Săn mồi nhậu chờ trận đấu
Đã thành thông lệ, mỗi lần có trận đấu (dĩ nhiên không phải của V-League), nông dân xóm Tương (ấp Vĩnh Hòa, xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, Long An) lại kéo tới nhà ông Năm Thập. Cũng đã thành thông lệ, mỗi trận đấu đều chia làm hai phe tham gia “bắt độ”, phe nào thua phải trả tiền mua rượu.
|
Các “Hai Lúa” ở Long An đang đếm giờ chờ xem trận Barca - M.U. |
“Gọi là bắt độ để cổ vũ cho hào hứng thôi, chứ rượu gạo ở đây nhiều nhà nấu, có 16 nghìn đồng một lít, hai chục người có uống quắc cần câu cũng không hết 100 nghìn tiền rượu” - ông Năm Thập nói.
Thông thường, trước trận đấu vài ba ngày, mấy ông bạn mê đá banh của ông Năm Thập đã chuẩn bị sẵn mồi, thường là mấy con cá bự bắt dưới ao, con gà mái vừa lấm lưng, vài ký nấm rơm trồng ngay tại chỗ bỏ vào nồi cháo cho ngọt và cả thúng rau “tập tàng” mà chỉ cần đi vài vòng quanh bờ ao là “cả xóm ăn cũng không hết”…
Nói về môn thể thao vua, bà Đào Thị Thu Nguyệt, người không biết “việt vị” nghĩa là gì cũng hào hứng: “Mấy ông chồng coi đá banh la hét muốn bể cả xóm - ban đầu tui bực dữ lắm vì không ngủ nghê gì được. Mấy ổng la hét đã đành, đi coi đá banh mà còn vác theo thau nhôm, thùng nhựa rồi gõ inh ỏi cả xóm làng. Tui ngủ không được nên đi theo coi, đến khi cầu thủ đá vô tui mới biết tiếng hét của mình còn lớn hơn tiếng của mấy ổng”.
Ao nhà mất giá
“Ta về ta tắm ao ta hả? Không dám đâu…”, ông Hai Cù trả lời cho câu hỏi tại sao lúc nào cũng có vé mời vô sân Long An coi “vi – lít” mà cứ nằm lỳ ở nhà, chờ coi Champions League. Theo lý giải của người dân xóm Tương, trước đây họ từng lội bộ cả đi lẫn về hàng chục km mướt mồ hôi để coi những cầu thủ Long An mang giày ba ta xung trận. Ngày nay, khi nông dân có vé mời (do con cái làm ở ngành thể thao) và đi xe gắn máy, nông dân cũng không thèm vô sân.
“Tui thấy cầu thủ đá giải châu Âu đã ra sân là sống chết vì màu cờ sắc áo, còn cầu thủ ta tài thiếu mà tật nhiều, ngày nay đi cả siêu xe 4, 5 tỷ bạc gì đó mà đá còn tệ hơn trước”.
Nhiều bà vợ ở xóm Tương cho biết, dù trình độ hiểu Luật Bóng đá chỉ ở mức abc, nhưng thấy cầu thủ đá hăng quá, rồi thấy không khí bên trong tivi lẫn bên ngoài chiếu nhậu cũng quá hăng nên cũng la hét khản cổ. Không nhậu được, mấy bà nấu chè… thay cho mồi nhậu và rượu đế!
Ông Tư Hoàng, nhà ở xóm Tương cho biết, mỗi lần vô tình bật tivi thấy cầu thủ nội “diễn” trên sân, ông chuyển kênh, xem quảng cáo. “Thà đá thật như bóng đá nông dân, hoặc đá phải sống chết như Champions League, còn “diễn” trên sân như cầu thủ ta là tui tức không chịu được” – ông Tư nói.
Theo dân xóm Tương, máu mê Champions League có từ thời xóm này chỉ có duy nhất cái tivi trắng đen cách đây hơn 20 năm ở nhà ông thầy Khoai cuối xóm, muốn đi coi phải lội bộ, băng đường ruộng cả cây số mới tới.
“Nghĩ cũng ngộ, hồi đó thấy họ đá tụi tui chỉ biết một bên bắt đội áo trắng, một bên bắt áo đen chứ đâu biết kêu tên tiếng Anh của họ. Về luật thì cũng không biết gì. Coi riết con nít cũng thuộc làu tên cầu thủ, luật thì trọng tài chưa rút thẻ đã biết cầu thủ phạm lỗi gì. Mà kể cũng buồn, khi được trang bị “kiến thức bóng đá” đủ đầy như thế thì chỉ còn Champions League và các giải quốc tế khác mới đáng xem, còn “ao nhà” thì coi như bỏ ngỏ” - ông Hai Cù nói mà mặt buồn hiu.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.