Làm du lịch vài ngày bằng làm nông cả tháng

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 12/06/2020 20:14 PM (GMT+7)
Đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là cơ hội to lớn giúp thay đổi đời sống của người dân nhưng các đại biểu Quốc hội cho rằng, các dự án cần đầu tư có trọng điểm, ưu tiên phát triển du lịch từ tiềm năng sẵn có.
Bình luận 0

 Ưu tiên những dự án mang tính cấp thiết

Tại phiên thảo luận ở hội trường về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khó XIV, các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình với tầm quan trọng của chương trình này.

Các đại biểu đánh giá, dự thảo chương trình được xây dựng rất công phu, tâm huyết, toàn diện và thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, sự chăm lo cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Đảng và Nhà nước ta.

Làm du lịch vài ngày bằng làm nông cả tháng - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) thảo luận ở hội trường.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang (Nghệ An) bày tỏ sự băn khoăn về nguồn kinh phí đảm bảo. Theo dự toán của Chính phủ báo cáo thì tổng ngân sách cần cho giai đoạn 2021-2025 là 114.970 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 104.954 tỷ đồng, còn ngân sách địa phương là 10.016 tỷ đồng. 

"Chúng tôi thấy rằng việc bố trí ngân sách trung ương để đảm bảo thực hiện chính sách này đã khó thì việc địa phương đối ứng để đảm bảo kinh phí thực hiện lại càng khó khăn hơn vì đa số các tỉnh được thụ hưởng chính sách này đều là tỉnh nghèo, hiện đang hưởng trợ cấp từ ngân sách trung ương" - bà Trang nêu một thực tế.

 Để tránh tình trạng chính sách ban hành nhưng không thực hiện được, mang tính dàn trải, lãng phí và không ảnh hưởng đến việc thực hiện các chương trình khác, bà Trang đề xuất cần xây dựng lộ trình giai đoạn và hàng năm, đặc biệt là xác định những việc làm rất cụ thể theo hướng chọn một số dự án trọng tâm, trọng điểm, những dự án mang tính cấp thiết, đột phá và có tính dẫn dắt để làm trước, thay vì thực hiện cùng một lúc 10 dự án như trong dự thảo chương trình. 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) đề xuất, giai đoạn đầu của chương trình nên tập trung vào những dự án nhằm giải quyết được 5 vấn đề cơ bản mang tính chất nền tảng như đầu tư mạnh hơn cho giáo dục, đào tạo để tạo gốc phát triển con người.

Thứ hai, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất; thứ ba, đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; thứ tư, sắp xếp ổn định dân cư; thứ năm, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và tạo sinh kế cho đồng bào.

Du lịch là cú hích cho vùng dân tộc thiểu số

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) lại tỏ ra băn khoăn khi đọc đến các mục tiêu của dự án 1 bởi cụm từ "đạt tiêu chuẩn ba cứng" chung chung có thể là những mái nhà cấp bốn, mái tôn, mái bằng, vách bê tông thay dần cho những mái nhà rông, những căn nhà sàn, nhà đất trên lưng dốc, trên đồi. 

"Không biết những ngôi nhà truyền thống dân tộc còn có hay không và có thể mất hẳn kiến trúc đặc thù của dân tộc" - đại biểu Phương nêu câu hỏi.

Đại biểu Phương cũng bày tỏ sự lo lắng trong dự án 5 bởi chưa thấy nói đến việc bắt buộc dạy trẻ dân tộc thiểu số, tiếng nói và chữ viết dân tộc liệu đã đúng hay chưa khi chúng ta cho trẻ người dân tộc thiểu số cắp sách đến trường để học tiếng Kinh qua những câu chuyện cũ của người Kinh do cô giáo người Kinh dạy. 

