Làm giàu ở nông thôn: Trai trẻ 8X bỏ nghề báo về quê nuôi lợn, gà

Ngọc Vũ Thứ ba, ngày 27/02/2018 07:05 AM (GMT+7)
Từng học báo chí, từng viết những bài báo tâm huyết nhưng cuối cùng chàng trai 8X quyết định bỏ nghề về quê lập gia trại làm giàu. Người chúng tôi nhắc đến là Lê Đức Quang Huy (SN 1983, trú thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Bình luận 0

Bỏ nghiệp báo lập gia trại

Những ngày đầu năm, chúng tôi đến thăm gia trại của anh Huy nằm ở mép ngọn đồi bình yên ở thôn Lai Bình khi anh vừa chở hơn 100 con lợn giống từ Hà Tĩnh vào thả nuôi.

Dáng người thư sinh, trắng trẻo với cặp kính cận dày nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, thoăn thoắt nói cười, anh Huy rót nước mời khách rồi kể về niềm đam mê báo chí của mình. Vì mê nghề viết lách từ nhỏ nên học xong cấp ba anh Huy thi vào khoa báo chí trường Đại học khoa học (Đại học Huế) nhưng không đậu. Sau đó, năm 2005 khi Học viện Báo chí và Tuyên truyền mở lớp đào tạo tại chức tại Quảng Trị, anh Huy đã theo học.

img

Lê Đức Quang Huy từng viết lách, theo nghiệp báo chí nhưng đã bỏ nghiệp về quê lập gia trại làm giàu. Ảnh: Ngọc Vũ

Sau 4 năm ngồi ghế giảng đường, anh Huy tốt nghiệp rồi xin việc ở một số đài truyền hình và truyền thanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Sau thời gian học việc, viết những bài báo tâm huyết anh Huy quyết định bỏ nghề thi công chức nhưng không đậu.

“Mình yêu nghề báo và nghĩ sau này sẽ trở thành một phóng viên nhưng dường như nghề báo không chọn mình. Vì vậy, mình quyết định thi công chức nhưng không đậu. Thời điểm đó, mình thật sự buồn nhưng đành phải quyết định về quê làm nông” – anh Huy tâm sự.

Anh Huy kể, sau một thời gian nỗi buồn dần vơi và anh cùng vợ bắt đầu hành trình gần 2 năm tay cuốc, tay rựa khai hoang được 4 ha đất đồi trồng cao su và sắn. Những ngày đầu lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, anh phải bán đi chiếc xe máy duy nhất được cha mẹ mua cho thời sinh viên và vay Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Linh 20 triệu đồng mua giống cao su trồng 2 ha và 2 ha sắn. Vụ sắn đầu tiên anh Huy hét lên vì sung sướng khi bán được 45 triệu đồng, đủ trả nợ tiền giống cao su và tiếp tục sản xuất.

img

Gia trại nuôi lợn, gà, cá và trồng rừng của Huy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Vũ

Xác định lợi thế địa hình, anh Huy quyết tâm lập gia trại theo mô hình vườn-ao-chuồng-rừng (VACR) nên đã đi học các lớp tập huấn kỹ thuật về thú y, chăn nuôi lợn, cá, gà… Khi đã có kiến thức nền, anh Huy đi tham khảo các mô hình chăn nuôi có hiệu quả và đến năm 2015 bắt đầu lập gia trại cho riêng mình.

Ban đầu, anh Huy nuôi lợn với số lượng nhỏ sau đó tăng dần lên đến nay mỗi năm xuất bán khoảng 600 lợn thịt, lãi gần 300 triệu đồng. Khi có vốn trong tay, anh Huy mua thêm ruộng để đào 1 ha hồ cá nuôi các loại cá mè, trắm, rô phi… để tận dụng phế phẩm từ nuôi lợn. Mỗi vụ cá anh Huy nuôi trong 8 tháng, bán ra thị trường với thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Hiện nay anh Huy đang mở rộng mô hình và nuôi thêm hàng ngàn con gà thả vườn để tăng thu nhập đồng thời cung cấp giống cho bà con nông dân.

Bông sen hồng trên đất lửa

Là người trẻ, có trình độ và nhiệt huyết, năm 2011 anh Huy được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp. Trên vai trò cán bộ hội, anh Huy luôn tích cực và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đến nay, cán bộ hội tuổi 8X này đã được chính quyền, nhân dân ghi nhận nhiều thành tích đáng nễ, đặc biệt là trong công tác vận động nông dân hiến đất xây dựng nông mới và hòa giải mẫu thuẫn trong dân.

img

Huy không những là nông dân sản xuất giỏi, bông sen hồng của huyện Vĩnh Linh mà còn là cán bộ hội nông dân đi đầu trong mọi công tác. Ảnh: Ngọc Vũ

Anh Huy chia sẻ, muốn người dân làm thì mình phải gương mẫu. Chính vì thế, anh đã bỏ tiền túi 20 triệu đồng để sửa con đường lầy lội trong xóm của mình bằng phẳng dễ đi lại hơn. Nhìn tấm gương anh Huy, nhân dân trong thôn, xã cũng tích cực hưởng ứng. Riêng năm 2017 toàn dân xã Vĩnh Chấp hiến 3.000 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn. Chia sẻ về kinh nghiệm vận động, anh Huy nói rằng khi đi vận động phải nhẹ nhàng, lễ phép, nói chuyện tâm sự tỉ tê chứ không dùng lời lẽ áp đặt. Cán bộ nói có lý thì nhân dân sẽ nghe và làm theo.

Nhớ chuyện hòa giải mâu thuẫn gia đình, anh Huy cho biết nhiều lúc đêm khuya phải chạy đến nhà những cặp vợ chồng xảy ra cãi vã, xích mích để giải quyết. Như cách đây không lâu, cặp vợ chồng trẻ anh P, chị L vì kinh tế khó khăn, anh chồng uống vài li rượu rồi xảy ra cãi nhau, mẫu thuận với vợ. Đêm khuya thanh vắng, nghe tiếng cãi nhau anh Huy bật đèn pin đến nhà hòa giải cho hai vợ chồng êm ấm. “Mình phải nắm được tâm lý, xem vì sao vợ chồng họ xảy ra mâu thuẫn rồi tùy vào đó mà có cách hòa giải hợp lý. Khi họ nóng thì mình phải làm cho họ nguôi đi” – anh Huy chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Lương – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh cho hay: “Anh Huy vừa là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, vừa là cán bộ Hội Nông dân năng động được các cấp, ngành, nhân dân đánh giá cao. Năm 2017, anh Huy là một trong 30 ngôi sao sáng được huyện Vĩnh Linh tặng giải thưởng Bông sen hồng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem