Lại thêm hàng trăm cán bộ khuyến nông Sơn La có nguy cơ mất việc

Ngọc Mai Thứ hai, ngày 21/05/2018 14:00 PM (GMT+7)
Vừa qua, UBND tỉnh Sơn La vừa ban hành văn bản quy định về khuyến nông viên trên của tỉnh Sơn La. Theo đó, từ nay đến năm 2020 sẽ thực hiện thanh lý hợp đồng đối với một số khuyến nông viên không phải công chức ở các xã, sự viên trên đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều khuyến nông viên ở nhiều nơi, nhiều người có nguy cơ mất việc.
Bình luận 0

Theo đó, Quyết định số 2451/QĐ-UBND ngày 18.09.2017 của UBND tỉnh Sơn La quy định về khuyến nông viên trên địa bàn có nội dung không thực hiện việc hợp đồng bổ sung, thay thế đối với KNV xã khi chưa thực hiện xong việc bố trí sắp xếp và các xã đang bố trí 2 KNV xã theo Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 26.04.2011 và Quyết định số 1914/QĐ-UBND ngày 25.08.2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thực hiện thanh lý hợp đồng trong giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Cụ thể, các KNV tại các xã nếu đã bố trí công chức xã chức danh địa chính – nông lâm – xây dựng và môi trường có chuyên ngành nông, lâm, ngư nghiệp thì được tính vào số KNV xã.

img

Đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở là những người trực tiếp nắm bắt tình hình sản xuất thực tế ở địa phương.

Tâm sự buồn của cán bộ khuyến nông

Quyết định này đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho rất nhiều cán bộ KNV cơ sở. Chị Đinh Thị Anh, cán bộ khuyến nông xã Hua La (TP Sơn La, Sơn La), người từng có gần 10 năm gắn bó với nghề, tâm sự: “Mới đây tôi được thông báo khả năng sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động sau hơn 1 năm nữa. Tôi rất buồn nhưng cũng không biết làm sao”.

Chị Anh nói: “Làm KNV xã vất vả lắm, chỉ có người nào yêu nghề, tâm huyết mới làm được, bởi chế độ đồng lương ít ỏi, mỗi tháng trừ các khoản còn nhận được 1,7 triệu đồng, không đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Trong khi đó, ở cơ sở cán bộ khuyến nông là người gần gũi với nông dân nhất, thường xuyên xuống làm việc với dân để theo dõi, tìm hiểu quá trình sản xuất của bà con. Hơn nữa, địa bàn làm việc lại rộng, giao thông đi lại khó khăn, có những hôm phải đi bộ vài cây số mới đến nơi”.

Còn chị Lò Thị Thắm, cán bộ khuyến nông xã Chiềng Xôm (TP Sơn La), chia sẻ: “Hơn 4 năm gắn bó với công việc, tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được địa phương ghi nhận. Là sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành nông lâm nghiệp của Trường Đại học Tây Bắc năm 2014, tôi thấy mình may mắn khi được vào xã làm đúng chuyên ngành. Công việc của khuyến nông xã chủ yếu là vào bản nắm bắt tình hình sản xuất, hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật sản xuất, phòng dịch bệnh cho con trâu, bò, lợn, gà… cho bà con. Công việc nhiều nhưng lương ít, có hôm phải tự bỏ tiền túi ra đổ xăng xe, tháng nào vào bản nhiều còn âm cả lương. Vất vả là thế, nhưng nguyện vọng của tôi là vẫn muốn gắn bó với nghề, muốn đồng hành với bà con nông dân”.

Nguy cơ khuyến nông viên mất việc

Trao đổi với PV, anh Lèo Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm (TP Sơn La), cho biết: Đối với xã miền núi, 100% làm nông nghiệp như Chiềng Xôm, tôi thấy khuyến nông viên xã có vai trò rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế tại địa phương. Họ là những người thường xuyên xuống cơ sở trực tiếp “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất, kiểm tra tình hình phát triển từ cây lúa, cây ăn quả, sẵn sàng lên rừng, lên nương… cùng bà con.

"Nếu cắt giảm đi bộ phận KNV, tôi thấy sẽ nảy sinh phức tạp đối với xã nông nghiệp. Đặc biệt là trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, hàng năm phải tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân thì công việc này chỉ có cán bộ khuyến nông mới làm được. Giờ nếu cắt đi thì ai sẽ làm?” - anh Hưởng nói.

img

Nhờ có cán bộ khuyến nông cơ sở mà bà con nông dân tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều hơn vào trong sản xuất

Được biết, hầu hết cán bộ KNV ở các xã của tỉnh Sơn La đều có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, phù hợp với vị trí phân công phụ trách. Thậm chí, trong số đó có không ít người đã tham gia các lớp học chuyên sâu để nâng cao trình độ chuyên môn phục vụ lĩnh vực công tác.

Về vấn đề này, ông Lò Quang Ngọc, Phó Giám đốc Trung Tâm khuyến nông tỉnh Sơn La, cho biết: Hiện toàn tỉnh có khoảng 371 cán bộ KNV và con số này thường xuyên biến động. Thực tế tại các xã hoạt động sản xuất nông nghiệp, lực lượng cán bộ khuyến nông là người nắm bắt rõ nhất từ công tác thú y, bảo vệ thực vật, phòng chống rét đậm rét hại, phòng dịch bệnh… bởi họ trực tiếp ở cơ sở, gần với dân nhất.

Theo lộ trình từ nay đến năm 2020, một số cán bộ nông lâm nghiệp có chuyên ngành nông nghiệp sẽ kiêm luôn cả khuyến nông, nên sẽ chấm dứt hợp đồng với một số người, do đó không ít người sẽ mất việc hoặc sắp xếp vào vị trí khác.

Theo ông Ngọc, đối với khu vực miền núi, vai trò của khuyến nông là rất quan trọng, việc áp dụng các mô hình sản xuất tiên tiến vào địa phương rất cần sự tham gia hướng dẫn, phổ biến của cán bộ khuyến nông. Một phần do trình độ dân trí, ý thức của người dân còn hạn chế nên thường xuyên phải có cán bộ khuyến nông cầm tay chỉ việc. Bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc phải mắt thấy, tai nghe họ mới tin và làm theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem