Có vốn là có lợn, gà giống
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến kỳ hạn chị Lún phải hoàn trả Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên số tiền vay 20 triệu đồng chương trình cho vay hộ nghèo. Với những hộ nghèo ở vùng cao thì 20 triệu đồng là khoản tiền không nhỏ, nhưng khi nhắc đến chuyện trả nợ gốc, chị Lún không tỏ vẻ lo lắng. Đưa chúng tôi ra dãy chuồng trại chăn nuôi nép khuất phía sau nhà, chị chỉ đàn lợn bụng căng tròn đang nằm trên nền xi măng rồi nói: “Với 6 con lợn thịt và 2 lứa lợn con này, sang tháng tôi xuất đi cũng dư sức để trả nợ gốc vốn vay. Đây đã là lứa lợn thịt thứ 5 tôi xuất chuồng kể từ ngày vay vốn Ngân hàng CSXH. Ngoài ra, tôi còn có đàn gà tới mấy chục con và tiền mặt tích cóp được ngót mười triệu đồng nữa để làm vốn, sang năm sửa lại nhà cửa…”.
Chị Đặng Thị Lún, bản Suối Nhúng, xã Huy Tường, huyện Phù Yên (Sơn La) có thêm thu nhập ổn định từ nuôi lợn nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH. Ảnh: K.T
Bây giờ, tôi đã hiểu, đồng vốn ưu đãi dù chưa được nhiều, nhưng nếu biết cách làm ăn thì cũng vẫn mang lại cho mình những nguồn thu tốt. Ở xã Huy Hạ đã có hàng chục hộ thoát nghèo nhờ vốn vay của Ngân hàng CSXH đấy”.
Anh Sa Văn Nguyên (bản Đồng Lương, xã Huy Hạ, huyện Phù Yên)
|
Cùng bản với chị Lún, gia đình anh Lý Văn Thồng cũng được vay 30 triệu đồng chương trình hộ nghèo và cũng đến hạn trả trong tháng 10 này. Anh Thồng bảo: “Dân chúng tôi nghèo nên quý đồng vốn lắm. Vay được tiền là chúng tôi lập tức mua gà, mua lợn, mua bê, nghé tập trung chăn nuôi chứ không sử dụng vốn sai mục đích. Ở đây, những hộ vay vốn làm ăn đều được cán bộ xã, bản, Hội ND và cán bộ Ngân hàng CSXH bám sát để tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn hiệu quả nên không ai dùng vốn vào việc khác đâu. Ở bản này, hiện có tới 26 hộ vay vốn, qua kiểm tra, tất cả đều dùng vốn đúng mục đích. Nhiều hộ đã tạo được những khoản thu ngày một lớn hơn từ đồng vốn vay ban đầu. Như nhà tôi, hơn 2 năm qua, kinh tế cũng đã khá hơn lên nhờ vốn vay Ngân hàng CSXH…”.
Sinh lời từ nguồn vốn nhỏ
Theo ông Cầm Hải Đăng - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phù Yên, trên địa bàn huyện Phù Yên hiện có 4 tổ chức chính trị-xã hội tham gia hoạt động ủy thác vốn tín dụng chính sách với 398 tổ tiết kiệm và vay vốn. Chính hệ thống các đoàn thể này đã phối hợp rất tốt với cấp ủy, chính quyền xã, bản để rà soát đối tượng, bình xét hộ vay vốn cũng như giám sát sử dụng nguồn vốn, đôn đốc thu lãi, thu nợ gốc. “Nguồn vốn ưu đãi có hạn mức không cao nhưng nếu người dân biết cách sử dụng thì hiệu quả kinh tế cũng không nhỏ. Thực tế ở Phù Yên, trong hơn 10 năm triển khai nguồn vốn ưu đãi đã chứng minh điều ấy. Tính đến nay, chúng tôi đang có gần 13.000 hộ dư nợ vốn vay với tổng dư nợ hiện còn gần 280 tỷ đồng. Một điểm đáng phấn khởi là tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,16% tổng dư nợ ủy thác. Con số ấy cũng phần nào nói lên hiệu quả đồng vốn vay”.
Trong căn nhà mới được tu sửa lại vững chãi hơn, anh Sa Văn Nguyên (ở bản Đồng Lương, xã Huy Hạ), vui vẻ tâm sự: “6 năm trước tôi cũng là 1 trong những hộ khó khăn nhất bản. Tuy sức khỏe có, muốn xóa nghèo nhưng ở đây không có nghề phụ, đất sản xuất có hạn, muốn tăng gia thêm cũng chẳng biết làm gì. Năm 2012, gia đình tôi cũng như một số hộ khác trong bản được vay vốn của Ngân hàng CSXH đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ được cán bộ hướng dẫn tỉ mỉ từ cách chọn giống tới chăm sóc, phòng bệnh, nhân đàn… nên sau 3 năm vay vốn tôi đã thoát được hộ nghèo và lại được tiếng là “người chăn nuôi lợn mát tay nhất bản”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.