Ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, cho biết sau cuộc họp với các sở - ngành chức năng vào giữa tháng 7.2011, tỉnh đã đồng ý chủ trương cho phép ông Trần Văn Tiệp (SN 1915, ngụ quận Phú Nhuận – TPHCM) thực hiện việc thăm dò “kho báu” ở núi Tàu, xã Phước Thể, huyện Tuy Phong lần cuối cùng, kèm theo một số điều kiện bắt buộc.
|
Núi Tàu ở Bình Thuận, nơi được nhiều người tin rằng có kho báu khổng lồ |
Phân vân với “tâm nguyện cả đời”
Như vậy, một lần nữa, ông Trần Văn Tiệp lại tiếp tục được thực hiện tâm nguyện truy tìm “kho báu” mà ông đã tốn không ít công sức, tiền của để theo đuổi suốt vài chục năm qua.
Gần 20 năm truy tìm, quyết tâm khai quật “kho báu”, ông Tiệp nay đã cận kề tuổi bách niên. Do tuổi cao, sức yếu nên hiện mọi mối quan hệ với đối tác được ông Tiệp ủy quyền cho người con trai út là anh Trần Văn Hồng.
Anh Hồng cho biết: “Việc thăm dò, khai quật kho báu là tâm nguyện cả đời của cha tôi nên hiện nay, dù đã tuổi cao, sức yếu nhưng ý chí của ông vẫn vậy. Tuy nhiên, chúng tôi đang xem xét thật kỹ các điều kiện trong hướng dẫn lập kế hoạch thăm dò của tỉnh Bình Thuận để xem có khả thi hay không.
Chúng tôi đang rất phân vân vì nếu bỏ ra số tiền quá lớn, rồi tốn công sức để thăm dò nhưng sau đó, nếu có kho báu thì chỉ được nhận khoản tiền thưởng vài trăm triệu đồng (theo Nghị định 96/2009 của Chính phủ - PV), chẳng bõ vào đâu”.
Theo anh Hồng, chưa thể nói trước được khi nào việc thăm dò “kho báu” mới xúc tiến trở lại vì còn phụ thuộc vào rất nhiều chuyện. Anh Hồng cho biết những “báu vật” được cha anh tìm thấy trong 10 năm truy tìm như kiếm Nhật, phù hiệu Hắc Long, đồng 10.000 yen… và một số hồ sơ về “kho báu” đã được gửi bảo hiểm ngân hàng.
Chỉ khoan thăm dò vài vị trí
Ông Nguyễn Xuân Lý, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Thuận (đơn vị được giao lập phương án thăm dò “kho báu núi Tàu”), cho biết trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã có văn bản hướng dẫn ông Tiệp xây dựng phương án tổng thể và chi tiết để các cơ quan chức năng thẩm định trước khi cấp phép.
Theo ông Nguyễn Xuân Lý, ông Tiệp phải hợp đồng với đơn vị chuyên môn, có tư cách pháp nhân về thăm dò, khai thác khoáng sản để thực hiện và các thiết bị kỹ thuật phục vụ việc này phải hiện đại. Khi thực hiện thăm dò, ông Tiệp phải cam kết không làm phá vỡ cảnh quan môi trường khu vực núi Tàu và bảo đảm tài sản, hoa màu của người dân.
Trong phương án này, UBND tỉnh Bình Thuận chỉ cho phép khoan thăm dò một số vị trí, dưới sự giám sát của đại diện các cơ quan chức năng địa phương. Các mẫu khoan sau đó sẽ được gửi giám định để xem có hay không khoáng vật nằm sâu dưới lòng đất ở khu vực này như những đồn thổi từ trước đến nay.
Theo một thành viên Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, điều kiện tiên quyết khi ông Tiệp xây dựng phương án là phải bảo đảm các yêu cầu của Nghị định 96/2009 về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam; việc thăm dò phải được thực hiện bằng kỹ thuật hiện đại, không tự ý đào xới làm xáo trộn địa hình, mất mỹ quan núi Tàu như trước đây.
Đối với việc ký quỹ 500 triệu đồng của ông Tiệp, ông Lê Tiến Phương cho biết để thực hiện việc hoàn thổ sau khi ông Tiệp tiến hành thăm dò, cho dù có hay không “kho báu”.
Vô vọng!Từ năm 1992, ông Tiệp đã gửi đơn đến UBND tỉnh Bình Thuận xin phép khai quật “kho báu núi Tàu”, còn gọi là “kho báu Yamashita”. Ông Tiệp khẳng định ông đang giữ trong tay bản đồ và nhiều tài liệu chứng minh “kho báu” này. Theo đó, tướng Nhật Tomoyuki Yamashita trước khi đầu hàng quân đội Đồng minh trong thế chiến thứ II đã vận chuyển tài sản vơ vét được từ các nước châu Á mà Nhật chiếm đóng đem về núi Tàu chôn giấu, gồm 4.000 tấn vàng cùng một số lượng lớn châu báu, kim loại quý khác trị giá khoảng 100 tỉ USD.
Tháng 10-1993, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định đồng ý cho ông Tiệp tổ chức đào bới trên núi Tàu để tìm kiếm “kho báu”. Từ năm 1993 đến 1999, ông Tiệp đã bỏ ra hàng ngàn lượng vàng thuê người và phương tiện băm nát núi Tàu nhưng cuộc truy tìm “kho báu” vẫn vô vọng.
Năm 1999, UBND tỉnh Bình Thuận ra quyết định chấm dứt hoạt động thăm dò tại núi Tàu. Tuy nhiên, năm 2002 rồi 2003, ông Tiệp lại xin được giấy phép thăm dò nhưng rốt cuộc vẫn không thu được gì. Năm 2009, ông Tiệp tiếp tục làm đơn đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cấp giấy phép khai thác “kho báu núi Tàu” và mới đây đã được cho phép thăm dò lần cuối.
Theo Người Lao động
Vui lòng nhập nội dung bình luận.