Ngày nay, các phi công vẫn thường đùa với nhau rằng: Trong tương lai, trong buồng lái máy bay dân dụng sẽ chỉ còn một phi công và một con chó. Nhiệm vụ của phi công là cho con chó ăn trong chặng bay dài, còn con chó ở đó để cắn viên phi công nếu anh ta chạm tay vào bất cứ nút điều khiển nào.
Trong thời điểm hiện tại, viễn cảnh về những chuyến bay hoàn toàn tự động không cần các thao tác của phi công không còn là điều gì quá xa lạ. Chúng ta đã có những chiếc máy bay không người lái chuyên lùng diệt khủng bố hoặc tuần tra biên giới, và chúng ta cũng đã có những công nghệ có thể ngăn chặn được những thảm kịch giống như vụ máy bay Airbus A320 của hãng Germanwings đâm vào dãy Alps hồi tuần trước.
Chiếc máy bay A320 vỡ nát sau khi viên cơ phó Andreas Lubitz cố tình đâm vào núi tự sát
Mặc dù công nghệ tự động hóa hoàn toàn chưa được áp dụng đối với các máy bay dân dụng, song nếu như chiếc A320 xấu số trên được áp dụng một công nghệ cũ vốn dùng cho lĩnh vực quân sự, nó hoàn toàn có thể tránh khỏi được thảm họa khiến 150 người thiệt mạng.
Đó chính là Hệ thống Tránh Va chạm Mặt đất Tự động (Auto-GCAS) do hãng Lockheed Martin phối hợp với NASA và không quân Mỹ phát triển từ thập niên 1980 và hiện sắp được áp dụng phổ biến trên các chiến đấu cơ Mỹ.
Về cơ bản, đây là một phần mềm không quá phức tạp, và nó chỉ cần điều chỉnh một chút là có thể được tích hợp vào hệ thống máy tính cũng như thiết bị truyền tải dữ liệu tiên tiến trên máy bay chở khách để có thể đề phòng những vụ đâm máy bay vào núi tương tự.
Hệ thống GCAS có thể giúp máy bay thoát hiểm trong những tình huống khẩn cấp
Sau khi được cài đặt, hệ thống này sẽ giám sát độ cao, tốc độ của máy bay, và bất cứ khi nào nguy cơ máy bay đâm xuống đất xuất hiện, nó sẽ kích hoạt chế độ tự lái đưa máy bay về quỹ đạo an toàn. Sau một thời gian lắp đặt thử nghiệm, không quân Mỹ tuyên bố sẽ cài đặt đại trà hệ thống này cho toàn bộ các máy bay F-16, và sau đó là F-22, F-35.
Hệ thống Auto-GCAS được ghi nhận đã cứu một chiếc F-16 của Mỹ hoạt động ở Jordan vào tháng 11 năm ngoái, và không quân Mỹ dự đoán nó sẽ cứu được khoảng 14 máy bay, 10 phi công và hơn 500 triệu USD đối với loại chiến đấu cơ F-16 nói riêng.
Công nghệ này rất có tiềm năng được áp dụng phổ biến, khi không quân Mỹ cho rằng nó hoàn toàn có thể được tích hợp vào hệ thống trên máy bay dân sự, và NASA là tổ chức đang đi tiên phong trong việc khám phá công dụng của công nghệ này trong lĩnh vực dân sự.
Hệ thống GCAS sắp được lắp đặt trên toàn bộ chiến đấu cơ F-16 của Mỹ
Theo các chuyên gia hàng không, nhược điểm hiện nay của GCAS là nó có chức năng cho phép phi công vô hiệu hóa chức năng tự kích hoạt chế độ tự lái, thế nên nếu phi công cố tình đâm máy bay tự sát, công nghệ này cũng không thể cứu được mọi người trên máy bay.
Mặc dù vậy, các kỹ sư vẫn có cách để điều chỉnh để tránh kịch bản này, chẳng hạn như đòi hỏi cả hai phi công cùng thao tác mới có thể tắt được hệ thống, khiến những kẻ có ý định đâm máy bay tự sát phải nản lòng, bởi máy bay sẽ tự động vọt lên mỗi khi “đánh hơi” thấy nguy cơ đâm xuống đất.
Ngành hàng không thế giới đã chứng kiến nhiều bước ngoặt trong lịch sử 112 năm tồn tại, và hàng không vẫn là phương tiện đi lại an toàn nhất của con người trong thời điểm hiện nay, bất chấp những thảm kịch xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua.
Việc giảm thiểu các vụ tai nạn máy bay sẽ tiếp tục là thách thức cho ngành hàng không thế giới trong thời gian tới, đòi hỏi phải có những thay đổi vượt bậc, và một ngày nào đó, trong buồng lái máy bay chở khách có thể sẽ không còn cả phi công lẫn con chó.
Trí Dũng (Theo The Wired)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.