Này nhé, thóc trong bồ, gạo trong hũ, gà trong sân, cá dưới ao, củi ở đống rơm và lá rụng, cây gãy trong vườn - một vòng khép kín. Đồng tiền mất giá hay được giá thì kệ người ta, mình có lĩnh lương đâu mà lo. Nếu cần chút tiền còm trang trải cái gì thì nước nổi bèo nổi, bán được giá đắt hơn trước đây, tiền bỏ túi gấp rưỡi, gấp đôi trước đây, sướng quá còn gì?
Nghĩ vậy, nói vậy có lẽ chỉ đúng với thời xưa, cả trong thời bao cấp, khi nông thôn và nông dân sống cuộc sống tự cung tự cấp, kinh tế thị trường chưa bùng nổ. Thời đó, nông dân đâu có bán hay mua gì nhiều, nhu cầu tiêu dùng cũng vặt vãnh, phiên chợ quê mang quả trứng, quả mít ra bán, rồi mua đồng muối đồng mắm hay chai dầu về. Nếu có chút tiền để dành thì cũng chẳng có bao nhiêu mà phải lo nó mất giá!
Nhưng thời nay thì đã khác. Nông thôn là địa bàn nếu không nói là chủ yếu thì cũng rất quan trọng với kinh tế thị trường. Tức là, đại bộ phận nông dân phải có gì bán để lấy tiền mà mua những thứ mình cần. Làm gì cũng phải tính có lời, nếu không thì nghỉ cho khỏe, vả lại lỗ thì lấy tiền đâu mà trả nợ ngân hàng? Cuộc sống khấm khá lên, các thứ hàng tiêu dùng nông dân cần mua ngày mỗi nhiều, chưa mua được thì vẫn còn ấm ức, vẫn coi là phận nghèo.
Lạm phát tăng cao thì gây bão giá, đúng là cái gì cũng cao giá nhưng giá bán nông phẩm thường không đua kịp giá mua hàng công nghiệp và tiêu dùng, đi lại, chữa bệnh, chưa nói là còn lắm bấp bênh, chưa chắc giá đã lên như mong muốn! Hy vọng bão giá sẽ nhanh chóng qua như bão lụt hay “máy bay địch đã bay xa” để sinh hoạt trở lại bình thường.
Với nông dân, tài hèn sức mọn, đất đai khiêm tốn, vốn liếng mỏng manh, có một con đường bất đắc dĩ để có thể mỉm cười chờ bão giá đi qua. Đó là con đường tiết kiệm, chắt lót vốn là truyền thống tốt đẹp cha ông để lại cho từ ngàn xưa. Tiết kiệm để kháng chiến, nay tiết kiệm để chống lạm phát.
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.