Năm 2020, nhiều người dân tại huyện Đơn Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) được cầm trong tay số tiền lớn khi thu hoạch những tấn khoai tây chất lượng, giao cho PepsiCo Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm (41 tuổi, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) phấn khởi cho biết: "Gia đình tôi liên kết với PepsiCo Việt Nam đã được 10 năm. Làm việc với PepsiCo Việt Nam rất thuận lợi, người dân được ứng giống, phân bón và kiểm tra vườn thường xuyên. Người dân chỉ cần có đất là có thể liên kết trồng khoai tây sao cho đạt năng suất cao nhất".
Bà Tâm cũng cho hay, trước đây, gia đình bà liên kết với PepsiCo Việt Nam chỉ 2,2ha, nhưng năm nay đã mạnh dạn thuê thêm đất để trồng 3,5ha.
Trung bình, mỗi vụ bà Tâm thu hoạch được 35 tấn khoai tây/ha, sau khi trừ tất cả các chi phí, bà Tâm lời từ 150 – 170 triệu đồng/ha.
Hiện nay, PepsiCo Việt Nam đang hỗ trợ người dân hai loại giống khoai tây. Đối với giống khoai tây ngoại nhập, đầu tư 1ha sẽ có chi phí 57 triệu đồng, giá bán cho công ty ở mức 9.000 đồng/kg.
Đối với giống khoai tây nội của Việt Nam đầu tư hết 32 triệu đồng/ha và được thu mua với giá 8.200 đồng/kg.
Cũng tại huyện Đơn Dương, ông Phạm Văn Trị (58 tuổi, xã Đạ Ròn) đã liên kết trồng khoai tây với PepsiCo Việt Nam với diện tích 6ha được 12 năm, từ khi PepsiCo Việt Nam có mặt tại Lâm Đồng.
"Khi liên kết với PepsiCo Việt Nam, người dân chúng tôi "lợi đơn, lợi kép", vừa được hướng dẫn chăm sóc cây trồng tận tình, giá cả ổn định mà năng suất còn cao. Trung bình mỗi ha khoai tây đạt năng suất 35 tấn/ha. Năm 2019, vườn của tôi còn đạt 56 tấn/ha", ông Phạm Văn Trị chia sẻ.
Ông Phạm Văn Trị hiện là Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Phi Vàng với hàng chục xã viên, liên kết với 50 hộ dân trên địa bàn.
Hiện, với 55ha của hợp tác xã, các xã viên cũng đang liên kết với PepsiCo Việt Nam trồng khoai tây. Tuy nhiên, hiện nay, khó khăn lớn nhất với đơn vị là diện tích đất còn ít, các thổ đất không liền nhau vì vậy khi áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch đạt hiệu quả không cao, tốn nhiều chi phí.
Hướng dẫn trồng khoai tây "từ A đến Z"
Nói về việc liên kết với người dân trồng khoai tây, ông Phan Đức Hòa – Kỹ sư nông nghiệp PepsiCo Việt Nam khu vực Tây Nguyên cho biết: Hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, công ty có khoảng 800ha đất trồng khoai tây liên kết với người dân. Sản lượng trung bình từ 26 – 30 tấn/ha.
Khi liên kết với người dân, PepsiCo Việt Nam sẽ cam kết thu mua với giá cố định từ 8.000 – 9.000 đồng/kg.
Chính vì vậy, người dân sẽ rất yên tâm sản xuất và làm sao đảm bảo đúng quy trình công ty đưa ra, giúp khoai tây đạt năng suất cao nhất.
"Trong quá trình liên kết, PepsiCo Việt Nam sẽ đầu tư ứng trước giống và phân bón cho người dân, sau khi thu hoạch sẽ trừ lại phần chi phí đó. Từ khi xuống giống đến khi thu hoạch, công ty sẽ có đội ngũ kỹ sư thăm đồng thường xuyên, kiểm tra bệnh từ đó phát hiện, hướng dẫn người dân phun thuốc gì phù hợp để xử lý.
Trong một vài năm trở lại đây, người dân liên kết với PepsiCo Việt Nam đã nắm rõ quy trình cũng như bệnh lý của cây khoai tây để xử lý nhanh chóng. Điều này giúp cho cây khoai tây phát triển khỏe mạnh và có năng suất cao, ổn định", ông Phan Đức Hòa chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Hạng – Giám đốc Phát triển Nông nghiệp PepsiCo Việt Nam cho hay, sau 10 năm triển khai trồng khoai tây tại Lâm Đồng thành công, hiện PepsiCo Việt Nam đã áp dụng mô hình vào tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và cho kết quả tốt.
Khoai tây cho năng suất trung bình 27-28 tấn/ha, cao nhất 34 tấn/ha. Để hỗ trợ nông dân tốt hơn, đội ngũ kỹ sư của công ty đã cùng nông dân xuống đồng, ăn ở cùng nông dân để hướng dẫn kỹ thuật giúp người dân làm sao cho cây khoai tây đạt năng suất, chất lượng cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Châu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, vào năm 2014, giữa PepsiCo Việt Nam, Hợp tác xã Phi Vàng của ông Phạm Văn Trị cùng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng đã ký một biên bản ghi nhớ thỏa thuận xây dựng và phát triển mô hình hợp tác liên kết sản xuất và tiêu thụ khoai tây chế biến.
Đến nay, hiệu quả của mô hình này đã được khẳng định, đây là hướng đi rất tốt tại địa phương. Ban đầu, niên vụ 2014 – 2015, diện tích khoai tây chỉ đạt hơn 17ha, nhưng năm 2021 đã lên khoảng 800ha (tập trung chủ yếu tại Đức Trọng và Đơn Dương).
"Việc xây dựng mô hình liên kết gắn với tiêu thụ khoai tây của PepsiCo Việt Nam là một trong những hướng đi đúng đắn mang tính bền vững lâu dài", ông Châu cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.