"Ước tính trên thế giới có 40% ngôn ngữ đang có nguy cơ biến mất dưới tác động của toàn cầu hóa và điều đó đồng nghĩa với việc biến mất của nhiều dạng văn hóa phi vật thể. Nếu chúng ta can thiệp không dựa trên nền tảng và quan điểm văn hóa thì quá trình sẽ trở thành Kinh hóa người dân tộc thiểu số, miền núi" - đại biểu Phương nói.

Làm du lịch vài ngày bằng làm nông cả tháng - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) đề xuất đưa du lịch thành một nội dung chính xuyên suốt của chương trình. Đại biểu Hưng lấy ví dụ, bản Lác, Mai Châu (Hòa Bình) là một điển hình giúp người dân có thu nhập ổn định từ du lịch mà vẫn giữ vững bản sắc văn hóa. Trong ảnh: Một góc bản Lác.

Đại biểu Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đề xuất đưa dân tộc Mông được xếp vào dân tộc khó khăn, bởi vì đồng bào dân tộc Mông sinh sống tại các vùng núi cao, những nơi điều kiện về tự nhiên, địa hình vô cùng khắc nghiệt, ít đất sản xuất, vùng núi đất dễ sạt lở, vùng núi đá thì vô cùng khô, khát, nhất là vào mùa khô, thậm chí người dân phải gùi từng gánh đất đổ vào hốc đá để canh tác, cùng với những đồng bào dân tộc thiểu số ở nơi đây thì tri thức bản địa là cày trên hốc đá của người Mông vẫn còn phát huy tác dụng vì chưa có loại máy móc nào có thể thay thế được. 

Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân (Đắk Lắk) đề xuất cần chú ý đến quan điểm tiếp cận văn hóa theo chiều ngang bằng tôn trọng sự đa dạng, độc đáo về văn hóa, quan tâm đến nhu cầu tự thân của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình. 

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (TP Hà Nội) đề xuất đưa du lịch thành một nội dung chính xuyên suốt của chương trình.

Theo ông Hưng, du lịch cũng là một ngành không cần nhiều vốn, khả năng xã hội hóa cao và sử dụng nhiều lao động phổ thông. Kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn phát triển du lịch ở nhiều địa phương trong những năm qua đã chứng minh điều đó như Bản Lác - Mai Châu - Hòa Bình, Cát Ý - Lào Cai, Buôn Đôn - Đắk Lắk. 

"Hơn 4 năm trước, khi chúng tôi lên dự lễ khai mạc tuần du lịch văn hóa ở Lai Châu, có đến Sìn Hồ gặp người dân nơi đây thì họ bảo là: "Cám ơn các bác du lịch, gia đình em mà làm du lịch có vài ngày bằng làm nông nghiệp cả các tháng". Cũng rất mừng tôi được biết là Lai Châu mới đây đã chọn du lịch, nông nghiệp, thủy điện làm 3 khâu đột phá phát triển của tỉnh" - ông Hưng nêu ví dụ đồng thời đề xuất đồng bào các dân tộc thiểu số và miền núi cần con cá và cũng rất cần cần câu và du lịch chính là một cần câu phù hợp nhất để du lịch vùng phát triển bền vững. 

Ông Đỗ Văn Chiến - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc:

Đây là một chương trình không chỉ nhằm phát triển kinh tế - xã hội mà còn mang theo sứ mệnh đại đoàn kết các dân tộc, đa mục tiêu, giàu tính nhân văn và ghi đậm dấu ấn lịch sử của Quốc hội khóa XIV.

Chỉ một chương trình này cũng chưa thể giải quyết hết được khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay và mong muốn cũng chưa đáp ứng được những đòi hỏi thực tiễn. Nhưng rõ ràng đây là một cơ hội lớn, nguồn sinh khí mới, đồng bào sẽ có điều kiện để giảm bớt những khó khăn, nhọc nhằn hiện nay.

Chắc chắn đồng bào sẽ rất vui mừng, phấn khởi và mãi mãi biết ơn Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi mong muốn và tin tưởng rằng, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không cam chịu đói nghèo, vượt qua chính mình để hòa nhập và phát triển cùng với đất nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem