Lâm Đồng: Nhà cheo leo sát bờ suối, cưỡng chế người dân di dời

Văn Long Thứ bảy, ngày 10/08/2019 10:39 AM (GMT+7)
Một số nhà dân ngay cạnh bờ suối bị sạt lở đến chân móng, gây nguy hiểm, lãnh đạo huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) đã phải tiến hành cưỡng chế người dân di dời đến nơi an toàn.
Bình luận 0

Sáng 10/8, ông Đặng Văn Chinh - Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M'ri (huyện Đạ Huoai) cho biết, trước nguy cơ mất an toàn đối với các hộ dân sống gần suối Lạnh (đoạn qua khu vực thôn 6, 7 của thị trấn Đạ M’ri) và chân đèo Bảo Lộc, địa phương đã di dời người dân đến nơi an toàn.

img

Các hộ dân liền kề bờ suối gặp nguy hiểm được chính quyền vận động di dời đến nơi an toàn.

"Hiện nay, do ảnh hưởng của mưa lũ, địa phương đã bị thiệt hại khá nặng. Các đơn vị chức năng vẫn đang thống kê thiệt hại trên địa bàn huyện. Do khu vực suối Lạnh và chân đèo Bảo Lộc có nước chảy khá siết nên nhà của một số hộ dân liền kề đã bị sạt lở và cuốn trôi. Trước đó, nhận định tình hình chúng tôi đã vận động người dân di dời đến nơi an toàn. Đặc biệt, tối 8/8 chúng tôi phải cưỡng chế di dời đối với 4 hộ gia đình, nếu không họ đã bị nước lũ cuốn trôi. Với căn nhà ở chân đèo Bảo Lộc của ông Huỳnh Ngọc Tươi, chúng tôi cũng đã di dời người dân đến nơi khác", ông Chinh cho biết thêm.

img

Địa phương đã phải cưỡng chế di dời đối với 4 hộ dân để đảm bảo an toàn.

Đến nay, trên địa bàn huyện Đạ Huoai đã có 34 căn nhà bị ngập do nước lũ tràn về, khoảng 360ha cây trồng (sầu riêng, dâu tằm, lúa) bị ngập. Bên cạnh đó, việc đèo Bảo Lộc bị sạt lở nghiêm trọng, địa phương đã huy động tất cả lực lượng tiến hành khắc phục nhằm bảo đảm giao thông thông suốt.

img

Ngôi nhà của ông Huỳnh Ngọc Tươi đang "treo" bên cạnh dòng suối.

Ông Chinh cho hay, địa phương đã bố trí lực lượng giúp người dân khắc phục hậu quả, bảo vệ trật tự, di dời các hộ dân trong khu vực bị ngập về nơi an toàn. Bên cạnh đó, huyện đã lập hàng rào, cắm biển cảnh báo tại khu vực công trình bị sạt lở, đảm bảo an toàn cho người dân.

img

Nhiều điểm sạt lở cạnh bờ suối Lạnh đã lấn vào đến móng nhà của người dân.

Trong khi đó, tại hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên đã có khoảng 300 hộ dân sẵn sàng di dời nếu đập thủy điện Đăk Kar (Đắk Nông) gặp sự cố gây nguy hiểm.

Thực hiện công điện khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về nguy cơ cao xảy ra vỡ đập thủy điện Đăk Kar, UBND tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các giải pháp sẵn sàng ứng phó với sự cố trên. Cụ thể, 150 hộ dân tại Đạ Tẻh và 150 hộ dân ở Cát Tiên đã sẵn sàng di dời. Theo Ban chỉ huy PCTT - TKCN tỉnh Lâm Đồng, nếu đập Đắk Kar vỡ, các hộ dân trên sẽ được đưa lên các vị trí cao hơn ở gần khu vực họ đang sinh sống.

img

Đập thủy điện Đắk Kar có nguy cơ vỡ do sự cố kẹt cửa van.

Trước đó, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có công điện khẩn về việc công trình hồ thủy điện Đăk Kar tại xã Phú Sơn đang thi công có dung tích 13 triệu m3 bị sự cố kẹt cửa van. Do ảnh hưởng của mưa lũ, hiện tại nước đã tràn qua đập gây sạt lở chân đập và có nguy cơ cao xảy ra vỡ đập, đe dọa nghiêm trọng tới sự an toàn của dân cư khu vực hạ du thuộc các tỉnh Đăk Nông, Bình Phước và Lâm Đồng...

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng do mưa to, lũ quét gây ngập lụt tại nhiều địa phương, khiến 2 người tử vong, 1.400 ngôi nhà bị ngập, khoảng 2.000ha rau mùa, trên 50ha ao cá bị cuốn trôi, thiệt hại ước tính lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem