Là một trong 20 nước có số người sử dụng internet cao nhất trên thế giới nhưng ở Việt Nam, khoảng cách sử dụng internet giữa nông thôn và thành thị còn tương đối xa. Trong số gần 90 triệu dân, có khoảng 30 triệu người sử dụng internet và con số này tập trung chủ yếu ở thành thị.
Rút ngắn khoảng cách sử dụng internet giữa thành thị và nông thôn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hiệp hội internet Việt Nam trong thời gian tới. Và câu hỏi lớn được đặt ra là làm thế nào rút ngắn khoảng cách đó để người nông dân không “ngại” internet. Đây cũng là nội dung buổi tọa đàm về vấn đề thúc đẩy phát triển internet tại Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
|
Muốn đưa người nông dân đến gần hơn với internet, trước hết cần phải "cho họ thứ mà họ thích". Ảnh minh họa từ internet |
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch VIA cho biết, không chỉ VIA mà nhiều Bộ, ban ngành có liên quan đã triển khai nhiều chương trình hữu ích giúp nông dân có cơ hội được tiếp cận với công nghệ thông tin. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, hiệu quả đem lại chưa mấy khả quan. Theo ông Long, lý do là vì nội dung trên internet còn quá nghèo nàn nên chưa thu hút được sự quan tâm của người nông dân.
Nghèo nàn ở chỗ, sự bùng nổ về dịch vụ nội dung trên internet chủ yếu là các dịch vụ giải trí còn các nội dung có thể áp dụng cho cuộc sống của người nông dân thì hầu như chưa phát triển.
Mặt khác, theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch VIA, những nội dung đó chưa làm thỏa mãn nhu cầu của người nông dân. Ông Liên cho rằng, cần phải thực hiện quá trình khảo sát nhu cầu sử dụng internet của nông dân một cách khách quan để biết họ cần gì, muốn gì và thích gì. “Chúng ta phải cho họ thứ mà họ thích, thỏa mãn nhu cầu của họ trước khi kéo họ đến gần hơn với internet”, ông Liên nói. Đây cũng là chìa khóa giúp nông dân không “ngại” internet.
Từ ví dụ rằng dù đã được cung cấp đầy đủ máy tính, đường truyền internet nhưng tại một số trường học ở các vùng khó khăn, học sinh và các thầy cô giáo vẫn xa lạ với internet, ông Liên nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cần thành lập một cộng đồng internet lành mạnh, bao gồm ba mắt xích: người tiêu dùng – nhà cung cấp – cơ quan quản lý.
Còn theo ông Phạm Anh Chiến, Phó tổng giám đốc Công ty Đông Dương Telecom, một cách thiết thực nhất giúp đưa internet đến gần với người dân hơn là tìm cách tăng doanh thu cho họ từ internet. “Làm thế nào để mỗi ngày người nông dân kiếm thêm được 50.000 đồng chẳng hạn, họ sẽ tìm cách vào internet ngay”, ông Chiến bày tỏ. Bên cạnh đó, để internet thực sự đi “ăn sâu” vào tiềm thức của người nông dân thì cần phải bám chắc vào nghị quyết Tam nông của Chính phủ.
Theo nội dung Đề án của Chính phủ "Đưa Việt Nam sớm trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông", đến năm 2015 sẽ cơ bản hoàn thành mạng băng rộng đến các xã, phường trên cả nước, kết nối Internet ở tất cả các trường học, phủ sóng thông tin di động băng rộng đến 85% dân cư…
Năm nay, thay vì các hoạt động hội chợ, triển lãm như năm ngoái, Hiệp hội internet Việt Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ Nhà báo ICT Việt Nam thực hiện Tọa đàm chủ đề "Tương lai internet Việt Nam", tập trung vào vấn đề làm sao để thúc đẩy phát triển internet tại Việt Nam, đặc biệt là ở vùng nông thôn.
Song trên thực tế, bài toán đưa internet về nông thôn vẫn khá nan giải khi các nhà cung cấp dịch vụ không đưa ra được số phần trăm tỉ lệ thuê bao internet ở nông thôn, một số doanh nghiệp chỉ tập trung vào phát triển ở những thị trường màu mỡ như thành thị.
Vì thế, tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý cần đưa ra một tỉ lệ nhất định đối với các nhà cung cấp dịch vụ, ví dụ như số thuê bao phát triển ở thành thị bao nhiêu, nông thôn, vùng sâu, vùng xa bao nhiêu…
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, ông Nguyễn Công Toàn, Giám đốc Trung tâm phát triển hạ tầng miền Bắc của FPT Telecom nhận định, chiến lược phát triển mở rộng vùng phủ của các doanh nghiệp viễn thông tương đối kín nhưng ở phần nội dung internet lại tương đối hổng, mạnh ai lấy làm.
Ông Toàn kiến nghị, các doanh nghiệp cần có sự đồng lòng với chủ trương đưa internet về nông thôn đồng thời, cơ quan quản lý cần định hướng liên kết các doanh nghiệp với nhau để phát triển toàn diện hơn, đặc biệt là việc cùng nhau tổ chức xây dựng nội dung tiếng Việt cho người dùng internet.
Đây cũng là ý kiến của ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung tâm internet Việt Nam (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) – đại diện cơ quan quản lý.
Theo ông Tân, nội dung thông tin càng được Việt hóa thì càng giúp người nông dân dễ sử dụng, nên phát triển các tên miền thiết thực ví dụ như giá ngô (giango.vn), giá vải thiều (giavaithieu.vn)… để người nông dân thấy được sự thân thuộc, từ đó tạo thói quen sử dụng internet.
Về đề nghị thành lập cộng đồng internet giúp người dân dễ dàng có phản hồi tới các doanh nghiệp, ông Tân cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông ghi nhận ý tưởng này và sẽ lưu ý triển khai trong các cuộc tổng điều tra về sử dụng internet.
Phú Cao
Vui lòng nhập nội dung bình luận.