thòi thuộc về người có tiền gửi- bị khống chế, và người có nhu cầu vay tiền- đang vay sống vay chết dù lãi suất ở mức độ nào.

Khi lãi suất huy động khống chế ở mức 14% và lãi suất cho vay lên tới gần gấp đôi con số đó thì lại phát sinh hai vấn đề: Lãi suất “chợ đen” cũng theo đó tăng cao, và lợi nhuận chỉ thuộc về giới chủ nhà băng.

Bà Nguyễn Thị Mùi (Ngân hàng CP Công Thương Việt Nam) cách đây ít hôm đã kêu gọi rằng: Cắt giảm chi phí và chia sẽ lợi nhuận là việc tối quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Rằng: Các Ngân hàng nên hạ tỷ suất lợi nhuận xuống.

TS Lê Xuân Nghĩa cũng nói thẳng thắn quan điểm: Sự méo mó và thiếu minh bạch qua “bộ mặt lãi suất khủng khiếp” của nó là do lỗi điều hành chứ không phải do thị trường. Nghị quyết 11 của Chính phủ mặc dù ưu tiên kiểm soát lạm phát nhưng cũng có những biện pháp đảm bảo vốn cho khu vực sản xuất. Đó chắc chắn không phải là mức 25-26% mà doanh nghiệp đang phải chịu đựng. Bởi vậy, để Nghị quyết 11 thực sự có hiệu quả thì hệ thống ngân hàng trước tiên cần hai chữ minh bạch.

Một trong những biện pháp mà Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia kiến nghị là bỏ trần huy động lãi suất. Có thể sẽ có cuộc chạy đua lãi suất huy động từ phía các ngân hàng thương mại nhưng chí ít, lãi suất huy động và cho vay sẽ đạt được sự minh bạch, chí ít, sẽ dẹp bỏ được tình trạng huy động chui đang tồn tại dai dẳng bất chấp các cam kết trên giấy tờ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem