Lâm Đồng khuyến cáo dân không chặt cây cao su

Thứ ba, ngày 05/08/2014 07:16 AM (GMT+7)
Trước thực trạng người dân một số địa phương chặt bỏ cây cao su vì giá mủ xuống thấp, ngành chức năng tỉnh Lâm Đồng đã khuyến cáo nông dân không nên vội vàng chặt bỏ loại cây này, đặc biệt tại địa bàn các huyện phía Nam.
Bình luận 0
Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có gần 9.000 ha cao su, tập trung tại ba huyện phía Nam (gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên). Những năm gần đây, cao su được xem là loại cây chiến lược trong mục tiêu giảm nghèo bền vững của ba huyện phía Nam nên diện tích liên tục được mở rộng, nhất là cao su tiểu điền.

 img

Công nhân khai thác mủ cao su. Ảnh: Hà Thái - TTXVN

Xã Đoàn Kết là một trong những địa phương có diện tích cao su tiểu điền cao nhất huyện Đạ Huoai với gần 700 ha, tập trung chủ yếu địa bàn thôn 1 và thôn 2; trong đó, có khoảng 140 ha đã cho khai thác mủ.

Gia đình ông Vũ Văn Ước (thôn 2, xã Đoàn Kết) có 2 ha cao su trồng được 7 năm nay. Năm 2014 là mùa đầu tiên cây cho khai thác mủ với sản lượng trung bình 50 kg mủ/ha/lần cạo. Do cao su mới cho thu hoạch nên nồng độ mủ thấp, được thương lái thu mua với giá 7.000 đồng/kg. Với mức giá này, mỗi tháng gia đình ông Ước có thu nhập khoảng 7 triệu đồng từ 2 ha cao su.

Theo UBND xã Đoàn Kết, tính đến cuối tháng 7 trên địa bàn xã chưa có trường hợp nào chặt bỏ cây cao su. Tuy nhiên, một số hộ dân có diện tích cao su ở khu vực giao thông đi lại khó khăn và phải thuê lao động thì đang tạm ngừng thu hoạch do giá mủ thấp trong khi công thuê người cạo mủ khá cao.

Trong nửa đầu năm 2014, toàn xã Đoàn Kết đã có thêm 70 ha cao su trồng mới. Theo kế hoạch đến năm 2015, diện tích cao su của xã sẽ đạt 750 ha. Đây là số diện tích cây trồng kém hiệu quả được chính quyền địa phương xác định chuyển đổi sang trồng cao su.

Ông Cao Viết Xuân, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết, chủ trương của xã tiếp tục duy trì cây cao su vì xác định đây là cây giảm nghèo chủ lực của địa phương. Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, chính quyền xã cũng khuyến cáo người dân không nên quá lo lắng bởi cây cao su ngoài khai thác mủ còn có thể thu hoạch gỗ cho giá trị về kinh tế.

“Nếu tính theo giá mủ như hiện nay, cao su vẫn là loại cây cho thu nhập ổn định hơn so với sầu riêng và cây điều vốn là cây trồng cho thu nhập chính của người dân trong xã từ nhiều năm qua” – ông Xuân phân tích.

Theo UBND huyện Đạ Tẻh, diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn huyện hiện nay vào khoảng 1.500 ha, trong đó có 300 ha đang cho thu hoạch. Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp kỷ lục, có khoảng 200 ha đã đủ tuổi cho khai thác nhưng người dân đang tạm dừng thu hoạch.

Năm 2014, toàn huyện đã xuống giống thêm 700 ha cao su, tập trung trong khu vực diện tích rừng nghèo kiệt. Theo kế hoạch, đến năm 2020 toàn huyện Đạ Tẻh sẽ phát triển lên 10.000 ha cao su, gồm cao su tiểu điền và cao su của các doanh nghiệp.

Trong quá trình quy hoạch phát triển cây cao su, chính quyền địa phương còn hỗ trợ cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật cho bà con, đặc biệt đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Để giải quyết về đầu ra cho cao su khi diện tích tăng lên, huyện Đạ Tẻh cũng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su ngay tại địa bàn. Hiện nay, đã có Công ty cao su Đạ Tẻh lập dự án xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su với quy mô tiêu thụ trữ lượng mủ của 3.000 - 5.000 ha cao su/ngày.

Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết, trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, địa phương đã vận động người dân không vội vã chặt bỏ cây cao su, nhất là trong các buổi tiếp xúc cử tri.

Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng phổ biến đến người dân chương trình phát triển cây cao su đang rất được chính quyền huyện quân tâm, bởi cây cao su là cây đa mục đích, có thể khai thác mủ, lấy gỗ và thay thế cây trồng rừng như keo lai nên sẽ đem lại lợi ích kinh tế về lâu dài.
(Theo Tin tức)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem