Làm cửu vạn, tận thấy dòng hàng lậu "xé rào" biên giới ở Lạng Sơn

Hiếu Đam Thứ ba, ngày 29/10/2019 08:29 AM (GMT+7)
Khu vực cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn), từng bao tải hàng to, nặng, đóng chắc chắn được nhóm cửu vạn bê, kéo, cõng qua hàng rào biên giới tại cột mốc 1089. PV Dân Việt đã vào vai cửu vạn để tận thấy dòng hàng lậu vẫn đang đang "xé rào" biên giới ở Lạng Sơn.
Bình luận 0

Cuối năm 2018, PV Dân Việt đã thâm nhập "thế giới" những người bốc hàng thuê ở khu vực các cửa khẩu Lạng Sơn, ghi nhận dòng hàng lậu ngược xuôi theo các lối mòn. Dân Việt đã đăng tải loạt bài về những mảng tối tại "Thiên đường hàng lậu Tân Thanh". Nhiều cán bộ Hải quan ở Lạng Sơn đã nhận kỷ luật sau loạt bài này của Dân Việt. 

Gần một năm sau, tình hình liệu có đổi khác, việc ngăn chặn và kiểm soát hàng lậu có chặt chẽ hơn trước? PV Dân Việt vào vai cửu vạn nhập vào dòng người ngày đêm vác hàng qua biên giới để ghi nhận những mảng tối nơi phên dậu Tổ quốc. 

Hàng lậu "chọc thủng" biên giới

Qua nhiều mối giới thiệu, chúng tôi gặp được Sơn "sẹo" - một cửu vạn lâu năm ở khu vực Tân Thanh để nhờ xếp cho một chân chạy hàng.

Để có thể đi cùng nhóm cửu vạn, chúng tôi đã phải trải qua nhiều "bài kiểm tra” của Sơn “sẹo”. Sơn vừa vác hàng, vừa làm nhiệm vụ “chim lợn” cho nhóm cai cửu.

Sơn "sẹo" người huyện Văn Lãng (tỉnh Lạng Sơn), nhà cách cửa khẩu 20km, có sức khoẻ nên Sơn lên làm tại cửa khẩu ngót ngét cũng gần chục năm. Mấp mé tuổi 40, dáng người vạm vỡ, đầu cắt tóc ba phân, mặt đen bóng, hằn vết sẹo to trên mặt do một lần vác hàng không may bị ngã. Hắn tỏ ra ngon nghề bởi kinh nghiệm lâu năm cõng hàng tại khu vực biên giới.

Để được làm cửu vạn, một là phải được người uy tín giới thiệu, hai là phải đặt cọc tiền mới được bốc hàng. Hàng mất là tiền cũng đi theo, vì vậy nhiều cửu vạn "sống chết" giật lại hàng khi bị lực lượng chức năng phát hiện. 

Sau hai lần dò xét nhân thân, quê quán, Sơn đồng ý cho chúng tôi tham gia vác hàng. Trung tuần tháng 9, chúng tôi có mặt ở khu vực biên giới gần cửa khẩu Tân Thanh để "nhận việc". 

Nơi chúng tôi tập kết ngay cột mốc 1089, xung quanh là một bãi đất trống. Hàng trăm người với giày bảo hộ, bao tải, mảng xốp đeo lưng rầm rập len lỏi trong rừng cây, núi đá sang Trung Quốc nhận hàng về tập kết tại đây sau đó cõng xuống chân núi.

Cánh cửu vạn có cả phụ nữ và người già, lũ lượt cõng hàng vượt biên. Tiếng í ới nhau vang lên liên tục: “Còn hàng không? Tôi chỉ lấy được có 80kg, lấy hàng nhanh không tắc biên...”.

img

Rầm rập người lên kẻ xuống vác hàng lậu qua hàng rào biên giới, tuồn vào nội địa.

Chỉ tay vào người đàn ông gầy rộc, khuôn mặt trơ xương, đang hì hục cho hàng lên vai, Sơn nói với chúng tôi: “Chú có thấy không, hơn tạ hàng đấy, thằng kia nó nghiện từ lâu, cứ thuốc vào là khỏe lắm. Ở đây có hẳn một đội như thế, vài tấn hàng mỗi ngày cũng “quất” hết, miễn có tiền mua thuốc để chơi”.

Mỗi cân hàng giá chung 2.700 đồng, cứ hơn tạ hàng trên lưng, mỗi chuyến một cửu cũng được 300.000 đồng, nếu khỏe, ngày có thể thu nhập cả triệu đồng. "Chịu khó ngày làm vài chuyến không lo chết đói đâu em" - Sơn "động viên" những cửu mới. 

Cách đó không xa, từng đoàn cửu vạn gùi sầu riêng trên lưng cõng ngược sang biên giới Trung Quốc. Mùi sầu riêng từ trong thùng tỏa thơm nức cả cánh rừng. Ở chiều ngược lại, hàng chục cửu vạn khác vác từng tạ hàng, băng băng xuôi về chân đồi.

img

Từng đoàn người vác hàng công khai giữa ban ngày.

Ban ngày, dòng người cửu vạn kẻ lên người xuống lũ lượt công khai cõng hàng xuôi ngược biên giới, tạo thành khung cảnh bát nháo.

Đó là những gì phóng viên Dân Việt tận thấy sau nhiều ngày có mặt tại khu vực cánh gà phía sau chùa Tân Thanh, cách cửa khẩu và đồn biên phòng không xa.

Những chuyến hàng hai chiều trong đêm

Theo Sơn, hàng lậu được vận chuyển bất kể khung giờ nào, miễn là không tắc biên. Nhiều ngày có mặt tại đây, phóng viên Dân Việt chứng kiến cảnh hàng lậu được vận chuyển cả ngày lẫn đêm. Thậm chí vào ban đêm có thời điểm còn đông đúc, huyên náo hơn cả ban ngày. Dòng người cõng hàng leo đồi vượt biên, đèn pin soi rọi cả góc đồi, tiếng í ới nhau vang lên trên những cung đường mòn, lối mở.

img

Khu vực tập kết hàng sầu riêng chuẩn bị "cõng" sang Trung Quốc.

Khoảng 19h tối, mùi sầu riêng tỏa ra thơm nức ở con đường khu vực cánh gà chùa Tân Thanh (con đường nhỏ nằm cạnh chùa dẫn thẳng lên khu vực biên giới, tiếng cửu vạn í ới gọi nhau cõng hàng lên cột mốc để vận chuyển sang Trung Quốc.

Ban đầu, chúng tôi có lo lắng khi nhận cõng hàng buổi đêm, qua đồi núi. Vậy nhưng, nỗi sợ trong đêm tối ở một nơi xa lạ nhanh chóng bay đi, bởi khu vực rất đông người, đoàn người rầm rập cõng hàng trong rừng núi với ánh đèn pin thường trực loang loáng soi lối mòn. 

Tại một điểm tập kết dưới chân đồi, hàng chục cửu nhận từng thùng hàng sầu riêng nặng khoảng 30kg gùi lên lưng, sau đó túa ra như ong vỡ tổ, ngược lên con đường tại cột mốc 1089 và nhiều đường mòn khác.

Trên đường leo dốc, tiếng cửu vạn hô lên liên tục “phía dưới có hàng nặng, trên xuống có hàng thì hô to”. Ở chiều ngược lại, cửu vạn vác những tải hàng nặng trĩu từ Trung Quốc về. Sau khi ì ạch vác hàng qua các khe núi đá, đến triền dốc, nhóm này dừng bên đường để nghỉ lấy sức. Con đường rộng chừng nửa mét tấp nập người lên kẻ xuống, bất chấp nguy hiểm.

img

Dòng người cõng hàng leo đồi vượt biên, đèn pin soi rọi cả góc đồi, tiếng í ới nhau vang lên trên những cung đường mòn lối mở.

Một nữ cửu vạn tên G, tầm 50 tuổi, người Lạng Sơn đứng cạnh chúng tôi khi cho hàng xuống tiết lộ: “Hàng hoa quả cõng từ Việt Nam sang Trung Quốc, còn chiều ngược lại thì đủ thứ hàng như điện tử, đồ chơi... do nhà T.D và T.Đ chịu trách nhiệm".

Đang dở câu chuyện, từ xa có tiếng cai cửu hô to “tắt đen pin, tất cả ngồi xuống”, như một hiệu lệnh quen thuộc, tất cả cửu tắt đèn, thả hàng và ngồi xuống”.

Sơn “sẹo” trấn an, đây là chuyện như cơm bữa, có “biến” nên tất cả ém hàng, nếu làm gắt cửu phải vác ngược hàng về phía Trung Quốc. Tuy nhiên không lâu sau đó, tất cả cửu vạn được lệnh đường thông, chuyển hàng xuống núi.

img

Hàng sau khi tạm ngừng vì có "biến" được thông báo chuyển xuống núi.

Khi hàng về gần điểm tập kết phía chân núi, bất ngờ, có ánh đèn pin rọi về phía chúng tôi. Giật mình trước tình huống đó, phóng viên chưa biết đáp gì Sơn “sẹo” đã nhanh chóng lên tiếng: “Hàng nhà T.D, 3 thùng hơn một tạ”. Sơn “sẹo” nói xong, nhóm người này lúi húi ghi vào sổ, ánh đèn vụt tắt.

img

Tập nập người vác hàng lên, kẻ xuống huyên náo cả một khu vực.

Quan sát của phóng viên, hàng ngày tại điểm chốt gần khu vực chân núi, có 2 người đàn ông mặc thường phục liên tục ghi số lượng hàng qua, nhóm cửu vạn vác hàng qua đây phải báo số lượng hàng và tên chủ hàng. Khi chúng tôi tò mò về những người này, Sơn “sẹo” gắt: “Chỉ biết việc cõng hàng, mỗi lần qua thì báo, thế thôi”.

Nhiều ngày thâm nhập và chứng kiến cảnh các cửu vạn cõng nhiều chuyến hàng kéo dài gần 1km từ cột mốc xuống chân núi, huyên náo cả một vùng, chúng tôi chưa thấy bóng dáng lực lượng chức năng quanh khu vực này. Đây là điều kì lạ bởi cung đường phía sau chùa Tân Thanh cách Chi cục Hải quan và đồn biên phòng không xa.

img

Cung đường vác hàng hàng lậu phía sau chùa Tân Thanh cách Chi cục Hải quan và đồn biên phòng không xa.

Theo nhiều cửu vạn, để những chuyến hàng trót lọt, phải “bao biên”, "làm luật” và đây là điều chủ hàng phải lo, cánh cửu vạn chỉ cõng hàng. Cửa nhận nhiệm vụ đưa hàng về tập kết tại các kho dưới chân núi, sau đó hàng lậu tiếp tục túa đi khắp nơi.

Bài tiếp: Phi đội "cửu bay" ở Tân Thanh

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem